Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường “nghèo” ế ẩm

Tạp Chí Giáo Dục

Không có một văn bản nào phân loại trường “giàu” (trường trọng điểm, trường có “thương hiệu”), trường “nghèo” (trường nhỏ, nằm ở khu dân cư lao động), nhưng thực tế đã mặc nhiên hình thành hai loại trường trên. Dù đã có nhiều cố gắng trong nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng mỗi năm đến mùa tựu trường, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu khiến hiệu trưởng các trường “nghèo” không khỏi chạnh lòng.
“Vượt” chuẩn ngoài ý muốn
Năm học 2011 – 2012, Trường tiểu học Lê Chí  Trực, Q.3, TP.HCM có niềm vui mới là vừa được sửa chữa với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Sân chơi của trường rộng rãi hơn, có thêm phòng vi tính, dù học sinh (HS) vẫn như năm ngoái, khoảng 90 em vào lớp 1, so với chỉ tiêu tuyển 116 HS. Tương tự, Trường tiểu học Phan Văn Hân chỉ tiêu bốn lớp (117 HS) nhưng HS nộp đơn vào chỉ có ba lớp. Trường THCS Kiến Thiết, Q.3, với “dư âm” trường bán công nên cho dù đã chuyển sang hệ công lập mấy năm nay nhưng vẫn chỉ tuyển được bảy lớp 6  (gần 200 HS), mỗi lớp gần 30 em, ít hơn chỉ tiêu được giao là tám lớp với 382 HS.
Ở Q.1, cơ sở vật chất  của Trường tiểu học Trần Quang Khải cũng “lột xác” như Trường tiểu học Lê Chí Trực, vừa được cải tạo khang trang hơn nhưng HS cũng đi đâu “mất tiêu”. Do vậy, số HS lớp 1 nhập học tại trường chỉ khoảng 90 em, dù địa bàn tuyển sinh khá rộng, gồm HS ở phường Tân Định, Đa Kao.  Nằm ở khu vực trung tâm, Trường Văn Lang, Đồng Khởi, Q.1 nhiều năm nay cũng hiu hắt trong các mùa tuyển sinh. Trường tiểu học Điện Biên, Q.10 có kế hoạch tuyển bốn lớp 1 (120 HS) nhưng thực tế chỉ tuyển được 27 HS.

