Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang kiểm tra tại một cửa hàng bán sữa. Ảnh: H.Triều |
Sau Tết Nguyên đán đến nay, dư luận xã hội, đặc biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ vô cùng hoang mang trước thông tin một số nhãn sữa bột có hàm lượng đạm thấp hơn so với công bố. Nhiều phụ huynh và nhất là các trường mầm non rất đau đầu không biết có nên tiếp tục dùng sữa nữa hay không…
Độ đạm của sữa thấp hơn bột mì
Theo ông Hồ Tất Thắng – Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam thì tháng 10-2008, hội đã lấy 20 mẫu sữa đang được bày bán trên thị trường TP.HCM để kiểm tra hàm lượng protein (đạm). Kết quả cho thấy, quá nửa số mẫu đó không đạt tiêu chuẩn đã ghi trên bao bì. Thậm chí, có những mẫu sữa, hàm lượng đạm chưa tới 2%, thấp hơn cả hàm lượng đạm của bột mì (trên 2%). “Các doanh nghiệp thật dã man khi đưa ra thị trường những sản phẩm sữa kém chất lượng” – ông Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó từ tháng 4 đến tháng 11-2008, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM đã lấy 99 mẫu sữa tại các cửa hàng, siêu thị, chợ và điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố để xác định hàm lượng protein có trong sữa bột so với công bố chất lượng ghi trên bao bì sản phẩm. Trong đó có 37 mẫu sữa bột hộp thiếc nhập khẩu, 13 mẫu sữa bột hộp giấy nhập khẩu, 18 mẫu sữa bột hộp thiếc nội địa, 14 mẫu sữa bột hộp giấy nội địa và 17 mẫu sữa bột bao nylon nội địa. Kết quả, 37,4% mẫu không đạt hàm lượng protein so với công bố ghi trên bao bì. Đặc biệt, sữa bột bao nylon nội địa là 88,2%; sữa bột hộp thiếc, hộp giấy nội địa là 50%; sữa bột hộp giấy nhập khẩu là 15,4%; sữa bột hộp thiếc nhập khẩu là 10,8%.
Riêng Sở Y tế TP.HCM, từ 7-8 đến 28-10-2008 đã tiến hành kiểm tra 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa bột. Theo đó, đoàn thanh tra đã lấy 15 mẫu sữa, trong đó có 5 mẫu của Công ty TNHH Hùng Lâm, 1 mẫu của cơ sở Như Trang, 2 mẫu của Công ty TNHH CBTP TM Hoàng Khang, 4 mẫu của Công ty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát và 3 mẫu của Công ty CPTP dinh dưỡng Đài Hoa. Kết quả kiểm nghiệm, chỉ có 2 mẫu của Công ty Hoàng Khang là đạt hàm lượng Protein theo tiêu chuẩn công bố, 13 mẫu còn lại hàm lượng đạm đều thấp hơn nhiều so với công bố trên bao bì. Có sản phẩm độ đạm chỉ bằng 1/3 so với công bố. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã đình chỉ hoạt động đối với Công ty Hùng Lâm và buộc công ty này phải tiêu hủy 160 kg sữa bột không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, không đạt hàm lượng độ đạm theo công bố. Ngoài ra, 3 cơ sở là Như Trang, Tuấn Cường Phát và Đài Hoa buộc phải tái chế 1369,2 kg sữa bột dưới sự giám sát của Sở Y tế TP.HCM…
“Sau khi phát hiện các nhãn sữa bột có hàm lượng protein thấp so với hàm lượng công bố trên bao bì, Sở Y tế đã xử lý nghiêm. Những sản phẩm kém chất lượng này đã không còn tồn tại trên thị trường…”, bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
Trường mầm non hoang mang vì sữa “dỏm”
Ngay sau khi báo, đài thông tin về sữa nhiễm melamine, không ít trường mầm non đã lo ngại và tạm ngưng việc uống sữa cũng như ăn các sản phẩm làm từ sữa của trẻ. Sau đó, khi Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi các trường mầm non yêu cầu chỉ mua sữa và các sản phẩm từ sữa khi nhà cung cấp xuất trình giấy chứng nhận không có melamine thì các trường mới an tâm và cho trẻ uống sữa trở lại.
