Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường nghề: Vì sao mà “ế”?

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2007, khi ngành GD-ĐT bắt đầu thực hiện "Hai không", số HS trượt tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT mỗi năm chiếm khoảng 1/3 tổng số HS dự thi. Tỷ lệ ấy không chỉ phản ánh chất lượng giáo dục mà còn thể hiện sự khiếm khuyết trong công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, để lại mối lo không nhỏ cho xã hội sau mỗi kỳ thi. Chừng nào công tác hướng nghiệp chưa được làm tốt, tình trạng ấy còn tái diễn…
Phân luồng yếu

Dạy nghề cho học sinh tại TT Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 4. Ảnh: Thu Giang

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020 đặt mục tiêu có 30% HS tốt nghiệp THCS đi học nghề, song thực tế cho thấy chặng đường tới mục tiêu ấy còn khá xa và nhiều gian nan. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT vào cuối tháng 4, ở nhiều địa phương, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề rất thấp, kể cả ở những vùng kinh tế khó khăn. Tiêu biểu như Nghệ An, chỉ có 900 trong số gần 70.000 HS tốt nghiệp THCS năm học 2007-2008 học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), chiếm tỷ lệ 1,3%. Tình trạng tương tự ở các tỉnh miền núi: Điện Biên 6,8%; Đắc Nông là 2,5%.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nếu làm tốt công tác phân luồng thì hàng trăm nghìn HS đã không phí thời gian và công sức học 3 năm THPT để cuối cùng không tốt nghiệp. Nếu được định hướng đúng, các em có thể đã có một ngã rẽ phù hợp hơn với năng lực học tập, hoàn cảnh của bản thân để vẫn đến đích là có trình độ văn hóa bậc trung học, đồng thời lại học được một nghề để tạo lập tương lai nhờ học TCCN.
Chủ trương tuyển HS tốt nghiệp THCS vào các trường TCCN đã có từ khá lâu, song thực tế vẫn có đến 90% HS đang theo học TCCN là HS tốt nghiệp THPT, hệ đào tạo nghề sau THCS luôn "ế", mỗi năm chỉ thu hút khoảng 20.000 HS, chiếm chưa tới 10% tổng quy mô tuyển sinh TCCN. Trong khi đó, theo Bộ GD-ĐT, hằng năm có khoảng 500.000 HS tốt nghiệp THCS nhưng không học lên THPT. "Bức tranh" nguồn nhân lực Việt Nam thêm mảng tối nếu số này không được đào tạo để trở thành người lao động có kỹ năng, tay nghề đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH.
Thiếu lực hút
Mặc dù chủ trương có từ lâu song dường như chỉ sau khi có "Hai không", số HS trượt tốt nghiệp THPT cao đột biến, thì việc lựa chọn theo học TCCN mới được các thí sinh để ý hơn. Để phát triển hệ thống các trường TCCN, Bộ GD-ĐT không chỉ cho phép đào tạo liên thông lên CĐ, ĐH mà còn có chính sách khuyến khích HS chưa tốt nghiệp THPT vào học TCCN. Năm học 2009-2010, các trường TCCN của Hà Nội cũng dành 1.900 chỉ tiêu cho HS tốt nghiệp THCS.
Tuy nhiên, lực hút HS THCS đến với các trường TCCN dường như chưa đủ mạnh để đem lại hiệu quả cần thiết. Cả nước hiện có trên 500 cơ sở đào tạo TCCN với hơn 600.000 HS, song kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT cuối năm 2008 cho thấy chất lượng đào tạo của các trường nhìn chung thấp, hầu hết không đáp ứng được tỷ lệ 70% thời gian dành cho thực hành, nên sản phẩm đào tạo không đáp ứng được yêu cầu thị trường. Một trong những nguyên nhân, ngoài hạn chế về trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng dạy, sự bất cập của nội dung chương trình, là mức chi ngân sách dành cho TCCN chưa đủ. Từ năm 2001 trở lại đây, ngân sách đầu tư theo chương trình mục tiêu cho khối TCCN chỉ tăng từ 25 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
Trên thực tế, hệ thống giáo dục đào tạo nghề chưa gắn kết được với cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường lao động. Hầu hết các trường TCCN mới chỉ đào tạo theo cái mình có, chứ chưa đào tạo theo cái mà doanh nghiệp cần, dẫn tới tình trạng thiếu lao động có tay nghề, nhiều sinh viên ra trường thiếu việc làm. Theo Bộ GD-ĐT, có tới 50% số HS sau học nghề và đang làm việc tại các doanh nghiệp cần phải đào tạo lại.
Việc phân luồng sau tốt nghiệp THCS chưa đạt hiệu quả như mong muốn còn do nhận thức của phần lớn người dân đối với giáo dục nghề nghiệp. Quan niệm vào ĐH là con đường tốt nhất để lập nghiệp khiến không ít HS, dù không đủ năng lực, vẫn cố sức để học tiếp lên bậc học cao hơn, vừa tốn kém không cần thiết vừa mất thời gian. Hậu quả dễ thấy là áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và ĐH, CĐ không những không giảm như mong muốn mà ngày càng thêm căng thẳng, phức tạp; hiện tượng gian lận, tiêu cực cũng nảy sinh từ đó.
Việc tìm lời giải cho bài toán phân luồng sau THCS đã được đặt ra từ lâu và trước tiên cần sự chủ động, tích cực của chính mỗi trường nghề trong việc thu hút HS.
Thống Nhất (HNM) 

Bình luận (0)