Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường nghề: muốn đảm bảo chất lượng, 2 năm lỗ 500 triệu

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn đào tạo đảm bảo chất lượng, phải chịu lỗ 500 triệu trong vòng 2 năm. Các trường nghề vẫn phải “lấy ngắn nuôi dài” nên khó đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực. Đó là thực tế của các trường đào tạo nghề được nêu tại Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô” diễn ra chiều 15/3.

Lỗ 500 triệu vì đảm bảo chất lượng 
Thực hành là yếu tố quan trọng nhất trong đào tạo nghề. Trong ảnh: HS Trường Trung cấp Kinh tế – Du lịch Hoa Sữa làm bánh mời các đại biểu tham dự hội thảo chiều 15/3. Ảnh: Lan Hương
Theo ông Phạm Văn Đại (Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội) hiện đang rất cần có những tiêu chuẩn cơ bản về tài chính, về đội ngũ, về chương trình… cho các trường đào tạo nghề vì “chúng ta chưa có trường nào xứng tầm khu vực cả về quy mô và chất lượng.” 
Do ngân sách hạn hẹp, hiện nay, đa số các trường đều phải "lấy ngắn nuôi dài", thậm chí phải mở ồ ạt những ngành chi phí đào tạo thấp để bù vào những ngành có truyền thống đào tạo nhưng chi phí lại quá cao.
Ông Nguyễn Đức Trí (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) dẫn một ví dụ của một trường ở Thái Nguyên đào tạo khoảng 500 HS trung cấp nghề trong 2 năm, vì muốn đảm bảo chất lượng đầu ra ở mức tương đối mà phải chịu “lỗ” tới hơn 500 triệu đồng.
“Với những ngành nghề được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí theo kiểu “cào bằng”, học phí thu rất thấp nên có tình trạng thiếu kinh phí để chi cho đào tạo, dẫn đến chất lượng sản phẩm đào tạo thấp.” – Ông Trí phân tích.
Kinh nghiệm của ông Nguyễn Xuân Độ, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thành Đô là phải chi tiêu rất tiết kiệm và “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông Độ cho biết: ngay khi có khu đất lớn, ông đã cho mở ngay trung tâm đào tạo lái xe để lấy tiền chi cho hoạt động của trường. Đồng thời, tìm kiếm các hợp đồng đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng với các doanh nghiệp để thu được tiền ngay.
Tất cả bàn ghế, cơ sở vật chất đều do trường tự làm, tự mở công ty xây dựng để xây trường nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
Giáo viên “né” thực hành
Ông Nguyễn Phương Nam (Phó Ban quản lý khu Công nghiệp và khu Chế xuất Hà Nội):
"Hiện nay Hà Nội có 9 khu công nghiệp và 3 khu công nghệ cao.
Từ nay tới năm 2020, các khu công nghiệp và công nghệ cao này cần khoảng 400.000 đến 500.000 lao động.
Theo cơ cấu lao động hiện nay ở các khu này, lao động có trình độ từ trung cấp trở lên mới chiếm hơn 10%, còn lại là hơn 80% lao động chưa có tay nghề, chưa qua đào tạo.
“Từ nay đến năm 2015, ngành du lịch Thủ đô cần thêm 35.774 nhân lực mới. Năm 2010, chỉ riêng quận Cầu Giấy cũng có thêm 5 khách sạn 5 sao. Như vậy là việc làm không thiếu nhưng thực tế là HSSV ngành du lịch ra trường không được tiếp nhận do không đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là về ngoại ngữ.” – Ông Trịnh Xuân Dũng (Tổng cục Du lịch) cho biết.
Theo ông Dũng thì hiện nay mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tham gia vào quá trình đào tạo.
Ông Hoa Hữu Lân (Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội) kiến nghị nên cho phép các doanh nghiệp được mở các trường dạy nghề tại chỗ. Loại hình này vừa không tốn kém nhiều về cơ sở vật chất lại vừa mang lại chất lượng đào tạo cao.
Ông Hoàng Ngọc Vinh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) cho biết: “Hiện nay, ở nước ta, doanh nghiệp chưa tham gia thẩm định chương trình đào tạo mà chủ yếu là Phòng GD-ĐT. Các trường ở Malaysia đều có hội đồng tư vấn chương trình đào tạo với sự tham gia của các doanh nghiệp. Mỗi năm 2 lần, các chuyên gia này tới trường tư vấn chỉnh sửa chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội với thù lao khoảng 80 USD/ngày.”
Mỗi năm, giáo viên các trường nghề ở Malaysia phải làm việc ngoài thực tế 2 tháng.
Trong khi ở Việt Nam, giáo viên dạy kế toán còn lúng túng lập sổ sách, giáo viên dạy quản lý khách sạn lại chưa bao giờ vào khách sạn 5 sao. Vì thế dẫn đến tình trạng giáo viên “né” phần thực hành.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trịnh Xuân Dũng cho rằng, phải có chính sách cho giáo viên đi cơ sở thực tế, như hiện nay, giáo viên dạy tối ngày, không còn thời gian đi thực tế nữa.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh cần quan tâm cả tới quan hệ với gia đình vì thực tế ở Trường CĐ Du lịch Hà Nội trong những năm ông còn làm hiệu trưởng cho thấy nhiều phụ huynh sẵn sàng tham gia các tour do con em mình tổ chức.
Lan Hương (Vietnamnet)

Bình luận (0)