Một tiết học tại Trường Đại học dân lập Phương Đông (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Làm thế nào để phát triển được hệ thống các trường ngoài công lập? Những khó khăn, rào cản hiện nay đối với loại hình trường này như thế nào? Đây là những câu hỏi đã được đưa ra và tìm kiếm lời giải tại hội thảo “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Trường ĐH Hòa Bình, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Chưa ngã ngũ lợi nhuận hay phi lợi nhuận
Tại hội thảo lần này, một lần nữa các đại biểu lại nêu lên vấn đề lợi nhuận hay phi lợi nhuận tại các trường ngoài công lập hiện nay. Dường như, ngay bản thân các trường cũng còn đang chưa tường minh về vấn đề này. Theo ông Phạm Sĩ Tiến (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) thì xã hội chưa hiểu rõ thế nào là lợi nhuận và phi lợi nhuận. Thực tế trường nào cũng phải có số dư, 2, 3 năm đầu họ phải chịu lỗ để xây dựng, sau đó mới có số dư nhưng phải sử dụng số dư này cho đúng thì gọi là phi lợi nhuận. Ông Tiến cũng khẳng định nếu không có lợi nhuận thì không ai làm.
Vì mỗi người hiểu lợi nhuận và phi lợi nhuận theo một nghĩa khác nhau nên các trường chưa xác định được mình sẽ hoạt động theo mô hình nào: Vì lợi nhuận hay không? Sự mập mờ giữa tư tưởng lợi nhuận – phi lợi nhuận của các trường tư thục khiến hoạt động của nhiều trường rất rối. Nhiều trường nội bộ mất đoàn kết, cãi nhau cũng chỉ vì tiền do chưa hiểu được bản chất của vấn đề. Thực tế, ở Việt Nam, việc phát triển theo mô hình các trường ngoài công lập phi lợi nhuận là rất khó do chúng ta không có thói quen làm từ thiện. Bất cứ nhà đầu tư nào khi bỏ tiền ra xây dựng trường cũng đều nghĩ đến việc thu hồi vốn và có lãi. TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập) thì kiến nghị: Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH. Cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận. Trong đó, xây dựng và ban hành quy chế cũng như các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở giáo dục ĐH không vì lợi nhuận. Khi xây dựng quy chế có thể chấp nhận mô hình trường ĐH tư thục theo kiểu cho phép nhà đầu tư được nhận tiền lãi với tỷ lệ hợp lý, xem như là phần thưởng. Để làm được điều này cần xác định, những cơ sở giáo dục ĐH nghiêm túc chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng để được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được hưởng ưu đãi.
Còn đối với người học, dư luận vẫn quan niệm đã là phi lợi nhuận thì học phí phải thấp. GS.TSKH Đặng Ứng Vận (Trường ĐH Hòa Bình) cho rằng phi lợi nhuận không có nghĩa là không được thu học phí cao. ĐH Havard là một trường tư thục phi lợi nhuận nhưng học phí của họ cũng là 50.000 USD/năm. PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, nếu không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và kiểm soát của xã hội đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo vì lợi nhuận có thể sẽ dẫn đến sự sai lệch trong mục tiêu giáo dục vì chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó mục tiêu nền tảng của GD-ĐT phải là GD và ĐT, không phải là vì kiếm tiền, do đó chức năng, bản chất của nhà trường có thể mâu thuẫn với việc thực hiện lợi nhuận. Thực hiện được điều đó mới có thể phát triển hệ thống trường ngoài công lập theo đúng vị trí, vai trò thực thụ nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, hệ thống các trường ngoài công lập sau gần 25 năm hình thành, phát triển vẫn còn thiếu hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh để điều tiết hệ thống này. Vấn đề nóng nhất hiện nay trong giáo dục ngoài công lập chính là vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận cũng như trường công, trường tư. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục ĐH trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 và đang trong quá trình hoàn thiện.
Khó đạt theo chuẩn
Cũng theo ông Tiến, rào cản hiện nay đó là một số vấn đề quá khắt khe, chưa có lộ trình. Ví dụ như trường mới thành lập đã yêu cầu 25 SV/giảng viên cơ hữu thì 2, 3 năm đầu họ lấy tiền đâu để trả lương cho giáo viên cơ hữu. Vấn đề nữa là tiêu chí về đất. Điều này thực sự là khó cho các trường ngoài công lập. Trong khi các trường quốc tế đến Việt Nam không thấy bộ yêu cầu phải có bao nhiêu đất nhưng các trường ĐH Việt Nam thì lại phải đạt 25m2/SV. Điều này là bất công. Các trường ngoài công lập của Việt Nam có đi thuê cơ sở vật chất thì họ cũng phải thuê đúng, thuê chỗ tử tế cho sinh viên học tập. Nếu cho họ đất, họ không xây mới kêu nhưng đây có cho đâu, họ lại khó khăn. Chính vì vậy nhiều trường tỏ ra rất lo lắng với kế hoạch thanh tra sắp tới của Bộ GD-ĐT đối với cam kết thành lập của các trường ngoài công lập.
GS.TS Bùi Thiện Dụ (Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phương Đông) thẳng thắn cho rằng việc bộ đưa ra quy định các trường bảo đảm 25 SV/giảng viên sẽ buộc các trường phải đầu tư cho đội ngũ nhiều hơn.
GS.TS Đặng Ứng Vận (Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình) phân trần: “Các dự án khả thi không thể gọi là các bản cam kết, vì từ mong muốn của người sáng lập đến thực tiễn khả năng thực hiện là… khoảng cách lớn. Nếu bộ nói trước đề án khả thi chính là bản cam kết thì chắc chắn các đề án sẽ giảm quy mô rất nhiều”. GS. Vận phân tích: Yêu cầu của bộ là 25 SV/giảng viên, theo quy chuẩn, một giảng viên có ba cán bộ quản lý và phục vụ thì học phí SV phải là 20 triệu đồng/năm, không phù hợp với điều kiện đa số dân cư hiện nay.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn, các chính sách về giáo dục của Nhà nước thay đổi thường xuyên dẫn đến phát sinh nhiều công việc trong quản lý và xử lý các công việc sự vụ. Tại TP.HCM, số lượng các trường mầm non ngoài công lập khá lớn, một số trường tọa lạc tại những khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân nhập cư đông. Phần lớn phụ huynh gửi con ở các nhóm lớp tư thục đều là dân lao động nghèo, việc làm và nơi ở không ổn định, vì vậy, học phí của các trường này thường thấp đã phần nào ảnh hưởng đến điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)