Dù cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc HS, Trường Tiểu học
Điện Biên (Q.10, TP.HCM) cũng chỉ tuyển được 27 HS lớp 1 trong năm học
này – Ảnh: Phùng Huy
Những em HS không vào trường đi đâu? Theo nhận định của các trường thì HS có điều kiện sẽ “chạy” vào những trường có tiếng. Năm học này, một vài “đại gia” hiếm hoi của các trường cũng rút đơn xin đi trường khác.  Do vậy, sĩ số của các trường “nghèo” “vượt” cả chuẩn quốc gia. Trong khi năm học 2011 – 2012, theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhiều trường của TP.HCM có sĩ số HS/lớp tiếp tục tăng cao. 
“Nghèo” kéo theo “khó”, “khổ”
Trường "nghèo" ở quận trung tâm bị người nhà “chê” nhưng dân quận khác lại “nhào vào”. Anh Ngô Phú Cường, ngụ ở Q.8, có con đang học lớp 3 Trường tiểu học Phan Văn Hân, nhận xét: giáo viên (GV) của trường dạy tốt, quan tâm đến HS. Anh Cường cho biết lý do vì sao mình chịu khó đưa rước con một quãng đường dài: “Vì trường đúng tuyến ở Q.8 không có bán trú, xin trường khác gần đó khó khăn quá! Đến Trường Phan Văn Hân thì được chấp nhận mà không phải tốn  kém gì hết”.
“Trường "nghèo" nên tuyển hết!”, Ban giám hiệu Trường Lê Chí Trực cho biết. Trường nhận toàn bộ con em của dân nhập cư trong khu vực, những người buôn bán ở  chợ Vườn Chuối, cả những trẻ bán vé số… Tuy nhiên, trong lòng tập thể trường "nghèo" luôn có những nỗi niềm riêng. Một hiệu trưởng nhớ lại: lãnh đạo có quan điểm những trường thu hút hết HS vì GV dạy giỏi nên chất vấn các trường: GV trường anh dạy như thế nào mà để trường không đủ HS(?). Nghe "phán" như thế vừa mặc cảm, vừa ấm ức. Chất lượng giảng dạy, ngoài nỗ lực của đội ngũ GV, còn phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của phụ huynh (PH). PHHS trường “giàu” hễ con điểm kém một chút là mướn gia sư hay cho con đi học thêm. Trong khi đó, HS trường “nghèo” đa số thuộc thành phần con em lao động (chạy xích lô, ba gác, xe ôm…), dân nhập cư… nên cha mẹ không bắt con em nghỉ học đi bán vé số đã là mừng lắm rồi! Trường “nghèo” miễn học phí học thêm  mà HS còn không thèm học. Nói vậy để thấy chất lượng  đi lên không chỉ dựa vào nhà trường mà còn nhờ PH, nhờ “đầu vào”.
Trường Điện Biên (Q.10) năm học này chỉ tuyển được 27 học sinh lớp 1.
Ảnh: P.Huy
Một hiệu trưởng khác tâm tư: trường “nghèo” thường nhỏ, cơ sở vật chất yếu kém nên không thu hút “con mắt” của PHHS. Mấy năm trước, nhà trường xin quét vôi cho trường nhìn mới mẻ hơn mà không được duyệt, trong khi những trường “lớn” hễ xin là có. Trường “nhỏ” xếp hàng sau chót, chỉ được duyệt khi trường “giàu” đã “phủ phê”. Chính tình trạng cơ sở vật chất xập xệ kéo dài đã in dấu trong đầu PHHS, rằng trường “xấu” đồng nghĩa với  chất lượng giảng dạy không tốt, khiến số lượng HS qua mỗi năm một giảm.
Điều gì sẽ xảy ra khi chỉ tiêu không đạt? Hiệu trưởng các trường cho biết: số lượng HS ít làm thu nhập tăng thêm của GV hầu như không có. Các hoạt động văn thể mỹ ở trường cũng “èo uột” vì thiếu người và kinh phí. Do đó, hễ nghe trường “lớn”, trường “giàu” có GV sắp nghỉ hưu là một số GV trường “nhỏ” tìm mọi cách “chạy” về các trường này. Đây là một thực tế đau lòng mà lãnh đạo phải nhìn nhận. 
Tuyệt chiêu của trường “nghèo”
Trường “nghèo” nỗ lực làm nhiều nhưng thành tích khó nổi trội, mỗi một bước tiến của trường “nghèo” luôn thầm lặng và vất vả. “Tuyệt chiêu” chung của những trường “nghèo” là cấp phát học bổng cho HS nghèo khó. “Nhiều em HS nghèo lắm, sức mình không lo hết được, cấp học bổng phải xét từ trên xuống. Có em đóng tiền trường chỉ được tháng đầu rồi… ngưng, nếu bị  trường đòi là nghỉ học. Không chỉ miễn phí tiền ăn,  trường còn phải lo tiền bán trú cho các em. Năm học mới đã bắt đầu mà vẫn còn có em nợ  tiền trường năm cũ”, các hiệu trưởng trường “nghèo” cho biết. Bên cạnh “tuyệt chiêu” chung, mỗi một trường “nghèo” có “chiêu” riêng để giữ học trò. Những “chiêu thức” đó không màu mè mà thiết thực, xuất phát từ tình thương và trách nhiệm đối với những học trò nghèo lam lũ.
Ở Trường tiểu học Trần Quang Khải,  HS nghỉ hai ba ngày là GV phải đến nhà tìm hiểu nguyên nhân. Mỗi đầu năm nhà trường cấp miễn phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho HS nghèo. Kiểm tra học kỳ, HS Trường Lê Chí Trực ngủ quên, vắng mặt, bảo vệ của trường phải đến tận nhà chở đi thi. PHHS khoán trắng cho nhà trường “trăm sự nhờ thầy cô”, GV dạy phụ đạo miễn  phí 100%, còn tặng tập, viết, sách, đồng  phục cho các em. Trường THCS Kiến Thiết chia nhiều lớp với sĩ số ít, chưa đến  30 em/lớp, không “kinh tế” nhưng GV dễ dạy, HS “đầu vào thấp” dễ tiếp thu… 
“PHHS bỏ trường, chúng tôi tủi nhưng không trách PH. Nhà trường phải thay đổi, bắt đầu sự thay đổi  về chất lượng giảng dạy, giáo dục nhân cách cho HS từ những việc nhỏ như  “thấy rác nhặt ngay”, rèn kỷ luật, nền nếp, vì có kỷ luật mới học tốt. Trong ba năm sau, trường hy vọng PHHS sẽ “yêu quý” trường hơn” – ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Thiết nói. 
Theo Hồng Liên
(PN)

Bình luận (0)