Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường MN bán công ở Đà Nẵng: Giáo viên… khóc vì lương

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ ăn của các cháu. Ảnh: K.THƯTừ đầu tháng 9-2008, theo kế hoạch, 15/19 trường mầm non bán công (MNBC) trên địa bàn TP.Đà Nẵng sẽ được chuyển sang công lập (tự chủ về tài chính một phần). Vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm: Liệu các cháu học MN và những cán bộ, giáo viên, nhân viên hợp đồng (CB, GV, NVHĐ) vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi cũng như các chính sách ưu đãi khác sẽ được hưởng lợi gì từ sự thay đổi này? Hay đây chỉ là hình thức “bình mới, rượu cũ”?…

GV hợp đồng: lương ba cọc ba đồng

Chỉ còn hơn một tháng nữa là vào năm học mới. Dù các ban ngành chức năng đang gấp rút triển khai các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi loại hình trường MNBC sang công lập, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có sự hướng dẫn nào về mức thu học phí cũng như hướng dẫn thống nhất về chỉ tiêu chính sách về biên chế cũng như hợp đồng nhân sự… đối với các trường MNBC được chuyển sang công lập tự chủ một phần về tài chính, nhưng có thể nói rằng, sự chuyển đổi này vẫn là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, khi được chuyển đổi sang công lập (tự chủ về tài chính một phần), người học sẽ được hưởng lợi đầy đủ hơn về các chính sách miễn giảm như: con gia đình khó khăn, mất đất sản xuất, gia đình có công..; được hưởng lợi về chất lượng đào tạo cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, các thiết bị dạy và học do được Nhà nước đầu tư kinh phí nhiều hơn trước đây. Hơn 10 năm qua, mặc dù giá cả trên thị trường luôn biến động, nhưng mức thu học phí vẫn không thay đổi. Do vậy, hầu hết các trường MN công lập và MNBC ở nông thôn không thể trả đủ tiền lương cho GV, NVHĐ theo quy định. Phần lớn, các trường xếp lương không đúng bậc và hệ số lương tương ứng theo thâm niên công tác, chỉ xếp lương theo hệ số tối đa là bậc 2. Trong khi mức lương cơ bản do Nhà nước quy định phải trả cho người lao động hiện nay là 540.000 đồng, thì đa phần các trường MN vẫn trả lương với mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng hoặc 350.000 đồng (tùy theo nguồn thu học phí thực tế). Không chỉ có thế, do nguồn thu học phí eo hẹp nên một số trường MN không thể trả được phụ cấp ưu đãi 35% cho GV đứng lớp theo quy định mà, chỉ trả một phần theo tỉ lệ từ 10 đến 25%. Ngoài ra, các trường MN không trả lương ba tháng hè cho GV hợp đồng. Mức đóng BHXH, BHYT cho đối tượng này cũng chưa thực hiện đúng như theo quy định hiện hành của Nhà nước. Qua con số thống kê từ Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng, thực tế, việc chi trả lương cho GV, NVHĐ cùng các khoản phụ cấp theo lương kể cả BHXH, BHYT bình quân hiện nay là 847.000 đồng/người/tháng. Trong đó, mức cao nhất là 1,9 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 260.000 đồng/người/tháng. Nếu đem so sánh với tiền lương và mức thu nhập của CBGV trong biên chế cùng trường MN với mức bình quân là 2,3 triệu đồng/người/tháng, có thể nói, đời sống của GVNV HĐ trả lương từ nguồn học phí là hết sức thiệt thòi. Với đồng lương còi cọc đó, bản thân họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong “cuộc chiến” với sự leo thang ngày càng chóng mặt của giá cả thị trường…

Thiếu biên chế, yếu hợp đồng!

Theo ông Lê Văn Phước – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang: “Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường MNBC trước đây tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với CB, GV, NVHĐ được thực hiện đầy đủ hơn. Một khi chế độ được đảm bảo sẽ động viên tinh thần đội ngũ này rất nhiều. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc họ chuyên tâm, dốc lòng dốc sức vào việc dạy hơn. Và như thế, chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao. Nói khác đi, việc chuyển đổi loại hình này sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho cả GV, NVHĐ lẫn người học nếu như thành phố có một cơ chế điều chỉnh về tài chính phù hợp để bù vào khoản thâm hụt từ việc thu học phí”. Với quy mô trường lớp như hiện nay thì ngành học bậc MN tại Đà Nẵng còn thiếu 309 GV (chưa tính NV bảo vệ, phục vụ).

Biên chế lao động thì thiếu, đời sống của CB, GV, NV trong dạng hợp đồng lại khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những CB, GV, NVHĐ, khiến họ không an tâm khi công tác trong môi trường này. Được biết, hiện nay, tổng số tiền thu từ học phí MN ở các quận, huyện là 7.147.609.000 đồng. Trong khi đó, tổng chi lại vượt đến 7.855.009.000 đồng. Vì vậy, TP. Đà Nẵng hiện phải hỗ trợ 707.400.000 để chi trả lương cho các CB, GV, NV. Vừa qua, vào ngày 27-6-2008, Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng đã có tờ trình số 2236 trình lên UBND TP. Đà Nẵng xin hỗ trợ tiền lương cho GV, NVHĐ tại các trường MN công lập. Theo đó, có hai phương án được ngành GD-ĐT TP đưa ra đó là: Hỗ trợ tiền lương tăng thêm do chênh lệch mức lương tối thiểu 540.000 đồng với mức lương hiện hưởng do nhà trường tự tính toán, bao gồm cả phụ cấp ưu đãi GV đứng lớp theo quy định hiện hành của Nhà nước. Với phương án này, tổng kinh phí để hỗ trợ đối với bậc MN sẽ là 7,809 tỷ đồng. Phương án 2, hỗ trợ tiền lương tăng thêm do chênh lệch mức lương tối thiểu 540.000 đồng theo quy định của Nhà nước với mức lương hiện hưởng do nhà trường tự tính toán, không tính phụ cấp ưu đãi GV đứng lớp theo quy định hiện hành của Nhà nước. Theo đó, tổng kinh phí để hỗ trợ lương đối với bậc MN sẽ còn 5,265 tỷ đồng. Nếu được chấp nhận thì đây sẽ là tín hiệu vui cho các GVMNHĐ, đặc biệt là những người đã có quá trình đóng góp lâu năm cho ngành GD-ĐT…n

KHỞI NGUYÊN

Bình luận (0)