Với yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay, các trường nghề cần đổi mới chương trình đào tạo, đánh giá đầu ra… Đây là ý kiến của đội ngũ giảng viên, giáo viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo đánh giá, hiện nay lao động các ngành kỹ thuật chưa theo kịp công nghệ. Trong ảnh: Học sinh một trường nghề ở TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: T.Tri |
“Nói không” với kiến thức hàn lâm
ThS. Dương Đình Dũng (Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) cho rằng việc giảng viên, giáo viên lên lớp theo hướng tiếp cận nội dung đã ăn sâu vào nền giáo dục nước ta. Các hoạt động lên lớp của thầy và trò vẫn là thầy giảng – trò nghe, thầy đọc – trò chép. Điều này dẫn tới tình trạng phổ biến tri thức một chiều và hình thành thói quen này từ bậc phổ thông. Kết quả là người học không phát huy được tính sáng tạo, thiếu khả năng suy nghĩ độc lập và giải quyết các vấn đề thực tiễn, thiếu kỹ năng làm việc nhóm do học một cách thụ động. Do vậy, việc lấy người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo là cần thiết thay cho truyền thụ kiến thức. Tuy nhiên, làm được điều này cần có những giải pháp từ xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giảng dạy…
Theo đó, trong đào tạo sinh viên, học sinh các ngành kỹ thuật ở trường nghề cần xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tích hợp. Trong đó đảm bảo có một nhóm môn học được đào tạo chuyên sâu, mang tính chủ đạo và các môn nhánh gắn liền với từng môn chuyên sâu hình thành cây kiến thức liên hoàn. Những kỹ năng bổ trợ cho nghề nghiệp không thể thiếu là ngoại ngữ và tin học cũng cần đào tạo chuyên sâu, đi vào chuyên ngành hẹp và có môi trường ứng dụng trong bài học. Có như vậy người lao động mới thích ứng được với ngành nghề đào tạo sau khi ra trường và có khả năng học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề. “Sự tham gia của lực lượng bên ngoài vào quá trình đánh giá người học cũng là một cách để các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động sau này. Cụ thể, doanh nghiệp đánh giá sản phẩm đào tạo của nhà trường trên cơ sở thống nhất nội dung và cách thức vận hành. Đây là hướng tiếp cận sẽ cho kết quả khảo sát thực tế và giúp người làm quản lý đào tạo dễ dàng điều chỉnh chương trình, phương pháp và cách thức thực hiện cho những khóa sau”, ThS. Dương Đình Dũng đúc kết.
Đề cập đến phương pháp giảng dạy ở môi trường giáo dục nghề nghiệp, ThS. Nguyễn Thị Ngân (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận phương pháp giảng dạy hiện nay ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều chú trọng kiến thức hơn kỹ năng, nặng về lý thuyết hàn lâm hơn là thực hành thực tế. Vì vậy sinh viên, học sinh tốt nghiệp rất khó xin việc làm đúng ngành nghề đã học. “Đơn cử như ngành kế toán, chất lượng nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán là chuyện đáng bàn, nhất là hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế trên nhiều lĩnh vực; trong đó có hệ thống kế toán và kiểm toán”, ThS. Nguyễn Thị Ngân lo ngại.
Trong khi đó, TS. Hồ Văn Tường (Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn) khẳng định, với phương pháp lấy người học làm trung tâm, giáo án được thiết kế linh hoạt sẽ được doanh nghiệp đánh giá cao về kỹ năng cũng như chuyên môn. 70% thời gian lên lớp cho sinh viên, học sinh phát biểu, thảo luận và 30% thời gian còn lại giảng viên tổng hợp tri thức tối ưu, trải nghiệm cần thiết để các em nắm bắt là hợp lý. Tuy nhiên chúng ta có thể điều chỉnh thời lượng với các ngành nghề đặc thù.
Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thị trường
ThS. Chung Thị Quế Chi (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ, khoảng cách giữa đào tạo nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với yêu cầu của thị trường lao động là quá xa, vì vậy việc đổi mới chương trình, nội dung học phần là cần thiết. Muốn làm được điều này, các cơ sở đào tạo cần triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo và đột phá, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng trường. Bên cạnh đó cần có quy định cụ thể về việc thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực và đưa vào tiêu chí đánh giá giờ giảng. Trong quá trình đổi mới chương trình, nội dung giảng dạy nên tham khảo ý kiến doanh nghiệp – nơi tiếp nhận sản phẩm đầu ra để có thay đổi phù hợp.
Ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM) khẳng định phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm là phương pháp tích cực trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Ở góc độ khác, ông Bùi Quang Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) đánh giá đội ngũ lao động ngành kỹ thuật hiện nay còn lạc hậu về công nghệ, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Việc đào tạo lại để tái sử dụng là cấp thiết nhưng cũng rất tốn kém, vì vậy ngay từ đầu, chuyên môn hóa và kỹ năng làm việc phải đặt lên hàng đầu mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhân lực trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
T.Anh
Bình luận (0)