Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường nghề: Thầy yếu, trò sao giỏi!

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ký kết hợp tác giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp giữa Sở GD-ĐT TP.HCM với Singa-pore“Đào tạo nghề của chúng ta hiện nay so với một số nước trong khu vực vẫn còn hạn chế, yếu kém. Đã đến lúc phải đổi mới toàn diện việc đào tạo nghề, vấn đề cần làm trước tiên là nâng tầm nhìn của cán bộ quản lý và chuyên môn của giáo viên” – ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu trong buổi ký kết dự án hợp tác phát triển giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và Temasek Foudation, Singapore Polytechnic diễn ra ngày 22-8.

Thầy dạy nghề… còn yếu

Đất nước đang trong thời kỳ CNH&HĐH mở cửa hội nhập về mọi mặt. Yêu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội rất lớn, đặc biệt tại TP.HCM. Hiện nay giáo dục của TP có 3 vấn đề nổi cộm trong việc phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Lĩnh vực xã hội về đào tạo nghề, cơ sở vật chất-trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Qua dự án hợp tác cho thấy Sở GD-ĐT đã ưu tiên cho việc đào tạo con người, vì đây là khâu mấu chốt của mọi vấn đề. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 30 trường cao đẳng – trung cấp nghề và trung học chuyên nghiệp, trong đó 20 trường do nhà nước quản lý còn lại là các trường tư. Tuy cơ sở vật chất được thành phố đầu tư, mạng lưới trường nghề được rải đều ở các cấp quận, huyện. Và các trường này đã có những bước phát triển rất ấn tượng nhưng vẫn chưa mang tầm với các nước trong khu vực. Giải quyết vấn đề này trước mắt phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có tâm và có tầm. Việc nâng cao nhận thức và chuyên môn cho CB, GV trong các trường nghề là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Nếu có những CB quản lý, GV giỏi sẽ tạo được sức bật cho mọi vấn đề khác được cải thiện, đặc biệt trong công tác đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu xã hội. Đồng thời “đánh thức” nhận thức của xã hội về việc dạy và học nghề hiện nay. Một số GV trong ngành vẫn chưa “mặn mà” với công việc của mình, thiếu sự tìm tòi học hỏi những phương pháp giảng dạy, những đề tài nghiên cứu về chuyên môn nhằm truyền đạt cho học sinh của mình những kiến thức thực tế. Theo TS. Huỳnh Công Minh: “Hiện nay đội ngũ GV dạy giáo dục chuyên nghiệp của chúng ta đều đạt chuẩn về trình độ sư phạm trong nước. Tuy nhiên đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, cần đào tạo đội ngũ CB, GV ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới”. Do vậy mà yêu cầu CB quản lý phải có tầm nhìn, các thầy cô giáo phải có chuyên môn, am hiểu thực tế và nắm bắt nhu cầu xã hội là một yếu tố tất yếu nhằm đáp ứng cho sự phát triển ngày càng cao của xã hội.

Thực tế trong những năm qua phát triển giáo dục chuyên nghiệp là lĩnh vực mà TP.HCM chú trọng, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên để xây dựng một trường nghề, kinh phí gấp khoảng 10 lần một trường THPT. Bên cạnh nguồn nhân sự thì việc các trường nghề đòi hỏi phải trang bị nhiều máy móc thiết bị. Mặt khác về tâm lý coi trọng bằng cấp, khoa bảng vẫn còn ngự trị trong tư tưởng của hầu hết các bậc phụ huynh. Các em học sinh từ khi còn học THCS cha mẹ đã định hướng con đường là phải vào đại học, bất chấp khả năng, sở thích của con cái mình. Vì vậy việc học nghề hiện nay bị xem nhẹ. Phải thừa nhận rằng các trường nghề chưa làm cho các học sinh tin tưởng vào khả năng đào tạo của mình. Học sinh thì học theo phong trào, còn nhà trường đào tạo ra thì học sinh không làm việc được. Bài toán đầu tiên phải giải là đội ngũ CB quản lý và GV. Ông Tan Hang Cheong, Hiệu trưởng Trường Singapore Polytechnic chia sẻ: “Trong suốt những năm qua chúng tôi luôn chú trọng vào việc đào tạo nghề phải bắt đầu từ người thầy. Nếu có người thầy tốt thì sẽ có những người thợ giỏi, đáp ứng được nhu cầu lao động của đất nước”. Vì vậy, việc Singapore hợp tác, giúp đỡ Sở GD-ĐT TP.HCM học tập kinh nghiệm của những trường tiên tiến của họ về đào tạo nghề là phù hợp với điều kiện và mong muốn của ngành giáo dục TP.HCM.

