Nhiều trường nghề lo ngại tự chủ tài chính sẽ “giết” mình khi tuyển sinh không được, trong khi đó một số trường đã có những giải pháp để “nuôi bản thân” mà không cần đến cơ chế bao cấp.
Học viên thực hành nghề cơ khí tại Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương |
Giảm nhân lực, tăng thu nhập
TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết khi thực hiện tự chủ thì tư duy về công tác tài chính được đổi mới rõ nét nhất. Theo đó, mỗi thành viên trong trường đều xác định thu nhập gắn với năng suất lao động và năng lực, không còn sự bình quân về việc làm và thu nhập. Công tác tài chính được triển khai theo cơ chế doanh nghiệp, cơ chế khoán đã được nhiều đơn vị trong trường đăng ký thực hiện. Ngoài ra trường cũng tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ gắn với đào tạo.
“Trường CĐ Kỹ nghệ II cũng đã thành lập một số trung tâm theo cơ chế khoán. Sáp nhập Phòng Công tác học sinh – sinh viên vào Phòng Đào tạo. Tăng năng suất lao động cho từng vị trí và xác định lại vị trí việc làm cho mỗi cán bộ – viên chức. Kết quả là thu nhập của cán bộ – viên chức – giảng viên từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng và mức thu học phí tăng gấp đôi so với khi chưa tự chủ: 13,9 triệu đồng/năm”, TS. Bùi Văn Hưng thông tin thêm.
Tương tự, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cho rằng khi thực hiện quyền và nghĩa vụ tự chủ tài chính, trường đã chủ động khai thác nguồn thu sự nghiệp, tăng cường các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo với doanh nghiệp gắn với lao động sản xuất, thực hiện các hợp đồng đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề. Ngoài ra, trường cũng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng định mức cho việc thanh toán các khối lượng công việc thực hiện trong đào tạo, thực hiện khoán chi đối với các khoản chi hoạt động nghiệp vụ. Từ đó xây dựng ý thức trách nhiệm của từng cá nhân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực… Đặc biệt, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng được trường đặt nặng, tăng năng suất làm việc cho từng vị trí, đánh giá hiệu quả công việc phải sử dụng công cụ đánh giá. Bồi dưỡng kỹ năng quản lý ở những vị trí chủ chốt của từng bộ phận. Đồng thời nghiên cứu sáp nhập các bộ phận hành chính làm tinh gọn bộ máy, giảm nhân lực và tăng thu nhập.
“Tăng nguồn thu qua dịch vụ sản xuất kinh doanh quyết định đến việc sống còn của trường, tuy nhiên hoạt động này phải gắn với đào tạo, là một trong những tác động lẫn nhau giữa đào tạo và kinh doanh. Hoạt động này, bên cạnh tăng nguồn thu cho trường còn tác động tích cực lên người học, gắn nhà trường với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, cải tiến công nghệ”, bà Thủy đánh giá.
Tạo điều kiện vay vốn ODA
“Nhà nước sớm ban hành lộ trình tiếp cận việc tính giá cung cấp dịch vụ công lĩnh vực GDNN theo nguyên tắc thị trường. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ thực sự trong việc tính toán các chi phí đầu vào, đầu ra theo cơ chế hoạt động của doanh nghiệp”, ông Trần Kim Tuyền (đại diện Trường CĐ Nghề TP.HCM) đề xuất. |
Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các trường CĐ-TC” do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, đại diện Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã đưa ra các giải pháp sau: Mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề, cấp bậc đào tạo với nhiều hình thức đào tạo tập trung, đào tạo từ xa, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy hoặc tổ chức liên kết với nước ngoài để mở trường, khoa và lớp đào tạo; tăng cường các nguồn thu từ dịch vụ, từ khoa học công nghệ, viện trợ, tài trợ, hiến tặng; huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức cá nhân khác nhằm hỗ trợ, cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo theo nhu cầu của các trường. Đặc biệt là chủ động trong đổi mới hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho người lao động. Đại diện Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cũng đề cập đến việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo mô hình của công ty TNHH một thành viên.
Trong khi đó, ông Trần Kim Tuyền (đại diện Trường CĐ Nghề TP.HCM) đề xuất Nhà nước sớm ban hành lộ trình tiếp cận việc tính giá cung cấp dịch vụ công lĩnh vực GDNN theo nguyên tắc thị trường. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ thực sự trong việc tính toán các chi phí đầu vào, đầu ra theo cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp thu hồi chi phí tái đầu tư cung cấp dịch vụ công, đảm bảo đời sống cho người lao động.
TS. Bùi Văn Hưng cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho Trường CĐ Kỹ nghệ II vay vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển giáo viên, chương trình, giáo trình. Đồng thời truyền thông mạnh để hiểu đúng bản chất của việc tự chủ.
T.Anh
Bình luận (0)