Năm học 2023-2024, hệ thống giáo dục tư thục, ngoài công lập tại TP.HCM ồ ạt dự kiến tăng học phí. Đáng chú ý, nhiều trường mức dự kiến tăng vượt khung (trên 10%).
Năm học 2023-2024, hệ thống trường ngoài công lập tại TP.HCM dự kiến tăng học phí hàng loạt
Học phí trường tư ồ ạt tăng
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố học phí và chương trình đào tạo của hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập bậc trung học. So với mức học phí của các trường ngoài công lập năm học 2022-2023 được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố năm trước, có tới 52 trường tăng học phí và các khoản thu dịch vụ (bán trú, nội trú), mức tăng dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, thậm chí có trường tăng gấp đôi học phí. Các trường tăng học phí trong năm học tới có thể kể đến như:
Trường THCS – THPT Phan Bội Châu học phí tăng lên mức 2.200.000 đồng/học sinh/tháng so với mức 950.000 đồng/học sinh/tháng trong năm học trước. THCS – THPT Đinh Thiện Lý tăng từ mức 16.178.000 năm học 2022-2023 lên 17.850.000 đồng/học sinh/tháng; TH – THCS – THPT Emasi Nam Long tăng từ 28.160.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 30.544.000 đồng…
Trường TH – THCS – THPT Vinschool tăng từ 8.500.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 11.000.000 đồng/học sinh/tháng trong năm học 2023-2024; Trường TH – THCS – THPT Mùa Xuân tăng từ 26.000.000 đồng trong năm học 2022-2023 lên mức 28.640.000 đồng/học sinh/tháng; THCS – THPT Ngôi Sao tăng từ 5.360.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 8.130.000 đồng;
Mức tăng mạnh nhất phải kể đến Trường TH – THCS – THPT Albert Einsteir khi từ 20.276.000 đồng/học sinh/tháng tăng lên mức 27.000.000 đồng trong năm học 2023-2024; Trường TH – THCS – THPT Bắc Mỹ tăng lên mức 57.908.500 đồng/học sinh/tháng so với mức 53.000.000 đồng ở năm học 2022-2023; TH – THCS – THPT Emasi Vạn Phúc học phí tăng từ 24.490.000 đồng lên 27.490.000 đồng/tháng/học sinh trong năm học tới; Trường TH – THCS – THPT Việt Úc tăng từ 34.784.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 38.299.677 đồng…
Việc tăng học phí của các cơ sở ngoài công lập phải đúng theo quy định không quá 10% mỗi năm
Cá biệt, Trường TH – THCS – THPT Hoàng Gia tăng gấp đôi học phí trong năm học tới, từ 12.500.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 24.000.000 đồng; Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner tăng từ 700.000 đồng/học sinh/tháng lên mức 1.597.000 đồng trong năm học 2023-2024.
Đặc biệt, mức tăng “chóng mặt” nhất phải kể đến Trường TH – THCS – THPT Nam Úc khi năm học 2023-2024 trường này thay đổi chương trình đào tạo, từ giảng dạy chương trình tăng cường tiếng Anh trong năm học 2022-2023 sang chương trình dạy Bộ GD-ĐT Việt Nam và dạy chương trình liên kết giáo dục với Scotch Internationl Education Pty Limited theo quy định số 2222/QĐ- SGDĐT ngày 31-8-2022 của Sở GD-ĐT. Cụ thể mức học phí năm học 2022-2023 của trường này là 1.500.000 đồng/học sinh/tháng với học phí học 1 buổi và 3.000.000 đồng với học phí 2 buổi đã tăng lên mức 450.000.000 đồng/học sinh/năm trong năm học 2023-2024.
Chỉ được phép tăng không quá 10% mỗi năm
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ năm 2021, quy định nguyên tắc xác định học phí của cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phổ thông như sau:
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định.
Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, đào tạo bình quân một học sinh, mức thu học phí hàng năm, mức thu học phí toàn cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và toàn khóa học đối với cơ sở giáo dục đại học; thuyết minh lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (tỷ lệ tăng hằng năm không quá 15% đối với đào tạo đại học; tỷ lệ tăng không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông) và thực hiện công khai theo quy định của pháp luật và giải trình với người học, xã hội.
Như vậy, mức tăng học phí hàng năm của các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được phép tăng quá 10%.
NGƯT Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, học phí của các cơ sở giáo dục ngoài công lập gần như được ngầm hiểu là “thỏa thuận” giữa nhà trường và gia đình học sinh. Mức học phí ở mỗi trường trong cùng một khối lớp cao, thấp khác nhau là chuyện bình thường, vì nó phụ thuộc vào vị trí trường tọa lạc, cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị dạy học, đội ngũ, nội dung giáo dục, nội dung dạy học. Trong đó, ngoài thực hiện chương trình theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, mỗi trường lại có phần chương trình, nội dung giáo dục, hoạt động giảng dạy riêng của mình.
“Mức học phí ở những trường tư trước đây không cần sự phê duyệt của các cấp quản lý cấp trên, nhưng cần phải công khai trước khi tuyển sinh vào năm học mới. Nhưng từ năm 2021, với Nghị định số 81 của Chính phủ thì các cơ sở ngoài công lập cần phải thực hiện nghiêm theo nghị định này, với sự giám sát chặt chẽ của cấp quản lý, cụ thể là Sở GD-ĐT TP.HCM. Trường nào không thực hiện đúng cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định hiện hành, đảm bảo quyền lợi cho học sinh” – NGƯT Nguyễn Văn Ngai chia sẻ.
Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, mức học phí được Sở Giáo dục công bố trong bảng hệ thống trường học tuyển sinh chỉ là dự kiến, chưa phải là mức học phí chính thức sẽ được nhà trường thực hiện thu trong năm học mới. Hiện nay Sở GD-ĐT TP đang yêu cầu các trường ngoài công lập báo cáo, kê khai cụ thể về mức học phí trong năm học mới, thuyết minh cụ thể về phần học phí tăng hàng năm. Đồng thời, kê khai rõ ràng các giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm giá dịch vụ tuyển sinh; giá các dịch vụ hỗ trợ trong hoạt động giáo dục và đào tạo như tổ chức bán trú, nội trú, tổ chức xe đưa rước…
“Trong hướng dẫn hàng năm, Sở GD-ĐT đều có lưu ý rất kỹ đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập về nguyên tắc thực hiện mức tăng học phí không quá 10% mỗi năm theo Nghị định số 81/NĐ-CP năm 2021 của Chính phủ và yêu cầu thực hiện đúng quy định. Có thể, giá kê khai dự kiến trong năm học 2023-2024 của các trường tăng quá 10% không chỉ là mức học phí mà bao gồm thêm các khoản phí dịch vụ giáo dục khác như phí bán trú, phí tham gia các hoạt động câu lạc bộ, hoạt động năng khiếu của trường…” – ông Nam nhận định.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết thêm, đối với các cơ sở vi phạm quy định về kê khai giá áp dụng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, lệ phí, hóa đơn. Mức vi phạm dao động từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, tùy theo hành vi vi phạm.
Đỗ Khương Yến
Bình luận (0)