Mâu thuẫn gay gắt diễn ra nhiều tháng qua tại Trường ĐH Hoa Sen |
Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) lý giải những bước đi chậm chạp của họ thời gian qua xuất phát từ nguyên do chưa được đầu tư bình đẳng.
Ngày 8-10, tọa đàm “Hướng phát triển cho các trường ĐH-CĐ NCL” do Báo Pháp luật TP.HCM và Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ NCL tổ chức một lần nữa được “xới” lại vấn đề này.
10 năm “giậm chân tại chỗ”
“10 năm trước (2002), số sinh viên ĐH-CĐ NCL cả nước là 13%. Đến nay, con số ấy vẫn “giậm chân tại chỗ”. Hiện cứ 10 sinh viên đã có 9 em thuộc trường công, chỉ 1 em trường tư”, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT – dẫn chứng cho sự khiêm tốn đáng buồn của hệ NCL. Ông Tùng cho rằng, hệ thống giáo dục nước ta hiện nay chủ yếu là giáo dục công. Các trường NCL được đưa vào chỉ cho đầy đủ thành phần mà thôi.
Thống kê của TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cũng cho thấy, trong số 450 trường ĐH-CĐ trên cả nước thì chỉ có 90 trường NCL, chiếm ít ỏi 22%. Cũng có giai đoạn trường NCL tăng nhanh nhưng theo TS. Nghĩa, với tình hình tuyển sinh khó khăn trong liên tiếp 3 năm qua, hiện số sinh viên của các trường ĐH-CĐ NCL chỉ chiếm chưa tới 15% và khó lòng đạt được con số 40% như chiến lược phát triển giáo dục đề ra đến năm 2020.
Bất bình đẳng trong đầu tư Nhà nước dành cho trường công – tư là nguyên nhân được nhiều trường chỉ ra đối với thực trạng hoạt động ì ạch của trường NCL. TS. Nguyễn Thị Anh Đào- Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) – cho rằng, chính điều này kìm hãm chất lượng đào tạo các trường NCL và cũng thiếu công bằng với sinh viên. TS. Đào phân tích, trường công được đầu tư đất đai, nhân lực, không trả tiền thuê đất, không phải hoàn vốn và trả lãi mà học phí vẫn thu của người học. Vì vậy, họ thuận lợi trong vấn đề nguồn kinh phí để đầu tư cho chất lượng. Trong khi đó, trường NCL vay vốn trả lãi cao để đầu tư mua đất, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên… Vì vừa gánh trên vai khoản nợ gồm vốn lẫn lãi, áp lực lớn, rủi ro cao như vậy nên chất lượng đầu tư ở các trường NCL tăng chậm.
Theo ông Dương Tấn Diệp (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), sự bất công còn nằm trong việc xử phạt các vi phạm giữa trường công và tư. Đơn cử, cùng vi phạm một loạt các quy định về chuẩn đất đai, cơ sở vật chất, giảng viên… nhưng chỉ các trường tư bị đình chỉ tuyển sinh trong khi trường công không bị phạt. Ngay chính sách đối với sinh viên cũng vậy, hiện sinh viên trường NCL không được nhận các chính sách hỗ trợ tương tự trường công.
Trong khi đó, ThS. Trần Thanh Hải (Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông) còn chỉ ra, đầu tư Nhà nước quá dàn trải ở khu vực công. Ông Hải nhấn mạnh, Nhà nước cần tập trung dồn lực đầu tư vào các ĐH Quốc gia, ĐH vùng, còn lại để xã hội hóa.
Mong bình đẳng công – tư
Để giảm bớt những bất ổn cũng như tạo điều kiện cho các trường NCL phát triển, phía các trường tư mong muốn được “đối xử bình đẳng” như khu vực công lập. TS. Nguyễn Thị Anh Đào đề nghị cho các trường NCL vay vốn với lãi suất bằng không và miễn tiền thuê đất.
Thừa nhận những bất cập trong hoạt động của các trường NCL thời gian qua xuất phát từ việc chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều kiến nghị cũng tập trung vào vấn đề xây dựng chặt chẽ hành lang pháp lý, nhằm nhanh chóng giúp trường NCL tìm “lối ra”. LS. Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải phóng, TP.HCM) nhận định, Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ 2013) không đề cập đến Luật Doanh nghiệp nhưng một phần trong quy chế 61, 63 lại có viện dẫn đến Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, hoạt động của hệ thống giáo dục ĐH NCL còn phải chịu sự điều chỉnh của luật này. “Theo các quy định này, về hình thức, ĐH tư thục có địa vị pháp lý tương tự một công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nhưng vì tính đặc thù, nó lại không được xem là công ty cổ phần. Điều đó dẫn đến những bất cập và chính là nguyên nhân gây ra tranh chấp nội bộ giữa một số ĐH tư thục thời gian gần đây”, LS. Hưng nói.
Trước thực tế đó, LS. Phan Đăng Liêm – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định – đề nghị hệ thống một cách chặt chẽ lại các văn bản pháp luật để các trường có cơ sở hoạt động dễ dàng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)