Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường nghề loay hoay thu hút thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ tiêu tuyển sinh của khối các trường nghề năm 2011 tăng đáng kể so với năm 2010, nhất là những nghề “hot”. Nhưng hiện nay, hầu hết các trường – nhất là khối trung cấp nghề – đang phải đối mặt với nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu.

“Đau đầu” lo chỉ tiêu
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Tổng cục Dạy nghề- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm 2011 sẽ tuyển sinh 1,86 triệu người học nghề (tăng 6,4% so với năm 2010). Nghề hàn, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, may thời trang, nấu ăn… được nhìn nhận là những nghề có nhu cầu lớn, hầu như học viên ra trường không lo thiếu việc nên các chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh rất cao. Tại trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, nghề điện công nghiệp chiếm 25- 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường hàng năm. Còn theo ông Vũ Duy Trung, Phó Trưởng phòng đào tạo (Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội), điện công nghiệp không phải nghề nóng hay nghề mới nhưng xã hội luôn có nhu cầu rất lớn.
Mùa tuyển sinh của các trường nghề bắt đầu từ sau kỳ thi cao đẳng, đại học và thường kéo dài tới tháng 11. Nhưng tới thời điểm này, “theo thông tin từ nhiều trường trong khối dạy nghề, việc tuyển sinh năm nay rất phức tạp. Hầu hết các trường không đạt yêu cầu tuyển sinh so với chỉ tiêu được giao. Thậm chí có trường, chỉ tiêu hàng nghìn nhưng chỉ có vài trăm em đăng ký”, ông Phan Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp cho biết. Đơn cử như trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 1.750 và đến thời điểm này, trường mới đạt được khoảng 70% so với chỉ tiêu, mặc dù năm nay, trường đã phải tăng chi phí cho công tác quảng bá, tuyển sinh lên gấp đôi so với năm ngoái. Vị lãnh đạo trường này ái ngại cho biết giai đoạn tới, việc “lo nốt” số lượng còn lại cho đủ chỉ tiêu còn khó hơn.
Sinh viên thực hành nghề sửa chữa ô tô trên mô hình tại Trường Cao đẳng nghề cơ điện và Thủy lợi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Hữu Việt – TTXVN
Chuyện tuyển sinh tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ du lịch cũng khá ảm đạm. Theo ông Vũ Kim Bảng, Hiệu trưởng trường, năm 2010, số lượng tuyển sinh của trường đã giảm đi so với những năm trước đó và năm 2011 còn giảm nữa! Thậm chí, rút kinh nghiệm từ đợt tuyển sinh năm ngoái, năm nay, trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ du lịch sớm triển khai nhiều biện pháp để “chào hàng”, tới tận nơi hàng chục trường phổ thông phát tờ rơi, quảng bá hình ảnh nhà trường, giới thiệu ngành nghề đào tạo… Kết quả là: “Khuôn viên 4 ha, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên bài bản nhưng kết quả tuyển sinh vẫn kém”- ông Bảng rầu rĩ.
Đa dạng cách tuyển sinh
Để tuyển đủ chỉ tiêu, các trường nghề không thể chỉ “trông” vào nguồn cung là thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học đợt tháng 7 hàng năm mà tuyển quanh năm. Đối với trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp, hướng giải quyết của trường là liên kết với các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội của nhiều tỉnh phía Bắc. Ngoài việc tuyển sinh theo thông báo, trường tìm người học theo đặt hàng của doanh nghiệp, của địa phương. Theo ông Phan Huy Hoàng, trường liên kết với những tỉnh có nhu cầu đào tạo nghề nhưng trung tâm dạy nghề của địa phương không đủ điều kiện vật chất cũng như lực lượng giảng viên. Bằng cách này, trường hy vọng sẽ đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh như yêu cầu.
Mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh trường nghề tăng lên và người học nghề đứng trước cơ hội có việc làm ngay lập tức nhưng thực tế có vẻ không nhiều thí sinh mặn mà với việc đăng ký học nghề. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Vũ Kim Bảng, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ du lịch chính là tâm lý trọng hư danh. “Nhiều người, kể cả ở nông thôn lẫn thành thị đều nghĩ học đại học vừa có danh, ra trường làm những công việc nhẹ nhàng. Còn học nghề vừa tốn kém, lại không oai”, ông Bảng nói.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với các trường đại học và cao đẳng mở ra ngày càng nhiều cũng khiến việc tuyển sinh của các trường nghề gặp khó, nhất là năm nay có thông tin chỉ 8- 9 điểm cũng đỗ đại học. “Trong quá trình làm công tác tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy cũng có rất nhiều trường đại học chịu khó lặn lội về tận những vùng sâu, vùng xa để giới thiệu, quảng bá tên tuổi”, ông Phan Huy Hoàng, Hiệu trường Trường cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp cho biết.
Trừ một bộ phận không nhiều trường nghề có thương hiệu tuyển sinh khá ung dung, còn đại đa số trường nghề, việc tuyển sinh cho đủ số lượng luôn là trăn trở thường trực. Nhiều ý kiến cho rằng việc truyền thông cần phải tiến hành mạnh hơn nữa, nhất là về những vùng nông thôn, miền núi để thay đổi nhận thức theo hướng tích cực cho người dân nơi đây. Theo lãnh đạo một số trường nghề, một “lối thoát” khả quan cho công tác này là việc liên kết chặt chẽ hơn với các địa phương trong việc tuyển sinh. Ông Phan Huy Hoàng nói: “Nếu các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng xác định việc tuyển sinh học nghề là một nhiệm vụ chính, liên lạc với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu nhân lực của họ rồi đưa thông tin này tới tận thôn, bản cho người dân biết rõ những vị trí công việc, chế độ sử dụng… họ sẽ yên tâm học nghề”.

Theo Mạnh Minh
(tintuc)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)