Sự kiện giáo dụcTin tức

Trường nghề đang bị “bức tử”

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành

Năm học 2011-2012, trên cả nước có thêm nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) xin giấy phép đào tạo cả bậc CĐ, trung cấp nghề (TCN) khiến các trường cao đẳng nghề (CĐN), TCN vốn đã khó khăn trong tuyển sinh lại càng vất vả hơn. Và nguy cơ “xóa sổ” các trường này là hiện hữu.

Trường ĐH vơ vét thí sinh nghề
Tại TP.HCM hiện nay có 33 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) (26 trường tư thục) và 10 cơ sở ĐH, CĐ có đào tạo TCCN thuộc TP quản lý. Trong đó có hai trường TCCN chưa tuyển sinh là Nam Việt và Thông tin – Truyền thông. Riêng trong năm học vừa qua, các trường đã tuyển sinh được trên 71 ngàn học viên cho các bậc học, tuy nhiên, bước vào năm học 2011-2012, con số trên được dự báo là không khả thi. Nguyên nhân cơ bản được lãnh đạo một số trường TCCN đau đáu, đó là hiện nay có rất nhiều trường ĐH và CĐ xin giấy phép tuyển sinh hệ TCN. Đây là lợi thế mà không phải trường TCCN nào cũng có, nguyên do tâm lý của phụ huynh và học sinh đều có nhu cầu cho con theo học tại các trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCN bởi sau khi học viên học xong hệ TC sẽ được học liên thông lên CĐ, ĐH một cách thuận lợi.
Đơn cử như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong năm 2011 tuyển tới 3.100 chỉ tiêu (CT) bậc CĐN, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là 1.800 CT, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng 1.500 CT bậc CĐ và 450 CT bậc TC… Hiện có rất nhiều trường đang đào tạo một lúc hai chương trình: chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT và nghề của Bộ LĐ-TB-XH. Tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, bên cạnh chương trình ĐH, CĐ, hơn 10 năm nay còn đào tạo cả bậc CĐN và TCN (hàng năm trên 5.000 CT) do Trung tâm Đào tạo kỹ thuật cao tổ chức… Các trường ĐH, CĐ có đào tạo chương trình nghề đã đánh trúng tâm lý của thí sinh: được liên thông thẳng từ bậc TCN lên CĐ và từ CĐN lên bậc ĐH ngay tại trường để lấy bằng cử nhân. Vì bậc CĐN không cần thi tuyển (chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT) cho nên nghiễm nhiên số thí sinh không đủ điểm sàn ĐH, CĐ đều có thể đăng ký học và chỉ sau 4 đến 4 năm rưỡi là có thể lấy bằng ĐH như bất kỳ thí sinh đậu ĐH khác! Như vậy, đối tượng dành cho bậc TCN hiện nay chỉ là những học sinh rớt tốt nghiệp THPT và lớp 10.
Dễ dàng nhận thấy các trường nghề khó thu hút học viên một phần vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu người học. Đơn cử như Trường TCN Du lịch Sài Gòn có diện tích sử dụng chỉ hơn 500m2, trong khi theo quy định, trường TCN phải có phòng học, phòng thực hành, không gian sinh hoạt, vui chơi… phải có diện tích trên 10.000m2. Còn tại Trường TCN Du lịch Khôi Việt từ khi thành lập đến nay, đã phải dời địa điểm ba lần. Hiện nay, trường đặt tại số 553/73 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận. Để đến được địa chỉ này, học viên phải tìm rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuy mang số 553 nhưng địa chỉ trên lại nằm cạnh số 641 nên rất khó tìm. Từ việc cơ sở vật chất tạm bợ, điểm yếu tiếp theo của các trường TC này là việc đổi mới nội dung, chương trình phương pháp ở các trường thực hiện chưa đồng bộ.
Vào học ít, bỏ học nhiều

Học viên Trường CĐ Nghề TP trong giờ thực hành trên máy.
Đứng trước sự vơ vét học viên trường nghề của nhiều trường ĐH-CĐ, ông Dương Minh Kiên, Hiệu trưởng Trường TCN Quang Trung, lo lắng: “Một số trường ĐH đào tạo tràn lan một lúc nhiều hệ thế này ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn tại của các trường nghề, nhất là TCN. Nhiều trường TCN có nguy cơ đóng cửa vì không thể tuyển sinh, hoặc sẽ cố để nâng cấp lên CĐ”.
Ông Hà Kim Vọng, Hiệu trưởng Trường TCN Du lịch Khôi Việt, than vãn: “Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 600 học viên hệ TC nhưng bắt đầu từ năm 2009, số học viên giảm xuống chỉ còn 300 học viên/năm. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, số học viên đăng ký học nghề chỉ còn gần 100 em”. Tại các trường nghề vốn thu hút nhiều học viên như TCN Nhân Đạo, Hùng Vương, CĐ Nghề TP…, số học viên đăng ký cũng ngày một hạn chế. Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường TCN Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, cho hay chỉ tiêu của trường năm nay là trên 1.000 nhưng chỉ mong tuyển được 50% đã quá tốt.
Ngoài việc không thu hút học viên, tỉ lệ học viên bỏ học giữa chừng cũng là vấn đề được các trường lo lắng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại các trường nghề, tỉ lệ học viên bỏ học chiếm từ 50%-60%. Nguyên nhân học viên bỏ học, theo lý giải của các trường này là do học viên ra trường không xin được việc làm hoặc do mức lương quá thấp không đảm bảo ổn định được cuộc sống và các doanh nghiệp không mặn mà với đối tượng này do nếu được tuyển dụng thì các doanh nghiệp bắt buộc phải đào tạo lại.
Không riêng gì các trường TCN mà tại nhiều trường TCCN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh. Ông Trần Ngọc Trình, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn cho rằng: Muốn đảo chiều “hình tháp ngược” trong đào tạo hiện nay, khắc phục tình trạng không thu hút được học viên của các trường TCN, TCCN thì giải pháp cốt lõi là các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo hệ TC, định hướng và tạo sức hút đối với ngành học này đó là: đào tạo theo nhu cầu xã hội; thành lập và đầu tư cơ sở đào tạo TC chất lượng cao và đổi mới phương thức đào tạo TC nhằm tăng cường tính tự học, ứng dụng và sáng tạo của học viên và người dạy.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề thừa nhận: “Đúng là việc cấp phép cho các trường ĐH, CĐ đào tạo trình độ CĐ, TCN thể hiện sự bất cập, chính mình bó chân mình. Việc cấp phép này là không hợp lý, không muốn làm nhưng vì theo luật, đơn vị nào có đủ điều kiện là được phép đào tạo. Tuy nhiên điều này sẽ khó cho hệ thống các trường nghề”.

 

Bình luận (0)