Được tuyển dụng, đăng ký vị trí việc làm khi chưa tốt nghiệp, người học ở trường nghề rất vui mừng. Kết nối với doanh nghiệp để làm được điều này, xem như các trường đã xây dựng được niềm tin đối với người học trong thực hiện cam kết đầu ra.
Sinh viên đăng ký vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm do Trường CĐ Kinh tế TP.HCM tổ chức tháng 3-2019
Tại ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức tuần qua, Nguyễn Trí Dũng (sinh viên nghề điện – điện lạnh của trường) cho biết việc nhà trường kết nối với doanh nghiệp giới thiệu việc làm và tuyển dụng làm cho người học tin tưởng và có động lực tập trung học tập, không phải lo nghĩ đến chuyện tìm việc làm. Được biết tại ngày hội, Dũng đã được một công ty tuyển dụng với mức lương 9 triệu đồng/ tháng khi mới bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
Tương tự, dù chưa đến ngày nhận bằng tốt nghiệp nhưng Quất Văn Hào (học sinh nghề cơ điện tử Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) đã được một doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm trên 8 triệu đồng/tháng. Hào nhìn nhận: “Với các ngành nghề kỹ thuật trình độ TC-CĐ hiện không khó tìm việc, tuy nhiên qua kênh tuyển dụng tại trường thì yên tâm hơn bởi trước khi hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường cũng đã sàng lọc chọn nơi có uy tín”.
Ông Phạm Văn Thành (Trưởng khoa Điện – Điện lạnh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) khẳng định ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp của trường hàng năm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Đây là những doanh nghiệp có uy tín, đảm bảo mức lương thỏa đáng, luôn tạo điều kiện thăng tiến cho người lao động. “Không chỉ sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm mà sinh viên còn theo học năm cuối vẫn có thể lựa chọn đăng ký vị trí việc làm tại ngày hội”, ông Thành nói.
Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức) cho rằng đặt bàn tuyển dụng học sinh, sinh viên tại trường chính là xây dựng niềm tin nơi người học cũng như phụ huynh. Điều này chứng minh các trường cam kết có việc làm cho người học sau khi ra trường là thật chứ không phải nói suông để tuyển sinh.
Đề cập đến giải pháp thu hút tuyển sinh nghề, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đánh giá cao việc các trường hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng cũng như đảm bảo đầu ra cho người học. Ông Lâm cũng yêu cầu các trường phải chủ động hợp tác không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn doanh nghiệp FDI để họ tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo và đánh giá chất lượng. Tuy nhiên, để doanh nghiệp mặn mà, chủ động hơn thì nội dung hợp tác phải thể hiện rõ trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp, trong đó quyền lợi người học là trên hết. “Các trường không nên chạy theo số lượng mà phải đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp hợp tác phải có uy tín, lâu dài”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, Giám đốc Công ty TNHH Thái Trung – ông Lý Đình Trung cho biết những năm gần đây chất lượng đào tạo của nhiều trường nghề đã nâng lên rõ rệt, sau tuyển dụng là người lao động có thể làm việc được ngay. Đó chính là điểm mạnh để doanh nghiệp chủ động tìm đến các trường tuyển dụng nhân lực. “Nếu có đào tạo lại thì chủ yếu tập trung đào tạo về văn hóa doanh nghiệp, những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử…”, ông Trung khẳng định.
Đại diện bộ phận tuyển dụng của Công ty TNHH Samsung Vina cho biết, khi các em còn học năm 3, thậm chí năm thứ 2 ngành điện tử nhưng có năng lực vượt trội, kỹ năng tốt, chịu khó… là công ty đến “đặt cọc” trước. “Chúng tôi không ngại trả lương cao nếu họ làm được việc, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi”, vị đại diện này nói.
T.Anh
Bình luận (0)