Các trường NCL cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để phát triển đúng với định hướng và chức năng giáo dục. Ảnh: HS Trường THCS-THPT Trí Đức trong giờ học |
Ngày 26-4, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trường ngoài công lập (NCL). Qua các ý kiến cho thấy, số lượng trường NCL ngày càng nhiều nhưng chất lượng thì chưa tương xứng…
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay toàn TP có 182 trường THPT, trong đó có 85 trường NCL. Các trường đang dạy cho 45.908 học sinh, trong đó học sinh ngoài tỉnh là 19.863 em (chiếm 43,26%)…
Một năm có thêm 15 trường
Trong khi hệ thống trường công lập trầy trật lắm mỗi năm mới xây thêm được 2-3 trường, thậm chí có những năm không có trường nào thì ở hệ thống NCL trung bình mỗi năm có từ 3-5 trường được thành lập. Đặc biệt, “Trong 3 năm gần đây số lượng trường mới thành lập tăng nhanh. Cụ thể, năm 2009 có 10 trường, năm 2010 thành lập 15 trường, năm 2011 thành lập 11 trường. Về cơ sở vật chất, phần lớn các trường NCL được xây dựng trên cơ sở cải tạo các khu nhà hoặc nhà xưởng có diện tích lớn. Một số trường đạt chuẩn nhưng vẫn còn nhiều trường chưa thực hiện cam kết xây dựng giai đoạn 2. Ngoài ra, các nhà đầu tư chỉ muốn mở thêm nhiều cơ sở tại các vùng đông dân hơn là xây dựng trường đạt chuẩn (chẳng hạn như Trường Á Châu có tới 11 cơ sở – PV)”, ông Thái Quốc Tuấn – Phó phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Sơn – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Duy Tân tâm tư: “Khi thấy trên địa bàn quận có miếng đất đã được quy hoạch cho giáo dục, chúng tôi mừng lắm. Nhưng khi tìm hiểu thì được chính quyền địa phương cho biết, đất đó dành để xây dựng trường công lập”. Đồng tình với cách giải thích của bà Sơn, bà Tô Thu Thủy – Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Nam Mỹ kể lại: “Chúng tôi làm đơn gửi nhiều ban ngành ở Q.8 với mong muốn được thuê đất có diện tích lớn để xây dựng một ngôi trường đúng chuẩn quy định. Sau 50 năm sẽ hiến cho Nhà nước. Tuy vậy, chỉ nhận được câu trả lời chung là không có đất”…
Mới đây, Sở GD-ĐT TP đã tiến hành kiểm tra một số trường NCL. Qua đó cho thấy, 18 trường có diện tích nhỏ, 9 trường không có sân chơi, 6 trường không có thư viện, 17 trường thiếu các phòng thực hành thí nghiệm… Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất là do các trường tự chủ động sắp xếp, điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện phát triển và dự án xây dựng trường đã trình ký với UBND TP. Sở sẽ ngưng hồ sơ hoạt động của đơn vị nếu xét thấy cơ sở vật chất không đạt yêu cầu.
Đặc biệt có tới 39 trường chưa đảm bảo đúng tỷ lệ giáo viên cơ hữu theo quy định. Giáo viên dạy bộ môn giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc còn thiếu và chưa đạt chuẩn…
Hiệu trưởng và chủ trường phải có tiếng nói chung
Bà Sơn, Trường Duy Tân cho rằng, HĐQT cần quan tâm nhiều hơn nữa về công tác chuyên môn, không nên chỉ để một mình hiệu trưởng ôm hết việc dẫn đến cả hai không có tiếng nói chung. “Nhiều người cho rằng chương trình học hiện nay là quá tải, quá nhiều nhưng bản thân tôi lại cho như thế là đủ. Với những học sinh (HS) trường công lập, nếu các em vi phạm nhà trường sẽ xét theo nội quy để có hình thức xử lý nhưng với HS trường NCL thì lại khác. Chúng tôi vừa phải dạy vừa phải dỗ, thậm chí là năn nỉ bởi vì các em rất “quậy”. Nhà trường phải sắp xếp giờ học sao cho hấp dẫn, hợp lý và luôn phải theo dõi các em vì cứ rời sách vở là các em lại lộn xộn, đánh nhau. Hiện nay, việc quản lý HS, công tác chuyên môn thường được nhiều trường NCL quy trách nhiệm về cho hiệu trưởng trong khi bản thân HĐQT lại ít khi tham gia công tác chuyên môn”, bà Sơn nói.
Đồng ý với ý kiến cho rằng HĐQT cần tham gia vào công tác chuyên môn của nhà trường, ông Chương – Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh: “Đầu tư cho giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, khác hẳn với các lĩnh vực kinh doanh khác. Do đó, chúng tôi yêu cầu HĐQT các trường phải có kế hoạch đầu tư tương ứng với mục đích và chức năng giáo dục của nhà trường. Lãnh đạo sở rất hài lòng với những nhà đầu tư đã từng là quản lý các trường học trước đây và những HĐQT có tâm huyết với ngành GD-ĐT”. Ông Chương cũng yêu cầu các trường trong thời gian tới cần xem xét lại việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên, quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường. Ngoài ra, các trường cũng phải quản lý chặt chẽ về những quy định chuyên môn, cơ chế quản lý cũng như quyết định bổ nhiệm cán bộ trường học theo đúng quy định yêu cầu.
Để các trường NCL hoạt động tốt hơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho rằng: “Nên thành lập câu lạc bộ chủ trường, hiệu trưởng các trường NCL. Qua đó, các trường sẽ học hỏi kinh nhiệm và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Về phía sở, sẽ thường xuyên giao ban với các trường NCL như đang thực hiện ở khối trường công lập”…
Kim Anh – Ngọc Anh
Bình luận (0)