“Nhúng” sinh viên vào môi trường thực tiễn sản xuất, kinh doanh để họ có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng là mong muốn của các cơ sở đào tạo nghề, đòi hỏi của xã hội. Thế nhưng, đã có bao nhiêu phần trăm sản phẩm đào tạo nghề thực sự biết “hành” sau khi tốt nghiệp?
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đang thực hành tại Công ty Alliance Globle Services.
Học kỳ doanh nghiệp
“Chỉ khi nào nhà trường bắt tay thực sự với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên (HSSV) đến thực tập, trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chúng tôi mới biết rõ họ cần gì, muốn gì ở nhà trường lẫn đầu ra – sản phẩm đào tạo của mình” – Đó là tâm sự của ông Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ Thủ Đức TPHCM. Để hiểu rõ doanh nghiệp cần gì, thời gian qua Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã chủ động liên kết với DN và điều chỉnh chương trình đào tạo theo yêu cầu của nhà tuyển dụng với những kỹ năng như có ý thức, trách nhiệm, biết làm việc thực thụ, vững tay nghề…
Không chỉ đưa sinh viên đến thực tập tốt nghiệp, trường còn giao quyền tự chủ cho mỗi khoa tự điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế sản xuất kinh doanh – yêu cầu sử dụng lao động của DN. Điển hình như Khoa Tài chính Kế toán đã xây dựng chương trình kế toán DN trên những bài tập cụ thể, sát với thực tế sản xuất kinh doanh của DN.
Trên cơ sở gắn với với DN, trường đã hình thành các phòng mô phỏng nghiệp vụ hoạt động nghiệp vụ tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh… Nhờ vậy, khi được tuyển dụng, sinh viên không gặp khó khăn trong thực hành công việc chuyên môn. Từ sự gắn kết mang lại hiệu quả – hai bên cùng có lợi, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức mạnh dạn xây dựng chương trình “Học kỳ doanh nghiệp” và thành lập Trung tâm Hợp tác DN nhằm triển khai, xúc tiến mô hình này. Sau khi học xong phần lý thuyết cơ bản, SV được xuống DN thực tập 2 ngày/tuần. Tùy theo thực tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, SV sẽ được DN cấp sinh hoạt phí hoặc lương sản phẩm để khuyến khích họ thực tập tốt hơn.
Ông Toàn cho rằng trên cơ sở “nhúng” HSSV vào môi trường lao động sản xuất thực tế, các em sẽ có điều kiện thể hiện kỹ năng giao tiếp của một lao động thực thụ, tiếp cận với chuyên môn, nghiệp vụ sâu hơn. Tuy gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng nhà trường quyết tâm thực hiện mô hình “Học kỳ doanh nghiệp” nhằm tạo ra những sản phẩm được xã hội tiếp nhận, rút ngắn khoảng cách giữa học và hành hiện nay.
Hiểu rõ sản phẩm của cơ sở đào tạo cũng là một loại hàng hóa và nó có được thị trường lao động đón nhận hay từ chối hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín, chất lượng đào tạo. Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TPHCM không ngừng mở rộng chương trình hợp tác với DN, đào tạo theo đơn đặt hàng, nhu cầu xã hội.
Nhờ có uy tín, thương hiệu trong đào tạo nghề, nhiều trường như CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Giao thông Vận tải, Trung cấp Du lịch – Khách sạn Saigon Touirist… đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với hàng trăm DN, nhiều khu công nghiệp ở TP trong việc đưa HSSV đến thực tập và khai thông đầu ra – giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, DN phá sản, co cụm hoạt động hoặc phải sa thải nhiều lao động nên họ đành từ chối hoặc ngần ngại đón nhận SV đến thực tập. Vì thế, không ít trường lo ngại vì khó tìm được chỗ thực tập cho SV của mình.
Ràng buộc và khuyến khích
Theo ông Đỗ Kỳ Công, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, việc đưa HSSV đến DN thực hành có lợi, tiết kiệm chi phí đào tạo như thế nào ai cũng biết nhưng không phải cơ sở đào tạo nào làm cũng được. Trừ một số ít trường đã khẳng định uy tín, thương hiệu trong đào tạo nghề được DN bắt tay hợp tác để tiếp nhận ngay “sản phẩm nóng” đạt chất lượng tuyển dụng, còn lại không dễ gì “bắt tay” với DN. Chính vì thế, dù đã hô hào, vận động DN tham gia sự nghiệp đào tạo – dạy nghề, nhưng trên thực tế nhiều DN không mặn mà hưởng ứng, thậm chí lo ngại SV đến tập sự làm hư máy móc, thiết bị, lộ bí mật công nghệ…
Câu chuyện này bao giờ mới đến hồi kết khi DN cứ ra rả kêu than sản phẩm nghề – lao động kỹ thuật nghiệp vụ không đạt yêu cầu, không biết thực hành, thiếu kỹ năng làm việc… nhưng không chịu kết hợp với nhà trường – cơ sở đào tạo nghề. Nói như các chuyên gia, thật khó chấp nhận nghịch lý khi DN chỉ thích “ngồi chơi xơi nước”, chờ quả chín để hái nhưng không tham gia công đoạn vun trồng, chăm bón cho cây.
Đầu tư cho trang thiết bị dạy nghề theo chuẩn hiện đại rất tốn kém và khó có thể bắt kịp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến mà DN đang vận hành. Vì thế, chỉ khi nào DN lĩnh hội tinh thần “cùng hội cùng thuyền”, nhiệt tình tham gia đào tạo nghề, mở rộng cửa đón HSSV đến thực tập thì sản phẩm nghề mới đạt chuẩn sử dụng. Thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục – đào tạo, trong đó có giáo dục nghề nghiệp, ngoài chú trọng đầu tư cho hệ thống trường nghề đạt chất lượng, tạo môi trường học nghề tốt nhất, Nhà nước cần có chính sách ràng buộc cộng với ưu đãi cho DN tham gia đào tạo nghề. Nếu DN không tham gia đào tạo nghề thì phải đóng góp cho xã hội khi sử dụng lao động qua đào tạo, ngược lại ai tham gia thì được miễn giảm thuế. Có như thế, khi “hái quả chín”, DN sẽ hài lòng và cơ sở đào tạo không phải “quỵ lụy” DN mở cửa đón HSSV đến thực tập.
Khánh Bình (SGGP)
Bình luận (0)