Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Mầm non Hoa Mai và nghề nuôi dạy trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng năm cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mỗi người chúng ta lại tạm gác công việc, dành ra những khoảnh khắc để tri ân, hoài niệm, để bồi hồi, xúc động nhớ về người thầy, người cô và cùng lắng nghe tâm tư, chia sẻ của họ về nghề nghiệp. Nhân sự kiện đặc biệt này, Báo giáo dục TP.HCM xin trích lược chia sẻ của Cô Huỳnh Tố Trang – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai (Quận 9, TP.HCM) về nghề nuôi dạy trẻ.
* Chào cô, cô có thể chia sẻ vài thông tin về “đứa con tinh thần” của mình?
Cô Huỳnh Tố Trang: Xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu cần thiết có nơi gửi con cho người dân trong địa phương an tâm làm việc, công tác. Đồng thời, với tấm lòng yêu nghề mến trẻ, vốn kiến thức chuyên ngành mầm non tích lũy được khi học tại Đại học Sư phạm TP.HCM và kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành nên năm 2006 tôi đã tự tin thành lập trường mầm non Hoa Mai. Kể từ đó đến nay, Trường nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh, hỗ trợ của các cấp ban ngành chính quyền địa phương.
* Cô có cho rằng nuôi dạy trẻ là một nghề “đặc biệt”?
– Đây đúng là một nghề đặc biệt. Nghề không đòi hỏi kiến thức cao siêu nhưng người dạy nhất thiết phải có tấm lòng yêu thương và đảm bảo các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là nghề không hề nhẹ nhàng, nhàn hạ và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc biệt, do đối tượng là trẻ nhỏ, rất nhạy cảm nên nếu không hiểu, nắm bắt được tâm lý của các bé có thể sẽ khiến trẻ bị tổn thương.
* Là người nhiều năm công tác trong ngành, cô có thể chia sẻ những vui buồn mà nghề nuôi dạy trẻ thường gặp?
– Vì không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ về vai trò, mối liên hệ giữa nhà trường – gia đình mà cụ thể hơn là giữa giáo viên – phụ huynh nên đôi khi trong việc giáo dục trẻ vẫn chưa có sự đồng nhất. Chẳng hạn: phụ huynh cưng chiều hay quan tâm trẻ một cách thái quá sẽ làm các bé có tính ỷ lại, khó hình thành được thói quen tự lập và công tác nuôi dạy vì vậy cũng gặp không ít hạn chế.
– Là nghề chịu nhiều áp lực: đầu tiên là ngay bản thân các trẻ, tiếp đó là gia đình và xã hội. Tuy nhiên, với những ai đã xem nghề này như cái nghiệp của mình thì họ sẵn sàng dấn thân, hòa vào tâm hồn của trẻ, hạnh phúc khi thấy các bé ngày một lớn khôn và sự vất vả, áp lực cũng dần tan biến theo tháng năm. Nhân sự kiện đặc biệt này, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến lãnh đạo các cấp ban ngành chính quyền địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và tập thể giáo viên, nhân viên, quý phụ huynh đã đồng hành, gắn bó, tin tưởng đơn vị trong nhiều năm qua.
* Xin cảm ơn Cô, chúc Cô sức khỏe – thành công!
Hồ Hải

Bình luận (0)