Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường nghề kỳ vọng vào phòng thực hành ảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phòng thực hành nghề ảo được mô phỏng như thế giới thật đã được các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới áp dụng hiệu quả từ nhiều năm nay. Trong khi đó, tại Việt Nam, khái niệm phòng thực hành ảo còn khá xa lạ.

Sinh viên Trường CĐ Nghề số 5 thực hành nghề hàn

Virtual Reality (VR) – môi trường không gian ba chiều giả lập bằng máy tính nhằm mô phỏng thế giới thật mà con người có thể khám phá qua kịch bản ảo.

Học thật – thực hành ảo

Ông Ngô Xuân Nam (kỹ sư tự động hóa đang làm việc tại Mỹ) thông tin: Hiện VR đã được đưa vào sử dụng trong một số lĩnh vực ngành nghề ở Việt Nam, tuy nhiên chưa được phổ biến lắm vì những nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, các trường đào tạo nghề ở châu Á, châu Âu… đã đưa công nghệ thực tế ảo này vào phòng thực hành từ nhiều năm nay. Qua đó giúp người học tiếp cận với công nghệ hiện đại, trải nghiệm không gian thực hành như thật. Từ phương pháp học trực quan, sinh động sẽ khơi gợi sự hứng thú, đam mê với ngành nghề đang theo học.

Theo ông Bùi Minh Phương (Phó ban kỹ thuật 2, AIC Group), với phần mềm ảo hóa chương trình đào tạo nghề, các nghề như cơ điện tử, điện tử, điện lạnh, công nghệ ô tô, khí nén, hàn… có thể sử dụng hệ thống mô phỏng thế giới thật. Ưu điểm của chương trình này là người học có thể học online và bài kiểm tra trình độ tương ứng với câu hỏi. Một ưu điểm nữa có thể áp dụng hiệu quả tại phòng thực hành các nghề trên là giáo viên có thể đưa ra nhiều lỗi từ đơn giản đến phức tạp và người học có nhiệm vụ tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.

Tương tự, nghề sơn và hàn cũng có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo, tất cả đều sử dụng mô hình nhưng qua đó người học cảm nhận như mình đang sơn và hàn thật. Người học có thể chọn thực hành 3D qua màn hình máy tính hoặc bằng tay qua thiết bị đeo mắt (kính), đang cầm thiết bị nhưng không phun sơn, qua kính đeo mắt họ thấy như đang làm thật. Ông Phương cho biết các phần mềm này còn cung cấp hệ thống đánh giá qua thang điểm, khi chưa hoàn thiện hệ thống sẽ báo lỗi tự động và kết quả về mối hàn hay độ dày mỏng của sơn để người học điều chỉnh.

Đại diện Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 khẳng định, với sự vận hành của hệ thống báo lỗi để người học chỉnh sửa trực tiếp trên sản phẩm ảo thì khả năng rủi ro khi thực hành gần như bằng 0. Đây là điều kiện đảm bảo để giảm chi phí tối đa trong thực hành nói riêng và giảm chi nói chung mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động từ sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Đòi hỏi chuyên môn cao ở người thầy

Được biết mới đây, Khoa Y của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cũng đã áp dụng công nghệ VR để mô phỏng cơ thể ảo phục vụ trong thực hành bộ môn giải phẫu học. Theo đó, qua mô hình này, sinh viên có thể tiếp cận với thực hành nội soi, giải phẫu như thật thay vì thực hành trên tranh, tiêu bản khô cứng và nhàm chán.

Tại các trường nghề của Việt Nam, công nghệ này vẫn còn khá mới mẻ dù trước đó một số đơn vị cũng có dịp tham quan mô hình này tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Bách Khoa TP.HCM) cho rằng chi phí đầu tư là một chuyện, quan trọng là đội ngũ giáo viên có đủ chuyên môn để điều khiển mô hình thực tế ảo ấy hay không?

Đề cập đến tính khả thi của phòng thực hành ảo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước, ông Ngô Xuân Nam lo ngại Việt Nam còn nhiều rào cản mà thứ nhất có thể kể đến là nhân lực trực tiếp vận hành hệ thống. Ông Nam nói: “Ở đây không chỉ đòi hỏi người đứng lớp phải có chuyên môn về nghề họ đang giảng dạy mà còn cần kiến thức về lập trình, tính năng của các thiết bị…”.

Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết việc mua bản quyền hay lập trình các phần mềm mô phỏng để đầu tư cho phòng thực hành này là cần thiết, hướng đến việc xây dựng phòng học thực tế ảo đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo hệ giáo dục nghề nghiệp.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng, kết nối cơ sở hạ tầng, số hóa quản trị nhà trường và quản lý phòng thực hành bằng công nghệ hiện đại, giảm chi phí đầu tư dàn trải. Có thể chi phí đầu tư khá cao, tuy nhiên các trường phải xác định đầu tư một lần, hơn nữa chỉ thí điểm 1-2 nghề sau đó có đủ điều kiện sẽ đầu tư đại trà các nghề”, ông Lâm kỳ vọng.

T.Anh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)