Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường nghề: Mùa vắng… học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên đang thực hành nghề hàn bằng máy vi tính. Ảnh: Q.ĐTheo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, hiện nay lực lượng lao động có trình độ từ trung cấp đến ĐH chỉ chiếm 30%, còn lại là lao động chưa qua đào tạo. Trên địa bàn TP có 900 doanh nghiệp cần khoảng 249.000 lao động có tay nghề, tuy nhiên các trường đào tạo chỉ đáp ứng được 20%.

Không trò… đố trường dạy ai

Trường CĐ nghề TP.HCM nhiều năm qua luôn tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo là do trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ngành nghề đào tạo được mở rộng theo nhu cầu thị trường. Nhưng không phải trường nghề nào ở TP.HCM cũng có thế mạnh như vậy, nhiều năm qua không ít trường nghề của TP lâm vào cảnh “chợ chiều” do khó tuyển HS vào học. Trong khi đó theo quy định của Bộ GD-ĐT về đối tượng học nghề rất rộng (chỉ cần tốt nghiệp THCS, thậm chí thấp hơn vẫn có cơ hội theo học tại các lớp nghề ngắn hạn), nhưng nhiều trường vẫn vắng trò. Cô Phan Thu Hiền, giáo viên Trường Trung cấp Dạy nghề Thủ Đức ngậm ngùi: “Ai đăng ký cũng có thể theo học, tuy vậy năm nào sau khi tuyển sinh trường cũng thiếu, nhiều ngành được phép đào tạo nhưng vì không có HS đăng ký nên không mở được”. Năm học 2007-2008, Trường Trung học Nông nghiệp tuyển 300 HS, nhưng chỉ nhận được khoảng hơn 200 hồ sơ đến đăng ký, Trường Trung cấp KT-NV Thủ Đức (Q.Thủ Đức) mở một khoa về Hướng dẫn viên du lịch nhưng loáng thoáng chỉ có mấy chục em, hay Trường Tư thục Du lịch Quốc tế (Q.Bình Thạnh) chỉ tiêu 700 nhưng chỉ tuyển được 500 HS… Đây là những trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên tốt nhưng vẫn phải “khóc” sau mỗi kỳ tuyển sinh. Còn những trường tại các quận huyện, hay một số trường tư thục tình trạng trường thiếu trò còn “thê thảm” hơn. Trong khi đó, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, các trường nghề đào tạo không đủ đáp ứng cho doanh nghiệp như: điện – điện lạnh, hàn công nghệ cao, may công nghiệp, bán hàng… cũng vắng HS theo học.

Những nghề như: tiện hàn, cơ khí, may công nghiệp… bao giờ cũng ít HS chọn học nhưng là nghề có nhiều cơ hội việc làm và lương cao. Theo nhận xét hầu hết của các trường nghề tại TP.HCM hiện nay, đào tạo những nghề này HS ra trường không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn đến tận trường đặt hàng đào tạo như ở Trường CĐ Nghề TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, CĐ KT-NV Phú Lâm… Mức lương khởi điểm của các ngành nghề này thường 2-3 triệu đồng/tháng. Thay vì học song ra trường chạy ngược, chạy xuôi tìm việc như các sinh viên ĐH, thì HS học nghề cơ khí, hàn, điện-điện lạnh, chỉ cần chọn cho mình chỗ làm phù hợp, vừa ý…

Thực tế các HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề đang trở thành vấn đề toàn xã hội. Ngoài nhận thức của xã hội còn định kiến, hạn chế trong việc học nghề, tâm lý trọng bằng cấp, khoa bảng còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó còn nhiều lý do chính đáng như: việc thiếu thông tin về ngành học, chưa biết giá trị bản thân phù hợp với ngành mình học, thiếu định hướng trong việc chọn nghề… Do thiếu thông tin về nhu cầu và tiêu chí tuyển lao động của các doanh nghiệp, nên nhiều người không biết chọn nghề, không dám đầu tư tiền, thời gian học nghề, hoặc nhiều HS thì học nghề trái với nhu cầu xã hội…

Doanh nghiệp “khát” thợ

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: “Hiện nay giữa trường nghề và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung, các doanh nghiệp thì kêu thiếu lao động kỹ thuật nhưng lại không tìm đến các trường dạy nghề. Còn nhiều trường chưa nắm bắt, dự đoán nhu cầu lao động của xã hội nên chưa có chiến lược đào tạo bài bản. Để cải thiện tình hình, nhà trường và doanh nghiệp phải bắt tay, hoạt động dạy nghề phải phát triển mạnh hơn, các trường nghề phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên. TP cho cơ chế chính sách khuyến khích hợp tác đầu tư, liên kết theo chương trình công nghệ nước ngoài, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu lao động của TP và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”.

Học xong THPT anh Nguyễn Văn Khương không chọn thi vào ĐH như các bạn cùng trang lứa, mà chuyển sang học tin học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Thủ Đức, với suy nghĩ “học nghề thời gian ngắn hơn, lại có nhiều cơ hội việc làm”. 21 tuổi anh tốt nghiệp trở thành một kỹ thuật viên tin học làm tại một công ty tin học với mức lương khởi điểm 2,2 triệu đồng/tháng. Sau 5 năm ra trường, đến nay anh đã mở được công ty riêng với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thành công từ trường nghề là vậy, nhưng hiện nay những HS mạnh dạn đăng ký vào các trường nghề như anh Khương còn rất hạn chế. Thầy Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, băn khoăn: “Phải thay đổi tư duy cho người học là HS trường nghề không thua kém các sinh viên ĐH, thậm chí còn có thu nhập tốt hơn rất nhiều. Thay đổi quan niệm trường nghề không phải là “con đường cùng”, hay chỉ là chỗ tạm thời. Mặt khác nhiều trường nghề hiện nay chưa được chú trọng, hầu hết các trường nghề trên địa bàn TP.HCM đều khó khăn về kinh phí, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất… để phục vụ cho công tác đào tạo”. Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì cơ sở vật chất phải 4-6m2/HS, 1GV/25HS, nếu chiếu theo con số này thì hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn nhiều trường chưa đáp ứng được.

Hiện nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM hay một số tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai, Long An… tìm đến các trường nghề ở TP.HCM như Trường CĐ Nghề TP.HCM, Trường CĐ KT-NV Phú Lâm, Trường Trung cấp KT-NV Nam Sài Gòn để tìm thợ hay nhờ trường đào tạo. Song song đó một số trường cũng có những khảo sát về nhu cầu của các doanh nghiệp để có hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Thậm chí như Trường ĐH SP-KT TP.HCM đã đào tạo theo đơn đặt hàng dài hạn để đưa đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành: “Hiện nay một số trường đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp là một tín hiệu tốt, việc cung – cầu giữa doanh nghiệp và nhà trường phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển. Đây là một hướng mở cho việc đào tạo nghề hiện nay trên địa bàn TP.HCM”.

Đã đến lúc TP.HCM cần một chiến lược quy hoạch nghề cụ thể. Vì vấn đề đào tạo nghề đang trở nên bức thiết, cần huy động sức mạnh toàn xã hội chung tay góp sức. Để chúng ta có thể đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng được nguồn lao động kỹ thuật cao, nhằm phát triển đất nước.

Văn Mạnh

Bình luận (0)