Tỉ lệ chọi của một trong những trường mà bạn đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi quá cao khiến bạn băn khoăn, chưa thể đưa ra lựa chọn cuối cùng? Hãy tham khảo tỉ lệ dự thi của các trường để tự tin đưa ra quyết định và vững bước vào phòng thi.
Tham khảo kỹ lưỡng những thông tin về ngành nghề và điểm chuẩn năm trước, bạn N.T.H. (Bình Định) hồ hởi nộp hai bộ hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Mở TP.HCM và Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. H. tin chắc với mức điểm chuẩn như năm 2007, mình hoàn toàn có khả năng trúng tuyển. Thế nhưng, tháng năm vừa qua, đọc báo thấy số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường quá lớn khiến tỉ lệ chọi cao chót vót, H. bắt đầu “run”…
Cao hóa thấp!
Ngay cả đối với một số trường ĐH, CĐ có số lượng thí sinh đăng ký dự thi quá đông, đồng nghĩa với một tỉ lệ chọi thuộc hàng “top” cũng khiến những người làm công tác tuyển sinh của trường lo lắng. Bởi lẽ thí sinh trở nên ngán ngại với tỉ lệ chọi đó nên tìm cách né tránh, khiến tỉ lệ thí sinh ảo tăng lên. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỉ lệ thí sinh thực đến dự thi, thí sinh có thể sẽ thay đổi suy nghĩ. Điển hình là trường hợp của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Trong năm 2007, trường ĐH này có tổng số thí sinh đăng ký dự thi lên đến hơn 38.000 trong khi chỉ tiêu của trường chỉ có 1.900, tương đương một tỉ lệ chọi rất “khủng”, vào khoảng 1/20. Thế nhưng đến ngày làm thủ tục dự thi đợt 1, khối A, chỉ có hơn 64% thí sinh đã đăng ký đến làm thủ tục. Trong đợt thi tiếp theo đó, tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi trong ngày đầu tiên cũng chỉ đạt đến 66%. Dĩ nhiên, tỉ lệ này có tăng lên chút ít khi bước vào ngày thi chính thức nhưng nhìn chung, 30-35% thí sinh đăng ký đã bỏ cuộc ngay từ đầu. Nếu lấy con số thực này so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh sẽ cảm thấy an tâm hơn.
Một trường có tỉ lệ chọi kinh hoàng khác là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Theo số liệu thống kê, trường này có đến 46.041 thí sinh đăng ký dự thi để cạnh tranh 1.900 chỗ học. Con số khổng lồ đó đẩy tỉ lệ chọi trên lý thuyết của trường lên thành 1/24,2. Nhưng khi bước vào ngày làm thủ tục dự thi đầu tiên, trong 38.500 thí sinh đăng ký dự thi khối A, chỉ có 26.500 thí sinh có mặt, đạt tỉ lệ đúng 69%. Ở đợt thi tiếp đó cũng chỉ 67% thí sinh đã đăng ký đến làm thủ tục dự thi.
Tương tự, nhìn vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, nhiều thí sinh không khỏi lo ngại khi thấy tỉ lệ 1 “chọi” 10. Nhưng khi kết thúc ngày làm thủ tục dự thi, trong tổng số 6.949 thí sinh đăng ký, chỉ có 4.840 thí sinh có mặt. Con số này làm tỉ lệ đến trường thi chỉ đạt hơn 69%. Tỉ lệ này ở đợt thi thứ hai còn thấp hơn nữa với gần 62%. Nếu so lấy số thí sinh thực so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh sẽ có một tỉ lệ chọi thực chỉ khoảng 1/6,8.
Một số trường khác cũng có sự chênh lệch lớn giữa số thí sinh đăng ký dự thi và số thí sinh thật sự đến trường thi như Trường ĐH Dược Hà Nội (58,4%), Trường ĐH Hà Nội (58,3%), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (57,97%)… Nhìn chung, khối các trường đào tạo về kinh tế, tài chính, ngân hàng thường có số lượng thí sinh dự thi khá lớn, nhưng thực tế tỉ lệ thí sinh đến phòng thi lại không cao.
