Đến hẹn lại lên, trường nghề lại mỏi mắt… chờ người học. Theo đánh giá của đại diện một số trường nghề, tình hình tuyển sinh năm nay rất ảm đạm, chỉ mong tuyển đạt 70-80% so với chỉ tiêu đề ra.
Người học đăng ký tìm việc tại một ngày hội việc làm
Ngay cả các trường hàng năm có tỷ lệ tuyển sinh cao, ổn định cũng rơi vào tình trạng lo thiếu người học.
Chỉ mong tuyển đạt 70-80% chỉ tiêu
Hiệu trưởng một trường trung cấp nghề trên địa bàn TP.HCM cho biết, năm 2021, số lượng tuyển sinh của trường không đạt như mong muốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tuy nhiên, đó là tình hình chung. Năm nay dù dịch bệnh được kiểm soát, mọi thứ đã đi vào ổn định nhưng công tác tuyển sinh cũng không mấy khả quan. “Chỉ tiêu tuyển sinh của trường hàng năm khoảng 1.200 học sinh, nhưng đến thời điểm này trường chỉ tuyển được khoảng 50% – số lượng ít hơn thời điểm này của năm 2021. Các năm trước, thời điểm này trường đã tổ chức đón học sinh, gặp gỡ phụ huynh để bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, hiện nay trường vẫn đang… chờ người học, vì vậy lễ khai giảng năm học có thể tổ chức muộn hơn”, vị hiệu trưởng cho biết.
Theo vị hiệu trưởng này, trước đây khi có nguồn tuyển sinh dồi dào, các trường “chê” nguồn học sinh sau THCS thì năm nay lại bắt đầu chú ý tới đối tượng này để đảm bảo chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung đào tạo đối tượng học sinh sau THCS thì khó có được đội ngũ lao động chất lượng cung ứng cho thị trường. Bởi các em còn quá nhỏ phải vừa học văn hóa 7 môn vừa học nghề, nếu lấy được bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề thì các em chỉ vừa 17-18 tuổi. Ở tuổi này, dù chưa biết tay nghề của các em như thế nào nhưng phía doanh nghiệp cũng cân nhắc khi tuyển dụng. Còn để được học liên thông lên CĐ thì phải hội đủ nhiều điều kiện khác, không dễ.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của trường là 3.900 học sinh, sinh viên. Đến nay trường đã tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu và hiện đang tiếp tục mở đăng ký trực tuyến và trực tiếp. So với mọi năm, khoảng đầu tháng 8 một số ngành nghề của trường đã tuyển đủ chỉ tiêu và ra thông báo dừng tuyển. Tương tự, PGS.TS Bùi Văn Hưng (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II) cho biết, đến nay trường đã tuyển sinh được hơn 70% chỉ tiêu…
Đại diện một số trường nghề lo lắng, dù trường đã tuyển được 60-70% chỉ tiêu và đang tiếp tục tuyển sinh, tuy nhiên con số này chưa thể nói lên điều gì, bởi có năm tuyển vượt chỉ tiêu đến hơn 30% nhưng thực tế nhập học lại chưa đến 80%. Đó là chưa kể số người học “rơi rụng” sau nhập học 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Nhìn chung, công tác tuyển sinh nghề năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng ở một số ngành nghề vẫn có đông người học đăng ký. Cụ thể là ngành công nghệ ô tô, tự động hóa công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, logistics…
“Khát” lao động trình độ trung cấp, cao đẳng
ThS. Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM) cho rằng công tác tuyển sinh nghề gặp khó khăn là do học sinh cứ đổ xô vào trường đại học. Nghịch lý là hiện nay học phí bậc đại học rất cao, ra trường không có việc làm, trong khi đó doanh nghiệp lại khát lao động trình độ trung cấp, cao đẳng.
Ông Nguyễn Thành Dũng (Giám sát kỹ thuật Công ty TNHH Cơ khí điện Phương Nam) cho biết, mặc dù số lượng học sinh, sinh viên ngành cơ khí, điện công nghiệp ra trường mỗi năm không nhỏ nhưng việc tuyển dụng không dễ do nhu cầu quá lớn. Hiện nay, lương trung bình của lao động kỹ thuật khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 (chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng). Nếu là kỹ thuật viên chính thì mức lương thấp nhất 18 triệu đồng/tháng (ngày làm 8 giờ) và nhiều chế độ khác ngoài quy định của Nhà nước. “Chúng tôi thường xuyên mở các khóa bồi dưỡng nâng cao tay nghề tại xưởng hoặc đến Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật làm việc ở các doanh nghiệp FDI”, ông Dũng nói.
Nhìn chung, công tác tuyển sinh nghề năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng ở một số ngành nghề vẫn có đông người học đăng ký. Cụ thể là ngành công nghệ ô tô, tự động hóa công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, logistics… |
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh quanh năm, song không khỏi lo lắng bởi còn phụ thuộc vào tiến độ tuyển sinh đại học. Sự thay đổi, sử dụng nhiều phương thức xét tuyển ở bậc đại học đã làm cạn nguồn tuyển sinh của các trường nghề. Tuy nhiên, các trường nghề cũng đừng quá bi quan mà thời gian này cần ngồi lại tìm cho mình một hướng đi đúng. Thực tế, trong khó khăn vẫn có không ít trường tuyển sinh tốt, có ngành nghề điểm đầu vào còn cao hơn trường đại học. Điều này minh chứng chất lượng đào tạo của trường nghề được doanh nghiệp, người học tin tưởng.
“Các trường nghề cần tập trung đẩy mạnh truyền thông, liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, đầu tư cho các ngành nghề thế mạnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyển sinh các chương trình đào tạo liên kết, chương trình chuyển giao từ các quốc gia như Đức, Úc. Bên cạnh đó cần mạnh dạn bỏ các ngành nghề cũ không còn phù hợp, mở ngành nghề mới theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là các ngành nghề thuộc 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ”, ông Lâm đề nghị.
Trước thực trạng tuyển sinh ngày càng khó khăn, một số trường nghề không chạy đua hoàn thành chỉ tiêu mà chú trọng xây dựng chương trình đào tạo nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đăng Lý cho biết, nhà trường và doanh nghiệp không chỉ ký cam kết việc làm cho người học mà ngay thời điểm ra trường, nhà trường sẽ bàn giao và doanh nghiệp tiếp nhận người học. Hay như một số trường ký kết với doanh nghiệp tạo điều kiện cho người học thực hành trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đặc biệt là chia sẻ giáo viên doanh nghiệp đào tạo các mođun cụ thể…
Bài, ảnh: Trần An
Bình luận (0)