Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ngoài công lập đang đuối

Tạp Chí Giáo Dục

Với phương thức tuyển sinh ba chung, nhiều trường ĐH ngoài công lập có nguy cơ đóng cửa

Ngày 20-10, hội nghị bàn về tuyển sinh đã diễn ra tại TPHCM do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức.
GS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, chia sẻ một thực trạng đáng buồn là sau khi thành lập, các trường ngoài công lập đóng thuế không khác gì một doanh nghiệp, chưa kể còn chịu dư luận không tốt từ xã hội. Ngay như Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh là do bộ giao xuống các trường nhưng cách tuyển sinh ba chung lại làm khó các trường bởi điểm sàn.
Ông Lượng cho rằng sai lầm lớn nhất hiện nay là quan niệm trường ĐH là doanh nghiệp. Đối tượng hoạt động của trường học là con người, sản phẩm cũng là con người thì không thể xem đây là doanh nghiệp. Trên thế giới, không có trường ĐH nào có chuyện lên sàn hay phá sản.
Nói đến việc coi trường ĐH, CĐ là doanh nghiệp, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, không khỏi bức xúc khi cùng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội nhưng trường ngoài công lập không hề được hưởng chính sách từ Nhà nước. Ông kể khi thành lập, trường phải vay tiền ngân hàng để mua đất, mảnh đất ấy lại bị thu hồi và cho trường làm hợp đồng thuê lại. Thế nên trường vừa phải trả lãi suất ngân hàng vừa trả tiền thuê đất. Ông ước tính khoảng 10 năm nữa, trường sẽ phá sản.
TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, cho rằng trong khi các trường công lập đã được chi ngân sách hằng năm lại còn tuyển thêm hệ B (hệ chất lượng cao, hệ ngoài ngân sách…), có khác gì giành nguồn tuyển với trường ngoài công lập bằng cạnh tranh giá rẻ. Trường công lập chỉ nên đào tạo sinh viên trong ngân sách.
Ông Lê Hồng Minh đề nghị Nhà nước nên xóa bỏ cơ chế bao cấp trong giáo dục. Cái gì không đủ sức thì giao cho dân làm, đó mới là xã hội hóa giáo dục. Ngân sách Nhà nước không nhiều nên cần tập trung chi cho 3 đối tượng: trường trọng điểm đào tạo nhân tài theo hướng nghiên cứu; trường học, sinh viên vùng sâu, vùng xa; những ngành học không thể giao cho tư nhân như an ninh quốc phòng, khoáng sản… Không nên như hiện nay, trường công đào tạo đủ hệ: liên kết đào tạo, liên thông, từ xa, tại chức…
TS Nguyễn Thị Chim Lang, Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng tuyển sinh ba chung còn tồn tại là vì kết quả kỳ thi tốt nghiệp hằng năm không được tin cậy. Điển hình là có tỉnh năm thì hơn 30% học sinh đậu, có năm lại hơn 90%. Vì thế, nếu bỏ ba chung, chuyển sang cho các trường ngoài công lập xét tuyển thì phải đầu tư kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thực chất.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, đề nghị nên tập trung bài thi, đề thi của kỳ thi THPT cho chuẩn xác để sau khi tốt nghiệp, không vào được ĐH, CĐ thì các em có thể đi học nghề, chuyên nghiệp. Kỳ thi ba chung không chỉ gây thiệt thòi cho trường ngoài công lập mà còn cho các trường ở xa.

GS-TS Đào Văn Lượng cho rằng bỏ thi ba chung là tất yếu nhưng phải có lộ trình, có thể đầu tiên là chuyển thành hai chung. Dù các trường có chung phương thức đánh giá nhưng cách lựa chọn đầu vào là để tự mỗi trường làm lấy.

Theo Minh Quyên
(NLD)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)