Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp những năm gần đây đã cải thiện đáng kể, người học chủ động học nghề cũng tăng theo từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh lại chưa đồng đều ở các trường.
Giáo viên và học sinh Khoa Cơ khí động lực Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành
Các chuyên gia đến từ doanh nghiệp khẳng định, tỷ lệ tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là các trường chưa theo kịp dòng chảy công nghệ. Để thu hút người học hơn nữa, các trường cần mạnh dạn bỏ các ngành nghề cũ, lạc hậu và thay vào đó bằng ngành nghề mới tiệm cận với khu vực, thế giới.
Vẫn duy trì đào tạo cái mình có
Ghi nhận tại nhiều trường nghề, đến thời điểm này chỉ một số trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch năm, còn phần lớn dừng lại ở 50-70% chỉ tiêu đề ra. Trong số đó, phần lớn nguồn tuyển của các trường đến từ học sinh sau THCS. ThS. Đặng Minh Sự (Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, tính đến hết tháng 10-2022, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố đạt 278.859/ 371.000 người (75,16% so với kế hoạch năm). Cụ thể, ở trình độ CĐ tuyển 43.912/45.000 người (đạt 97,58%); trình độ TC tuyển 16.869/36.000 người (đạt 46,86%). Riêng trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng tuyển 218.078/290.000 người (đạt 75,20%). Theo đó, các nhóm ngành nghề có tỷ lệ tuyển sinh khá cao là cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, cơ khí (hàn, tiện…). Các nhóm ngành nghề giảm người học trong những năm gần đây gồm kế toán – ngân hàng, nhà hàng – khách sạn, công tác xã hội… Đại diện bộ phận tuyển sinh nhiều trường TC-CĐ cho rằng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành nghề trình độ TC-CĐ rất cao nhưng người học vẫn còn tâm lý vào ĐH. Điều này làm tăng tỷ lệ thất nghiệp trình độ ĐH, trong khi nguồn tuyển trình độ TC-CĐ lại thiếu. Thêm nữa, do tác động của dịch Covid-19 nên một số ngành nghề cũng khó tuyển sinh do nhu cầu việc làm trước đó giảm mạnh, người học e ngại sẽ thất nghiệp.
“Xu hướng công nghệ thay đổi cấu trúc nghề nghiệp, kéo theo hàng loạt ngành nghề mới ra đời. Tuy nhiên, một số nơi chưa thay đổi để thích ứng bối cảnh mới”, ông Phạm Vũ Quốc Bình (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định. |
Thực tế, hiện nay một số trường vẫn chưa mạnh dạn “xóa sổ” các ngành nghề không còn phù hợp với xu hướng mới và vẫn duy trì đào tạo cái mình có. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đồng thời chuyển đổi số đã len lỏi sâu vào tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Vì vậy việc mở các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là cần thiết và có tính quyết định đến sự tồn tại của trường nghề trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn hiện nay. Ở một số ngành nghề, nếu không cập nhật, bổ sung, nâng cấp chương trình đào tạo chắc chắn sẽ lạc hậu. Điều này dẫn đến việc đào tạo ra đội ngũ lao động thiếu cả chất và lượng, gây lãng phí và xa hơn là không có nguồn nhân lực xứng tầm”, ông Nguyễn Văn Tiến (Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Đông Nam) phân tích.
Thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới
Theo phân tích của các chuyên gia, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp nhìn chung còn khó khăn ở một số trường, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn do nguyên nhân chủ quan, cụ thể là ngại thay đổi. Ông Phạm Vũ Quốc Bình (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, xu hướng công nghệ thay đổi cấu trúc nghề nghiệp, kéo theo hàng loạt ngành nghề mới ra đời. Tuy nhiên, một số nơi chưa thay đổi để thích ứng bối cảnh mới. Cập nhật công nghệ trong đào tạo, xây dựng chương trình là cần thiết, xuyên suốt song chưa đủ mà phải mở ngành nghề mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Sinh viên ngành nhà hàng – khách sạn Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ trong giờ thực hành
Tính đến hết tháng 10-2022, các trường TC-CĐ trên địa bàn TP.HCM đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động 33.451 người với các trình độ. Trong đó, trình độ CĐ 15.458 người; TC 5.610 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 12.383 người. Đến thời điểm này, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của thành phố là 87,56% (chỉ tiêu năm là 86,05%) – tức 4.318.213/4.931.593 người lao động. |
Trước xu hướng chung về sự thay đổi công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị các trường nghề cần nhanh chóng thích ứng, linh hoạt mở thêm ngành nghề mới cũng như mạnh dạn bỏ các ngành nghề cũ không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh chưa đạt trong nhiều năm. Các ngành nghề mới mở ra phải có sự tham vấn từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng yêu cầu các trường nghề đẩy mạnh hơn nữa trong hợp tác với doanh nghiệp. Sự hợp tác này không dừng lại ở các nội dung lâu nay đã làm như thực hành, thực tập cho nhà giáo, người học mà còn mở rộng các nội dung mới, chuyên sâu hơn. Cụ thể là xây dựng chương trình đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên gia, đứng lớp trực tiếp. Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, đây là mô hình mà một số quốc gia phát triển mạnh về giáo dục nghề nghiệp đã áp dụng như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… Việc trao đổi chuyên gia đến doanh nghiệp sẽ tạo ra những thế hệ đội ngũ nguồn, là lực lượng có vai trò dẫn dắt, kiến tạo doanh nghiệp trong tương lai.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)