Sự kiện giáo dục

Trường nghề khó tuyển trình độ cao đẳng, trung cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Trong 7 tháng đầu năm 2024, kết quả tuyển sinh  lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt tỉ lệ 42,58% so với kế hoạch năm, vượt 12% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỉ trọng cao trong khi đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỉ trọng thấp. Để cải thiện tình hình này, các trường nhanh chóng tìm ra giải pháp để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác giáo dục nghề nghiệp 7 tháng đầu năm

Nhiều nguyên nhân

Trong 7 tháng đầu năm, trình độ cao đẳng có 4.624/40.000 người học, đạt 11,56% kế hoạch năm, thấp hơn 1,94% so với cùng kỳ năm 2023. Trình độ trung cấp có 3.821/25.000 người học đạt 15,28% kế hoạch năm, thấp hơn 42,17%  so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Nguyễn Chí Thành – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm tỉ trọng thấp hơn so với trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là do nhiều nguyên nhân.

Trong thời gian 7 tháng đầu năm là thời điểm tuyển sinh của các trường đại học, các trường THPT ngoài công lập nên việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị cạnh tranh và kết quả tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp thấp là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT tạo nên học sinh tốt nghiệp THPT và phụ huynh không có điều kiện để tiếp cận, tìm hiểu hoặc tạo ra tâm lý băn khoăn về chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, một số đơn vị thực hiện công tác tuyển sinh không hiệu quả, chưa thu hút người học. Có đơn vị không thực hiện việc cập nhật báo cáo định kỳ hàng tháng trên hệ thống thông tin điện tử nên số liệu chưa phản ánh đầy đủ kết quả tuyển sinh của các đơn vị.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM góp ý nâng cao chất lượng tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

Công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả sau đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện hiệu quả. Ít nắm bắt được tình hình có việc làm của người học sau tốt nghiệp, nhất là những người học có việc làm phù hợp với nghề đã được đào tạo. Điều này, một phần sẽ làm cho các cơ sở giáo dục không có minh chứng cụ thể cho chất lượng đào tạo của đơn vị, tính thuyết phục và hiệu quả trong công tác truyền thông chưa cao. Từ đó dẫn đến việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu đề ra và một phần sẽ làm cho công tác theo dõi, thống kê chỉ số “lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận” thiếu đầy đủ, đánh giá chưa đúng thực trạng kỹ năng nghề của lực lượng lao động của TP.

Tình hình đội ngũ người lao động, nhân viên các bộ phận theo dõi, quản lý quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều biến động, nhất là ở các trường tư thục. Từ đó dẫn đến còn để xảy ra thiếu sót, sai phạm trong việc tổ chức quá trình đào tạo như: thi hộ; kỷ luật người học không đúng quy trình; phân công khối lượng giảng dạy cho nhà giáo vượt định mức quy định; không đảm bảo quy trình biên soạn, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo.

Công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo chưa được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chủ động thực hiện. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác tự đánh giá – kiểm định chất lượng đào tạo.

Các hoạt động phong trào – học thuật cấp TP còn ít đơn vị đăng ký tham gia. Điều này phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà giáo, người học tại các đơn vị khi không được cử tham gia các hoạt động cấp TP, mất cơ hội cọ xát, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở giáo dục nghiệp khác trên địa bàn TP.

Cần sớm cải thiện

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có nhiều trường nghề. Bên cạnh những trường khó tuyển sinh vẫn có những trường tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Điều này cho thấy, việc tuyển sinh thấp hay cao là do cách tổ chức tuyển sinh của từng trường. “Những trường tuyển sinh không hiệu quả nên kiểm tra lại để xem mình thiết sót ở khâu nào để từ đó đưa ra những giải pháp giúp công tác tuyển sinh hiệu quả hơn”, ông Tuấn góp ý.

Linh hoạt hóa các hình thức đào tạo để người học

Theo ông Tuấn, để học sinh biết và hiểu rõ về giáo dục nghề nghiệp, các trường có thể tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp để thông tin về ngành nghề, cơ sở vật chất cũng như sự uy tín của trường. “Từ chương trình này, các trường nên thông tin về thị trường lao động, cơ hội nghề nghiệp để học sinh an tâm lựa chọn ngành nghề và học tại trường”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đánh giá, công tác tuyển sinh cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023 là tín hiệu phấn khởi cho việc hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm. Tuy nhiên, ông Thinh cũng bày tỏ lo ngại kết quả tuyển trình độ cao đẳng, trung cấp thấp hơn trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm cải thiện tình hình tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp trong thời gian 5 tháng còn lại của năm 2024 để hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.

Để hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới ổn định, phát triển hơn, ông Thinh đề nghị các trường cần tập trung rà soát, chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo, không vi phạm trong quá trình hoạt động làm mất uy tín cho đơn vị.

Đồng thời, các trường phải tìm kiếm, chủ động áp dụng các phương thức tuyển sinh hiệu quả hơn. Các trường có thể phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để đưa thông tin đến với xã hội về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước, cơ hội học tập ở trình độ cao hơn. “Ngoài ra, các trường cần đa dạng hóa, linh hoạt hóa các hình thức đào tạo để người học có thể đăng ký học theo nhu cầu. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo; phát triển các chương trình đào tạo theo hướng mở, liên thông giữa các trình độ”, ông Thinh nhấn mạnh.

Hồ Trinh

Bình luận (0)