Thấp lại thành cao
Không quá cao Không ít trường ĐH tuy có tỉ lệ chọi khá thấp nhưng tỉ lệ dự thi của thí sinh cũng không quá cao. Trong số đó có thể kể đến Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, các trường thành viên ĐHQG TP.HCM, Trường ĐHBC Marketing, Trường ĐH Tôn Đức Thắng… Vì vậy, những thí sinh đã quyết định chọn đối tượng trường này để dự thi có thể an tâm chuẩn bị tốt cho những ngày thi sắp tới của mình. |
Tình hình hoàn toàn khác hẳn đối với một số trường ĐH chuyên ngành cùng các trường đào tạo khoa học, kỹ thuật và ĐH vùng. Những trường có thí sinh bỏ thi ít nhất đều là những trường thuộc khối ngành công an. Năm nào, đợt thi nào, các trường như ĐH Cảnh sát nhân dân, ĐH An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân cũng chiếm giữ vị trí quán quân về tỉ lệ thí sinh dự thi.
Điều này cũng dễ hiểu vì để được đăng ký dự thi vào các trường này, thí sinh phải trải qua nhiều nội dung sơ tuyển gắt gao. Đáng lưu ý là các trường ĐH ở các địa phương. Năm 2007, các trường ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH Phú Yên, ĐH Y Thái Bình… là những trường có tỉ lệ thí sinh đến dự thi cao hơn hẳn nhiều trường ĐH ở TP.HCM cũng như Hà Nội.
Điển hình là trường hợp Trường ĐH Cần Thơ. Với 67.618 thí sinh đăng ký dự thi, cuộc đua vào trường này gần như là cuộc đua “nội bộ” của thí sinh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tính chất cuộc đua như thế khiến nhiều thí sinh ngỡ rằng sẽ “dễ thở” hơn. Nhưng thực tế, tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi trong đợt một lên đến hơn 76,5%, đợt hai có ít hơn cũng đạt đến 70,65% trong tổng số thí sinh đã đăng ký.
Ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhìn vào tỉ lệ chọi chỉ khoảng 1/6,3, nhiều thí sinh sẽ an tâm. Song thực tế tỉ lệ chọi này gần như được bảo toàn khi số thí sinh đến dự thi đạt một tỉ lệ khá cao so với con số đăng ký trước đó. Ở hai đợt thi trong năm 2007, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đều có tỉ lệ thí sinh đến dự thi đạt từ 72% trở lên. Tỉ lệ bảo toàn cao nhất có thể kể đến trường hợp của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Thống kê cho thấy tỉ lệ chọi của trường này rất thấp, chỉ khoảng 1/3,5. Không biết có phải vì tỉ lệ này mà có đến 92,43% thí sinh đến trường trong ngày thi đầu tiên.
Riêng với những thí sinh đăng ký dự thi vào các trường khối y dược cần cân nhắc thận trọng. Trong nhiều năm liên tục, khối trường này luôn có tỉ lệ chọi trên lý thuyết lẫn tỉ lệ thí sinh dự thi khá cao. Hầu hết các trường ĐH đào tạo về y, dược đều có trên 73% thí sinh đến trường thi trong ngày đầu tiên. Điển hình là Trường ĐH Y dược TP.HCM. Trong năm 2007, chỉ tiêu của trường chỉ có 1.100 sinh viên, trong khi số thí sinh đăng ký dự thi lên đến 29.332 thí sinh, tương đương tỉ lệ chọi 1/26,6. Tuy nhiên, điều đó hầu như không làm nao núng tâm lý của những thí sinh trường này. Chỉ trong buổi sáng làm thủ tục dự thi đã có 73% thí sinh có mặt, và sau đó số lượng thí sinh tiếp tục tăng lên trong buổi thi đầu tiên.
Bình luận (0)