Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trường nghề thu hút người học bằng cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do công tác phân luồng học sinh THCS, THPT còn kém.

Học sinh THCS tham quan mô hình đào tạo của các trường nghề tại ngày hội

Đó là nhìn nhận của đại diện các trường và chuyên gia tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp” diễn ra ngày 13-5 tại Trường CĐ Lý Tự Trọng. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp tổ chức. Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nói: “Qua buổi tọa đàm này chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến, đề xuất của các trường và các chuyên gia, từ đó có báo cáo và phối hợp để phục vụ công tác giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng được tốt hơn”.

Phân luồng chưa tốt

“Do dự báo cung – cầu chung về nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam còn hạn chế nên tạo bức tranh chưa chuẩn. Chính vì thế cần tăng cường chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. TP.HCM cần chú trọng xây dựng đề án về giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới thật “nét”, điều tiết số ngành nghề tương đối phù hợp cung – cầu”, PGS.TS Cao Văn Sâm nói.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng một trong những nguyên nhân khiến trường nghề khó tuyển sinh là các trường THPT vẫn hướng học sinh vào ĐH-CĐ. Nếu làm tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng sau THCS thì các trường nghề sẽ khắc phục được khó khăn. Trong khi đó, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn) lo ngại: “Lâu nay các trường THPT chỉ hướng dẫn học sinh làm hồ sơ xét tuyển vào ĐH và các trường CĐ sư phạm, không hề đề cập đến các trường CĐ, TC nghề”. Bà Xuân mong rằng cần có sự công bằng trong tuyển sinh ở cả hai hệ thống giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.

Để trường nghề tuyển sinh hiệu quả hơn, ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Thủ Đức) cho rằng cần quảng bá thêm Luật Giáo dục nghề nghiệp và những chính sách, chế độ đối với người học. Nếu phân luồng tốt thì các trường nghề sẽ tuyển sinh tốt hơn. Đặc biệt, ngành GD-ĐT phải định hướng đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp ngay từ bậc tiểu học, THCS để phân loại, xác định năng lực và sở thích nghề nghiệp của học sinh.

Cũng liên quan đến giải pháp tuyển sinh cho trường nghề, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng các trường nghề phải xây dựng hình ảnh của trường mình bằng chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ hướng nghiệp, đào tạo giáo viên hướng nghiệp cho các trường phổ thông và xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp chung của ngành GD-ĐT và ngành LĐ-TB&XH. TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2) thì khẳng định phải chấp nhận tâm lý của gia đình, nhà trường hướng học sinh vào ĐH, chỉ định hướng con đường đi ngắn nhất để vào ĐH. Giải pháp chủ đạo trong tuyển sinh nghề là việc làm, các trường phải luôn đón đầu xu thế, cả dự báo nhân lực và sự phát triển kinh tế – xã hội để đào tạo nghề gắn với việc làm. “Người lao động đã qua học nghề không có vị trí trong thang bảng lương thì khó mà thu hút người học”, bà Hằng nói. 

Chuyển hóa nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp

Các em học sinh trao đổi thông tin với chuyên gia tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại ngày hội

Để thu hút học sinh đăng ký vào trường nghề, bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) đề xuất thành lập cổng thông tin chung và xây dựng phần mềm tuyển sinh chung về giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tham khảo. Còn theo ông Nguyễn Quang Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo), các địa phương phân luồng theo đúng quy định của Nhà nước sẽ phần nào khắc phục được khó khăn trong tuyển sinh nghề. Về mặt quản lý Nhà nước, ông Hòa kiến nghị chương trình nghề xây dựng theo thực tế nhu cầu xã hội. Bộ LĐ-TB&XH sớm có nghiên cứu, điều chỉnh lương trình độ TC và chênh lệch giữa người lao động đã qua học nghề với người không học nghề cũng như cần chứng chỉ hành nghề cho những ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến việc đào tạo giáo viên hướng nghiệp có chất lượng để hướng nghiệp học sinh tổng quát về sở trường, năng lực… Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Cường (Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM): “Cần có danh mục nghề nghiệp để học sinh tham khảo và danh mục các trường nghề để các em biết khi đăng ký thi THPT và xét tuyển ĐH-CĐ”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất phân bố lại trường nghề ở các địa phương có học sinh không muốn vào ĐH. “Trước bối cảnh giáo dục nghề nghiệp như hiện nay, các trường nghề cần xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp, tự thân vận động để xuất hiện nhiều hơn trong xã hội. Trong tuyển sinh đừng đánh giá, tuyển học sinh qua điểm số, trên điểm thi mà đánh giá toàn diện kỹ năng để các em có điều kiện phát triển”, ông Nghĩa nói.

Hàng chục ngàn học sinh đến Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp 2017

Trong hai ngày 13 và 14-5, tại Trường CĐ Lý Tự Trọng đã diễn ra Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp năm 2017 với chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp tổ chức. Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết ngày hội nhằm tạo điều kiện để các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng cho học sinh THCS, THPT và thanh niên có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của gia đình. Qua ngày hội góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về giá trị giáo dục nghề nghiệp đối với tương lai các em trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Cao Văn Sâm (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao ý nghĩa của ngày hội do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp tổ chức, qua đó định hướng nghề nghiệp cho đối tượng học sinh THCS và THPT lựa chọn ngành nghề phù hợp, vừa có chất lượng về đào tạo, vừa có thể giải quyết việc làm cho thanh niên.

Theo thống kê, ngày hội thu hút hàng chục ngàn học sinh, thanh niên trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận tham dự. Tại đây, các bạn trẻ đã được đại diện các trường, chuyên gia nhân sự cung cấp nhiều thông tin về ngành nghề, nhu cầu nhân lực trong tương lai…

Trần An

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Ngọc Thanh (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nêu ý kiến: “Trước thực trạng tuyển sinh nghề như hiện nay, các trường phải thiết kế chương trình, mục tiêu bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hướng nghiệp cũng như đào tạo nghề”.

Để làm công tác tuyển sinh tốt phải có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, thực tế các trường có cẩm nang tuyển sinh nhưng không thiết thực, thiếu mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực gắn với việc làm, thu nhập thì không tuyển sinh được. Một giải pháp, theo ông Cao Văn Sâm (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH) là cam kết với xã hội về đầu ra. Ông cho rằng cần kết nối thông tin giữa cung và cầu, mô tả nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của thành phố.

Bên cạnh đó, ông Sâm cho rằng tốt nghiệp THPT đi học nghề có lợi thế là rút ngắn thời gian, có việc làm ngay, thu nhập cao, cơ hội thăng tiến và được học liên thông… Tuy nhiên, công tác phân luồng hiện nay chưa hiệu quả, chỉ mang định tính. Từ đó, ông đề nghị các trường phải có trách nhiệm trong chuyển hóa nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp.n

Bài, ảnh: T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)