Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ngoài công lập, 10 năm nhìn lại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Kỳ 2: Còn những con sâu làm rầu nồi canh
Như bài trước chúng tôi đã ghi nhận sự đóng góp rất lớn của hệ trường ngoài công lập. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít đơn vị hệ trường này chưa thật sự đặt tâm huyết cho giáo dục còn gây ra nhiều phiền lụy cho phụ huynh. Thậm chí, có đơn vị đặt quá nặng chuyện kinh doanh.
Những trường ra quy định lạ đời…
Vụ việc một trường THPT tư thục tùy tiện tịch thu hàng chục máy điện thoại di động của học sinh và không chịu trả lại dù nhà trường đã cam kết với Sở GD-ĐT TP.HCM, khi vụ việc được báo chí phản ánh. Một thầy giáo nguyên hiệu trưởng một trường THPT và nay là thành viên trong Hội đồng quản trị một trường THPT tư thục đã nói: “Giáo dục mà làm như vậy thì chẳng ra thể thống gì cả”. Còn Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM nói: “Họ không trả lại cho học sinh hay phụ huynh điện thoại di động đã tịch thu trái phép là sai. Nhưng thanh tra không có quyền hạn để bắt họ phải trả”. Vậy không lẽ bó tay? Nhiều học sinh của trường này bức xúc và cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Bởi mình đòi nhưng họ không trả thì biết phải làm gì đây? Không lẽ vì cái điện thoại phải nhờ đến cơ quan pháp luật? Một trường THPT tư thục khác cũng có quy định lạ đời: học phí và các khoản khác đã nộp cho trường rồi thì không được hoàn trả, dù chưa học một tiết nào. Không ít phụ huynh phải cay đắng chịu mất tiền. Ông Bùi Phương nhà ở Xuân Lộc, Đồng Nai xót xa nói: “Đây là những đồng tiền có được từ mồ hôi và nước mắt của gia đình chúng tôi. Nộp tiền gần chục triệu đồng ngày hôm trước, ngày hôm sau xin nhận lại vì con tôi không muốn học ở trường này. Vậy mà nhà trường không chịu trả, tôi thấy quá vô lý”. Bà Lê Thị Đào ở Đồng Nai thì nức nở nói: “Từ sáng đến giờ tôi và nhiều người xin nhận lại số tiền cơ sở vật chất, học phí học hè vừa mới nộp nhưng nhà trường dứt khoát không hoàn trả. Dù con chúng tôi chưa học một buổi nào”. Khi biết vụ việc này, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nam cũng bó tay. Vì nó nằm ngoài quyền hạn của ông!
Cơ sở toàn thuê mướn
Trong tổng số các trường ngoài công lập tại TP.HCM chỉ lác đác vài trường đã tích lũy được lợi nhuận để đầu tư vào việc xây dựng Trường như THPT TT T.V.K, TT N.K, TT H.Đ, TT T.B… Còn lại các đơn vị khác, hầu hết đều thuê mướn mặt bằng, nhà xưởng từ các đơn vị hoặc cá nhân. Chính vì thế dẫn đến hệ quả đầu tư cho giáo dục chưa sâu và tất nhiên chất lượng đào tạo cũng chẳng ra chi. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 là một minh chứng rất cụ thể. Quá nhiều trường THPT ngoài công lập đạt tỷ lệ chỉ 30 đến 40%. Thậm chí có đơn vị chỉ đạt hơn 20%. Trong một lần trò chuyện với báo chí, khi đề cập đến sự hiện diện quá nhiều trường tư thục, dân lập, Giáo sư Phạm Phụ đã nói: “Kinh doanh giáo dục là siêu lợi nhuận”. Và ông đưa ra khá nhiều dẫn chứng cụ thể. Phải chăng vì quá siêu lợi nhuận, nên bất chấp tất cả? Cụ thể việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, một vài đơn vị đã minh họa trường mình đầy cây cảnh với những thảm cỏ… Hay tự cho rằng dạy theo phương pháp tiên tiến; đội ngũ giáo viên tên tuổi… Thực chất đó chỉ là sự thổi phồng để lừa phỉnh phụ huynh, học sinh. Có trường còn quảng cáo trên một vài đài truyền hình tỉnh đã đưa hình ảnh trường mình quá đẹp với thảm cỏ xanh mơn mởn; phòng học và phòng ở toàn máy lạnh… Tất cả đều là ảnh “ảo”. Vì thực tế, trường này thuê mướn mấy nơi với phòng học và phòng ở vô cùng chật chội và nóng bức.
Đến lúc cần chấn chỉnh
Trước đây, việc cấp giấy phép mở trường học, rất ít chủ đầu tư xin giấy phép của Sở GD-ĐT TP.HCM. Họ thường xin giấy phép của Sở Kế hoạch – Đầu tư. Sở dĩ, họ không chọn Sở GD-ĐT để xin giấy phép là vì những điều kiện để xin giấy phép thành lập một ngôi trường đòi hỏi rất nhiều. Từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho dạy và học. Chúng tôi không tiện nêu tên những trường điều kiện cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn như: phòng làm việc của Ban giám hiệu quá bé; sân chơi chật hẹp, học sinh ra chơi chỉ biết tìm đến căn – tin; phòng thí nghiệm thực hành thiếu… Được biết, hiện nay lực lượng Thanh tra Sở quá mỏng và quá thiếu nên công tác thanh tra có hạn chế. Dù thế, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cần có kế hoạch thanh tra toàn diện hệ trường ngoài công lập.
T.T.Q

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)