Học sinh trường nghề trong giờ thực hành. Ảnh: M.Tâm |
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước chung cho hệ thống này vẫn là vấn đề còn nhiều băn khoăn. Dưới đây Giáo dục TP.HCM xin trích ý kiến của các nhà quản lý trường nghề về vấn đề này.
PGS.TS Phan Cao Thọ (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng):
Bộ GD-ĐT quản lý là hợp lý nhất
Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, riêng quan điểm của tôi, dạy nghề nên thuộc Bộ GD-ĐT quản lý là hợp lý. Lâu nay, hệ thống dạy nghề từ định hướng, phân luồng nghề nghiệp cho đến tổ chức đào tạo đã thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, thứ nhất: Ở bậc phổ thông, các sở GD-ĐT đều có phòng giáo dục chuyên nghiệp. Giả sử bây giờ tách ra thuộc về Bộ LĐ-TB&XH thì sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh/thành phải thành lập các phòng tương tự. Như vậy vô tình hệ thống này sẽ phình ra, đầu tư lại từ đầu rất lãng phí và cũng không có gì đảm bảo sau khi các phòng này được thành lập sẽ hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn so với ở sở GD-ĐT. Thứ hai là chúng ta cần phải quan tâm đến khâu quản lý, đào tạo, chất lượng đầu ra – các bước này lâu nay Bộ GD-ĐT đã thực hiện có hệ thống, trong khi Bộ LĐ-TB&XH chỉ đóng vai trò dự báo nguồn nhân lực, sử dụng lao động.
Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế, dạy nghề hiện nay còn tồn tại nhiều điểm yếu, chưa đạt yêu cầu của xã hội. Thế nhưng không phải vì nó yếu nên “bàn giao” lại cho Bộ LĐ-TB&XH, bởi như thế không ai dám khẳng định chắc chắn bộ này sẽ làm tốt hơn? Mà cốt yếu ở đây là phải nhìn nhận điểm yếu kém là do đâu: Do chương trình hay do đầu tư mọi mặt còn thấp… Rồi từ đó chúng ta đưa ra các đề án, các chương trình mục tiêu để đầu tư, chuẩn hóa, để cái yếu đó dần ổn định và phát triển tốt hơn. Với những phân tích như trên, Bộ GD-ĐT nên là cơ quan quản lý hệ thống dạy nghề.
Một khi chúng ta thống nhất được cơ quan quản lý thì khi đó việc tập trung xây dựng chiến lược, qui hoạch hệ thống và đầu tư một cách tập trung sẽ hiệu quả hơn.
Ông Đặng Phúc Sinh (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Úc, Đà Nẵng):
Đặt lợi ích người học ở vị trí ưu tiên
Lâu nay, hệ thống dạy nghề từ định hướng, phân luồng nghề nghiệp cho đến tổ chức đào tạo đã thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT.
|
Theo tôi, trước khi nghĩ đến việc nên giao cho bộ nào quản lý thì cần phải giải quyết triệt để 3 vấn đề mấu chốt sau, và một khi đã làm được điều đó thì việc giao quyền quản lý cho bộ nào không còn là vấn đề tranh cãi. Trước hết, ở góc độ là một cơ sở đào tạo, dù thuộc bộ nào thì cơ sở đó vẫn phải tuân thủ quy định về quản lý. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo được chương trình khung; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nguồn lực giáo viên đầy đủ… Dù thuộc bộ nào thì những điều kiện trên cũng cần có chuẩn, ít nhất là đáp ứng yêu cầu xã hội, yêu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng. Thứ hai, với người học thì phải làm thế nào để khơi dậy lòng tự tôn của họ. Làm sao để xây dựng viễn cảnh học xong không phải chỉ để làm nghề, mà còn trao cho họ niềm tin về một tương lai có thể cao hơn. Ví dụ như họ có thể trở thành một kỹ sư thực hành, hoặc cũng có thể họ sẽ trở thành người đứng trên bục giảng để truyền kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là bộ nào giải quyết được việc này? Cuối cùng, vấn đề định kiến xã hội về chữ “học nghề” vẫn còn tồn tại. Tầm 8 năm về trước, nói đến chuyện học nghề, hầu như không mấy ai quan tâm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, có một bộ phận đã biết đến trường nghề, ngoài việc nhiều học sinh trượt ĐH chọn trường nghề như một mục tiêu dự bị thì đã có nhiều em chọn thẳng trường nghề. Tuy nhiên, chỉ có học viên các trường thuộc Bộ GD-ĐT mới có cơ hội liên thông lên ĐH. Do đó, dù bộ nào quản lý thì tôi nghĩ, chúng ta làm sao để cho người học có khả năng liên thông lên thành cử nhân, kỹ sư thực hành… Bộ nào cũng có trách nhiệm làm vấn đề này để xã hội đi lên.
Như vậy, chúng ta cần ngồi lại để nhìn nhận vấn đề, đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu để giải quyết triệt để 3 vấn đề trên thì hẳn giao quyền quản lý cho bộ nào không còn là vấn đề tranh cãi, bàn cãi.
PV
Bình luận (0)