Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường mầm non “trắng” y tế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chị Chu Minh Ngà, cán bộ y tế Trường MN Bé Ngoan cho trẻ uống thuốc

Bác sĩ Huỳnh Mai – Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Cách đây không lâu, con gái tôi đang học tại một trường mầm non trên địa bàn Q.1 bị bệnh đột xuất, ngưng tim ngưng thở. Cô giáo vội vã đưa cháu tới Bệnh viện Nhi đồng II cấp cứu. Các bác sĩ nói chỉ cần chậm một chút thôi là dẫn đến tử vong…”. Điều đó cho thấy công tác y tế ở trường mầm non là rất cần thiết. Song, trên thực tế hầu hết các trường đều “trắng” tủ thuốc và cán bộ y tế…
Cô giáo phải cho hàng trăm trẻ bệnh uống thuốc!
Từ 7 giờ đến 8 giờ sáng mỗi ngày, Phòng Y tế Trường MN Bé Ngoan, Q.1 lúc nào cũng tấp nập phụ huynh ra vào. Chị Chu Minh Ngà, cán bộ y tế của trường cho biết: “Hơn một tuần nay, thời tiết trở lạnh nên số trẻ bị bệnh như ho, hắt hơi, sổ mũi tăng. Do vậy, mỗi ngày có cả trăm phụ huynh gửi thuốc cho trẻ…”.
Ngày 9-12, chị Ngà ghi nhận có 97 trẻ phải uống thuốc. Khoảng 9 giờ, chị xuống từng lớp và bắt đầu cho trẻ uống thuốc. Nhìn chị bê 2 cái hộp đựng thuốc, tôi hỏi: “Nhiều thuốc như vậy, liệu có khi nào chị cho bé A uống thuốc của bé B, còn bé B lại uống thuốc của bé C không?”. Chị Ngà cho biết: “Đây là một vấn đề mà nhà trường rất lo lắng, cơ thể các bé còn yếu nên nếu uống thuốc nhầm thì rất nguy hiểm. Do đó, chúng tôi đóng 18 cuốn sổ cho mỗi lớp 1 cuốn, trong đó ghi các mục như họ tên bé, giới tính, giờ uống thuốc, chữ ký của phụ huynh. Khi giao thuốc cho cán bộ y tế bắt buộc phụ huynh phải điền đầy đủ các thông tin trên vào sổ. Ngoài ra, thuốc của mỗi bé đều được phụ huynh bỏ vào bịch và ghi tên, lớp ở bên ngoài. Vì vậy, việc nhầm lẫn là khó xảy ra”.
Đối với những trẻ bị bệnh đột xuất thì sao? Về vấn đề này, bà Trương Thị Xuân Liễu – Hiệu phó Trường MN Bé Ngoan cho biết: “Nếu chỉ sốt nhẹ thì cô giáo đưa cháu vào phòng y tế. Sau đó, cán bộ y tế cho uống thuốc hạ sốt, lau mát cơ thể và gọi điện báo cho phụ huynh tới đón bé về. Trong trường hợp bệnh nặng thì phải đưa tới bệnh viện, báo phụ huynh sau…”. “Y tế ở trường mầm non chỉ chăm sóc trẻ lành, còn trẻ bệnh thì phải báo phụ huynh, nếu bệnh nặng thì đưa tới cơ sở y tế gần nhất”, bà Trịnh Thị Hoàng – Phó phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh (phụ trách mầm non) khẳng định.
Cũng theo bà Hoàng, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn Q.Bình Thạnh đều không có cán bộ y tế chuyên trách. Thậm chí các trường cũng không có phòng y tế mà chỉ có một góc nhỏ để mỗi khi trẻ bệnh đột xuất thì cách ly với các trẻ lành bệnh khác. Người quản lý cái góc nhỏ này là hiệu phó bán trú.
Tình trạng ở Q.Bình Thạnh cũng là thực trạng chung của nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố. Tại Trường MN Sơn ca 7, Q.Phú Nhuận, công tác y tế được giao cho một giáo viên kiêm nhiệm. Bà Trương Thị Huệ – Hiệu phó nhà trường cho biết: “Trong trường hợp trẻ bệnh ở nhà thì phụ huynh lớp nào gửi thuốc cho cô giáo lớp đó, đến giờ cô giáo cho trẻ uống. Nếu trẻ té ngã, cào cấu lẫn nhau chảy máu thì báo cho cán bộ y tế tới lau chùi vết thương…”.
Dịch bệnh “rình rập” trẻ
Bà Lê Thị Liên Hoan – Phó phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT tâm sự: “Mặc dù các trường mầm non đã có biên chế cán bộ y tế nhưng do trả lương thấp nên không cán bộ y tế nào làm việc với trường mầm non. Theo đó, công việc chăm sóc sức khỏe học sinh đều giao cho hiệu phó bán trú…”.
Thế nhưng, “Hiệu phó bán trú có rất nhiều việc phải làm như tính toán khẩu phần ăn của trẻ để làm sao đảm bảo đủ lượng calo, bảo đảm an toàn thân thể cho trẻ, vệ sinh cơ thể trẻ, vệ sinh môi trường… Ngoài ra, hiệu phó bán trú còn làm thêm công việc tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng của trẻ cho phụ huynh. Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ chỉ là một trong số rất nhiều việc mà hiệu phó bán trú phải làm”, bà Hoàng Thị Lan – Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Ngọc, Q.8 cho biết.
Các trường mầm non không chỉ thiếu cán bộ y tế mà ngay cả kinh phí hoạt động tại các phòng y tế cũng… thiếu. Mãi đến năm học 2008-2009, UBND TP mới chấp thuận cho mỗi học sinh 20 ngàn đồng/năm học để chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ đủ để học sinh đi khám sức khỏe định kỳ. Còn kinh phí để trang bị các thiết bị y tế, tủ thuốc thì hầu như không có.
Trong khi ở các trường phổ thông, kinh phí hoạt động của các phòng y tế dựa vào quỹ bảo hiểm y tế trích lại thì trường mầm non vì học sinh dưới 6 tuổi được miễn phí khám chữa bệnh nên nhà trường không có nguồn kinh phí này. Bởi vậy, muốn hoạt động bắt buộc mỗi trường phải tự tìm ra một nguồn kinh phí riêng. Ở Q.Bình Thạnh thì trích từ phí phục vụ bán trú, còn ở Q.1 thì lấy từ vệ sinh phí, ở Q.Phú Nhuận trích từ ngân sách quận cấp chung cho hoạt động giáo dục. Thậm chí, ở nhiều quận, huyện phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh “xin” kinh phí…
Với kiểu hoạt động này, khi xuất hiện các loại dịch bệnh thì trẻ rất dễ bị mắc và lây lan nhanh chóng, đặc biệt là những loại bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Thực tế cũng đã chứng minh, mỗi khi vào mùa dịch, ở Bệnh viện Nhi đồng I, Nhi đồng II tràn ngập trẻ mầm non…
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)