“Cơn bão” melamine vừa tạm lắng, giờ đây các trường mầm non lại lao đao trước thông tin sữa “dỏm”. Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn Q.Tân Phú tâm tư: “Do trường nằm trên địa bàn dân cư nghèo nên việc thu tiền ăn cũng không dám thu cao. Bởi vậy nên nhà trường chỉ có thể mua những loại sữa có mức tiền vừa phải, chủ yếu là hàng nội địa. Song qua báo đài được biết có tới phân nửa sữa nội địa có hàm lượng đạm thấp so với công bố trên bao bì trường cũng thấy lo lắng, giờ không biết nên làm thế nào. Nếu ngưng cho trẻ uống sữa thì không thể được vì ở nhóm nhà trẻ, thức ăn chính vẫn là uống sữa. Còn nếu cho uống thì phải uống sữa cao cấp hơn, song tiền ăn thu thấp nên khó mua được sữa cao cấp…”.
Bà Trần Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10, Q.1 cho biết: “Hiện tại nhà trường cho trẻ uống 3 loại sữa, đó là Aboot, Milmax và Vinamil. Nếu so với các quận, huyện khác thì tiền ăn ở quận 1 tương đối cao (18 – 20 ngàn đồng/ngày/cháu) nhưng cũng không đủ để cho trẻ uống sữa cao cấp như Aboot mà phải xen kẽ cả những nhãn sữa thấp hơn một chút. Tuy vậy nhà trường cũng rất chú trọng đến chất lượng của sản phẩm, chỉ mua những sản phẩm có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn…”.
Đối với các trường công lập thì vậy, còn trường ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ gia đình thì sao? Bà Mai – chủ một nhóm trẻ gia đình ở Q.Gò Vấp cho biết: “Do tiền ăn thấp (10 ngàn đồng/ngày/cháu) nên trường chỉ có thể cho trẻ uống những loại sữa rẻ tiền. Khi nghe thông tin về sữa nhiễm độc, sữa dỏm nhà trường đã khuyến khích phụ huynh nên mang sữa ở nhà tới, cô giáo sẽ cho trẻ uống…”.
Uống sữa “dỏm” trẻ sẽ suy dinh dưỡng!
Bà Vũ Thị Bạch Nga – Vụ Chính sách thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết: “Hiện nay nước ta có khoảng 200 nhãn sữa và sản phẩm làm từ sữa được bày bán trên thị trường. Giữa một rừng sữa như vậy, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được đâu là sữa thật, đâu là sữa giả…”. |
Đó là khẳng định của ThS. BS Lưu Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo bác sĩ Thục, trong chế độ ăn uống của trẻ, sữa là thành phần không thể thiếu. Nếu sữa đảm bảo đúng, đủ các thành phần dưỡng chất sẽ giúp trẻ phát triển cân đối. Ngược lại nếu hàm lượng đạm thấp, thậm chí là quá thấp thì về lâu dài sẽ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, trẻ có nguy cơ thấp bé, nhẹ cân. Bên cạnh đó suy dinh dưỡng cơ thể cũng dẫn đến suy giảm sức đề kháng, trẻ dễ bị mắc bệnh…
Bác sĩ Châu – Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận: “Sữa có hàm lượng đạm thấp so với công bố ghi trên bao bì không phải là sữa độc hại như sữa nhiễm melamine nhưng nếu người uống không đúng thì cũng gây tác hại. Chẳng hạn trẻ em, người bệnh phải uống sữa có hàm lượng đạm cao nên khi uống nhầm phải sữa có hàm lượng đạm thấp hơn so với công bố trên bao bì sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể… Cái khó hiện nay là chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể về hàm lượng độ đạm đối với từng loại sữa. Ví dụ độ đạm trong sữa của trẻ em là bao nhiêu, trong sữa dành cho người bệnh, người cao tuổi là bao nhiêu”.
Trong khi chuẩn về hàm lượng đạm trong sữa cho từng đối tượng người tiêu dùng chưa có thì trên thị trường lại tràn ngập các loại sữa cũng như sản phẩm làm từ sữa.
Tuy nhiên bác sĩ Châu cũng trấn an người tiêu dùng là sẽ đẩy mạnh việc hậu kiểm đối với những cơ sở kinh doanh, sản xuất sữa cũng như sản phẩm được làm từ sữa. Nhưng trước mắt người tiêu dùng chỉ nên mua sữa của những nhà cung cấp có tên tuổi, không mua sữa trôi nổi, không rõ nguồn gốc…
Hòa Triều – Nghiêm Huê
Bình luận (0)