Trong nhiều năm qua, chúng ta quá chú trọng dạy kiến thức cho học sinh còn yếu tố khác như: sức khỏe, tính chịu đựng còn các kỹ năng làm việc thì bị lãng quên. TS.Huỳnh Công Minh nhìn nhận: “Cái thiếu lớn nhất của CB, GV các trường là tầm nhìn, phương pháp và cách thức làm việc”. Tại Singapore học sinh được học những gì mà nhu cầu xã hội cần, học lý thuyết gắn với thực hành, các em được định hướng nghề nghiệp ngay từ THCS. Trong khi đó chúng ta chạy theo số lượng, giáo trình thì “hàn lâm” khô khan học nghề nhưng chỉ dựa trên lý thuyết. Ông Minh lấy ví dụ: Tại Trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận đào tạo công nhân cung cấp lao động cho Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian qua, chương trình đào tạo thì không có gì cao siêu, nhưng quy trình họ làm thì rất khác so với chúng ta.

“Nâng cấp” giáo viên trường nghề

Ông Engcheong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Temasek Foudation (Singapore) cho biết: “Kinh phí tài trợ cho dự án là 1,15 triệu USD, được tiến hành trong vòng 3 năm. Số tiền này chỉ dành cho đào tạo và thiết kế chương trình, còn việc mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập thuộc trách nhiệm Sở GD-ĐT TP.HCM. Tham vọng của chúng tôi là tạo ra sự thay đổi căn bản cả hệ thống giáo dục chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Theo chương trình của dự án đối tượng là các thầy cô hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phó các phòng ban; chuyên viên và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy. Bước đầu sẽ đưa 60 CB, GV của 4 trường: CĐ KT-NV Phú Lâm, Trung cấp KT-NV Thủ Đức, Trung cấp KT-NV Nguyễn Hữu Cảnh và Trung cấp KT-NV Nam Sài Gòn sẽ được học tập kinh nghiệm tại Singapore. Kết hợp những nền tảng đã có, để tạo nên sự thay đổi trong phương pháp đào tạo chưa chuyên nghiệp hiện nay của chúng ta. Không những học tập kinh nghiệm mà quan trọng nhất là học cách làm việc, thao tác và kỹ năng của trường bạn. Nhằm đưa lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM hòa chung hệ thống giáo dục của những nước tiên tiến. Theo chương trình thì giáo viên sẽ có 2 tuần học tại Việt Nam, 3 tuần học tại Singapore, do chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đào tạo nghề của nước bạn đảm trách. Ông Huỳnh Công Minh kỳ vọng: Ngành giáo dục TP.HCM luôn đi tiên phong trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế theo định hướng của nhà nước. Vì vậy với dự án hợp tác này mở ra cho giáo dục chuyên nghiệp TP cơ hội đi trước, về trước trong việc đào tạo nghề.

Văn Mạnh

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tin tưởng: “Với sự hợp tác thiện chí của phía bạn, dự án hợp tác phát triển giáo dục chuyên nghiệp giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và Temasek Foudation, Singapore Polytechnic nhất định sẽ thành công. Hi vọng sau 3 năm, dự án sẽ được nhân rộng ở tất cả các trường trên địa bàn TP.HCM và mở rộng ra 64 tỉnh thành trong cả nước”.

Bình luận (0)