Theo đánh giá của TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH), năm 2018 là năm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên những hạn chế, bất cập tồn tại cũng không ít.
Học sinh tìm hiểu mô hình đào tạo nghề của Trường CĐ Lý Tự Trọng
Những hạn chế, bất cập cản trở hoạt động đào tạo nghề cũng được đại diện các trường nghề chỉ ra và cho rằng cần phải có giải pháp tháo gỡ sớm, nếu không sẽ kìm hãm sự phát triển của hệ thống GDNN, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đổi mới căn bản sao cho xứng tầm
PGS.TS Cao Hùng Phi (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) thừa nhận những hạn chế, bất cập của GDNN làm cản trở sự phát triển hệ thống đào tạo nghề trong nước. Ông Phi dẫn chứng: Cơ cấu đào tạo chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ TC-CĐ chỉ chiếm khoảng 25%. Chất lượng đào tạo có cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể và yêu cầu đổi mới của nền kinh tế. Mạng lưới cơ sở đào tạo còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề và chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế.
Ở góc độ khác, ông Phan Tiềm (Hiệu trưởng Trường CĐ Thaco) đánh giá cao công tác phân luồng sau trung học. Theo ông Tiềm, việc phân luồng hiệu quả là điều kiện để trường nghề thu hút tuyển sinh. Ở Singapore, Chính phủ thực hiện phân luồng rất sớm, đó là sau tiểu học, tương đương độ tuổi trung bình 12 của học sinh. Theo đó, có 5 luồng chính là THCS thông thường; THCS cấp tốc (rút ngắn so với THCS thông thường 1 năm); THCS kỹ thuật thông thường; trường kỹ thuật, đào tạo nghề và liên cấp: học tại THCS; trường dự bị. Với chính sách phân luồng này, trừ luồng liên cấp có thể thi lấy chứng chỉ A level (tương đương bằng tốt nghiệp THPT), 4 luồng còn lại nếu muốn học tiếp ĐH đều phải học tiếp một bậc học khá đặc biệt là sau trung học và dưới ĐH, bao gồm các loại hình trường: đào tạo kỹ thuật, dự bị và CĐ kỹ thuật tổng hợp. Ngoài ra, ông Tiềm cho biết tại Hàn Quốc, Canada… cũng có những cơ chế mở, phá bỏ rào cản pháp lý, tài chính và kỹ thuật, tạo điều kiện cho tất cả người học, bất kể họ là ai, điều kiện kinh tế ra sao. Nhờ vậy mà việc học tập có điều kiện để thực hiện suốt đời.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Thị Minh Phương (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh) nhận định: Những năm gần đây, GDNN đã có những bước phát triển đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại như chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Quá trình đào tạo đang thực hiện theo học chế niên chế, chương trình đào tạo chủ yếu dựa vào chương trình khung nên chưa mềm dẻo, linh hoạt. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, GDNN Việt Nam phải đổi mới căn bản để trở thành hệ thống giáo dục xứng tầm.
Tìm nguồn lực phát triển GDNN
Theo TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo), các cơ sở GDNN cần được giao quyền tự chủ hoàn toàn trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, tự quyết định các chỉ tiêu nhiệm vụ và tự đảm bảo các điều kiện để thực hiện cũng như cung cấp dịch vụ dạy nghề đạt tiêu chuẩn theo quy định. Theo đó, các trường phải được đảm bảo thực hiện theo cơ chế tự chủ về học phí và được xem là giá dịch vụ đào tạo; học phí phải được tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Đối với hoạt động dạy nghề có nguồn thu từ ngân sách Nhà nước phải hiểu rõ tự chủ không có nghĩa là giảm chi ngân sách mà chỉ thay đổi phương thức đầu tư cho GDNN. “Nhà nước chỉ nên tập trung phát triển các trường nghề chất lượng cao hoặc những ngành nghề Nhà nước có nhu cầu nhưng các trường ít đào tạo. Còn lại nên có chính sách tăng cường phát huy và đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển GDNN mà các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực đào tạo khác. Tạo cơ chế mở cho các cơ sở dạy nghề nhằm phát huy tối đa nguồn lực của họ”, ông Hòa đề xuất.
Ông Đào Văn Tiến (Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN) cho biết hiện nay các cơ sở GDNN tại các thành phố lớn, khu chế xuất – khu công nghiệp đã tổ chức đào tạo nghề trình độ TC-CĐ để nâng cao trình độ công nhân, người lao động nhằm duy trì việc làm và có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Đặc biệt là một số trường đã tổ chức đào tạo TC nghề nấu ăn (bằng 2) cho giáo viên mầm non để được tuyển dụng vào đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường. Sau khi sáp nhập, các trung tâm GDNN-GDTX đã liên kết với trường CĐ-TC tổ chức đào tạo bằng 2 đối với giáo viên dạy văn hóa để đủ điều kiện vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề tại trung tâm.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho người lao động chiếm tỷ lệ rất thấp (tỷ lệ chung là 36,29% và thấp nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước – 30,18%). Con số này cho thấy trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (Điều 60 Bộ luật Lao động) chưa được doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
T.Anh
Bình luận (0)