Nghề hàn là nghề thế mạnh của Quảng Bình (ảnh chụp tại Trường TC Nghề số 9). ảnh: T.C |
Quảng Bình có hơn 76.000 LĐ đã qua đào tạo nghề (chiếm 16,6%). Hệ thống dạy nghề của tỉnh ngày càng mở rộng, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương.
Giáo viên thiếu, nghề đơn điệu
Hiện Quảng Bình có 11 cơ sở dạy nghề với gần 300 giáo viên (GV), trong đó có 25% chưa đạt chuẩn. Ông Nguyễn Xuân Hiếu – Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở LĐTBXH Quảng Bình – cho biết: "Hằng năm, đội ngũ GV đều được bổ sung, nhưng chưa ổn định về cơ cấu và chất lượng. Cách bố trí GV chưa hợp lý: GV các ngành SX vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, đóng tàu chỉ chiếm 27% tổng số GV, trong khi nhu cầu cần 40%. GV ngành dịch vụ đông, nhưng dạy nghề phục vụ nhà hàng, du lịch chỉ có 2%. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao, khó tập trung vào các ngành thế mạnh". Hầu hết các trường nghề đều thiếu GV thực hành, riêng Trường TC Nghề số 9 đang thiếu 8 GV các ngành sửa chữa ôtô, gò hàn, điện tử.
Theo ông Lê Mạnh Sơn – Hiệu trưởng Trường TC Nghề số 9 (thuộc Tổng LĐLĐVN) – chương trình đào tạo chủ yếu do các cơ sở dạy nghề tự biên soạn nên một số môn, ngành chưa có liên hệ với thực tiễn địa phương. Các ngành nghề đào tạo cũng còn đơn điệu, chỉ chú trọng các ngành điện dân dụng, hàn, may công nghiệp… Các trường chưa tìm hiểu nhu cầu của các DN để tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng, thu hút DN bỏ kinh phí để phối hợp đào tạo các nghề có yêu cầu kỹ thuật cao như: SX ximăng, đóng tàu, dịch vụ khách sạn cao cấp…
Các trường phải năng động
Quảng Bình là một trong 10 địa phương được chọn để xây dựng trung tâm đào tạo nghề của T.Ư Đoàn, mỗi năm 400 học sinh sẽ có nghề. Các trung tâm dạy nghề Bố Trạch, Minh Hoá cũng sẽ được thành lập, tạo điều kiện cho LĐ nông thôn có cơ hội học nghề.
Về đội ngũ GV, ông Phạm Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH – cho rằng: "Các cơ sở dạy nghề cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, chú ý tuyển 30% GV nữ ở các nghề dịch vụ, may mặc, chăn nuôi, thú y; phấn đấu đạt tỉ lệ GV cơ hữu là 25 học sinh/1 GV".
Một số trường đã có kế hoạch đào tạo rõ ràng, chủ động đào tạo theo địa chỉ, tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Ông Lê Mạnh Sơn – Trường TC Nghề số 9 – nói: "Trường đã liên kết với Cty đóng tàu Nhật Lệ, đào tạo CN đóng tàu lành nghề cho Cty. Sau khi tốt nghiệp, đa số học viên đã được nhận vào làm việc. Trường cũng mở các lớp đào tạo các nghề mũi nhọn ở nhiều địa phương như: Chăn nuôi thú y, nuôi trồng thuỷ sản, quản lý điện nông thôn… giúp học sinh có việc ngay khi ra trường".
Trường TC Nghề Quảng Bình cũng đã điều chỉnh, quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề gắn với các ngành, các chương trình, dự án lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung dạy nghề cho LĐ nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.
Theo ông Đoàn Công Tấn – Hiệu trưởng – năm học 2007-2008, tổng quy mô đào tạo của trường là hơn 19.000 người, liên kết đào tạo ĐH cho 395 người. Học sinh các lớp dạy nghề theo địa chỉ sau khi tốt nghiệp đã được nhận vào làm tại: Xí nghiệp may Hà Quảng, Xí nghiệp chế biến gỗ Phú Quý, Tập đoàn Vinashin.
Bình luận (0)