Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường nghề “chê” học sinh THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Theo công tác phân luồng, hướng nghiệp các trường nghề ở TP.HCM đều tập trung đào tạo nghề cho HS sau THCS

Thực tế hiện nay nhiều trường TCCN, trường nghề từ chối nhận học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học. Nguyên nhân do hiệu quả kinh tế không cao, số HS theo học ít, chương trình đào tạo nặng.
Vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ TCCN, Bộ GD-ĐT cho biết: Đây là một thực trạng đang diễn ra tại một số địa phương hiện nay. Nguyên nhân là do nhận thức của một số trường. Trong nhiệm vụ chính trị của các trường, có nhiệm vụ rất quan trọng là đào tạo nhân lực cho đất nước, thanh niên được vào học nghề. Cách đây 3 năm, Bộ GD-ĐT cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Vì thấy nguồn tuyển sinh lớp 12 có nguy cơ bị cạn nên bộ đã chỉ đạo các trường phải tập trung tuyển sinh những HS tốt nghiệp THCS, do  nguồn tuyển này còn rất dồi dào. Trong khi đó, nguồn tuyển THPT ngày càng cạn kiệt.
PV: Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao các trường ngại tuyển THCS, theo ông nguyên nhân do đâu?
– Ông Hoàng Ngọc Vinh: Theo tôi, có mấy nguyên nhân: Một là các trường chạy theo kinh tế,  ngại đào tạo THCS vì HS còn nhỏ, vừa dạy vừa dỗ, nhiều trường đã phàn nàn dạy rất vất vả. Đây là tâm lí chung; trong khi đó nguồn tiền của HS THPT vẫn còn tuyển được.
Thứ hai, số HS THCS vào ít nên các trường không đủ tạo lớp. Tôi thấy trong Nghệ An họ làm rất tốt vấn đề này. Các trường TCCN của Nghệ An nhận HS vào, cho các cháu đi học ở các trường phổ thông, trung tâm GDTX, năm sau cho học nghề.
Tuy nhiên, các trường tư không nhận, các trường công phải nhận vì họ được Nhà nước đầu tư. Theo tôi, đây cũng là trách nhiệm của các địa phương, các sở GD-ĐT. Sứ mệnh của các trường công là cung cấp dịch vụ giáo dục, cung ứng cho người dân. Nói đúng ra, các trường công phải có trách nhiệm trong vấn đề này, chứ không thể dễ làm khó bỏ.
Đối với những HS THCS vào học tại các trường TCCN, sau ba năm các em ra trường. Có nhiều em muốn thi ĐH nhưng thời điểm ra trường của các em so với kì thi ĐH bị vênh, nên muốn thi ĐH các em phải chờ một năm sau. Đây cũng là một cản ngại. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Đứng ở góc độ người làm giáo dục, tôi cho rằng cơ hội của các em thi vào ĐH rất thấp. Vì các em vừa phải học văn hóa vừa phải học nghề. Đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức. Vì chương trình TCCN không phải là chương trình hàn lâm để rồi các em thi vào ĐH, mà chương trình dạy cho các em năng lực để đi làm. Không nên làm như thế. Sau này các em ra trường, có trải nghiệm có kinh nghiệm thực tiễn rồi thì vào ĐH dễ hơn (thi theo hệ liên thông). Các em có thể thi vào hệ thống vừa học vừa làm. Chính vì vậy mà Nhà nước phải tạo điều kiện bằng cách là mở hệ đào tạo liên thông.
Đối với các trường “né” không tuyển HS THCS, bộ có biện pháp nào để giải quyết triệt để vấn đề này không thưa ông?
– Hiện nay chúng ta chưa có chính sách nào để khuyến khích các trường tuyển đối tượng HS THCS. Các trường tuyển các em vào thì được gì. Ở TP.HCM, các trường được UBND TP khuyến khích vấn đề này bằng các hỗ trợ. Còn về phía Bộ GD-ĐT, đến nay vẫn chưa có chính sách nào, còn chỉ đạo thì có, nhưng cũng chỉ dừng ở phân luồng… Còn chuyện xử phạt hay không lại phải đưa vào luật cụ thể. Chúng ta đang trong giai đoạn giao quyền tự chủ cho các trường, thì chỉ còn cách là động viên khuyến khích các trường chứ dùng cơ chế ép vào hoặc nhận vào mà chất lượng không ra gì, lúc đó còn khổ hơn.
Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của địa phương trong vấn đề này?
– Giáo dục đã phân cấp nên vai trò của địa phương trong vấn đề này rất quan trọng. Theo tôi được biết, tại các địa phương như TP.HCM, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh có nhiều trường thực hiện chính sách phân luồng rất tốt. Cụ thể như Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm và Trường TC Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nam Sài Gòn (TP.HCM) phân luồng rất tốt.
Bộ chỉ đề ra chính sách cởi mở, cho các cháu vào học. Thậm chí các cháu bỏ học giữa chừng cũng có thể quay trở lại học bình thường được. Bộ có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những trường, những tỉnh làm tốt. Tổ chức lại hệ thống đào tạo ĐH, CĐ. Đồng thời, phải phân luồng sớm, hệ thống các trường TCCN, trường nghề chỉ tuyển HS THCS, đó là chính sách tôi cho là tối ưu.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Bình luận (0)