Liên kết, hợp tác với trường ĐH là mô hình đang được triển khai ở nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Từ mô hình này, chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh và hiệu quả trong hướng nghiệp tại trường THPT được cải thiện rõ rệt.
Học sinh Trường THPT Long Trường tham gia hoạt động giáo dục STEM tại trường do giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hỗ trợ
Song, để sợi dây liên kết, hợp tác được bền chặt, thực chất, các trường THPT cần phải xây dựng chiến lược, mục tiêu hợp tác cụ thể, không nên nhìn vào cái lợi trước mắt.
Cải thiện môi trường học thuật
Nằm ở vùng ven thành phố, vài năm trở lại đây Trường THPT Long Trường (Q.9) có nhiều hoạt động khởi sắc về nghiên cứu khoa học cũng như giáo dục STEM. Các hoạt động mang tính học thuật của trường đã trở nên thường niên và có chiều sâu hơn. Sở dĩ có sự dịch chuyển như vậy, lãnh đạo nhà trường nhìn nhận, bên cạnh sự chủ động, chịu đổi mới của đội ngũ giáo viên thì một phần cũng là “trái ngọt” của việc liên kết, hợp tác với các trường ĐH được nhà trường đẩy mạnh trong vài năm nay. “Liên kết, hợp tác ở đây là về góc độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như năng lực cho học sinh và đội ngũ giáo viên của trường. Trong các biên bản ghi nhớ hợp tác thì trường ĐH sẽ có vai trò hỗ trợ nhà trường trong công tác hướng nghiệp, trao đổi giao lưu học thuật mà đối tượng chính hướng đến là học sinh, tạo thêm cho các em những sân chơi học thuật – vốn là thế mạnh của các trường ĐH và là điểm yếu của nhà trường”, thầy Đào Phi Trường (Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường) chia sẻ.
Năm học 2020-2021, Trường THPT Long Trường tiếp tục hợp tác với một số trường ĐH quen thuộc như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM… Việc lựa chọn trường ĐH để hợp tác dựa trên các tiêu chí do chính nhà trường đặt ra, theo hướng có lợi nhất cho học sinh và giáo viên. “Thứ nhất, các trường ĐH phải không quá xa so với trường, như vậy mới có thể có sự thường xuyên, kịp thời hỗ trợ những hoạt động chuyên môn, học thuật của trường. Thứ hai, các trường ĐH phải đáp ứng được các kỹ năng mà học sinh của trường đang yếu, đang thiếu. Và quan trọng là trường ĐH phải thật sự nhiệt tình, không quá đặt nặng, đòi hỏi về việc quảng bá, tuyển sinh”, thầy Trường chỉ rõ.
Cũng với mong muốn hướng tới cải thiện môi trường học thuật, mở rộng sân chơi nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp có chiều sâu cho học sinh, 5 năm nay Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) đã tạo ra sợi dây hỗ trợ đào tạo bền chặt với nhiều trường ĐH lớn tại TP.HCM ở nhiều lĩnh vực. “Tùy theo từng trường ĐH, nhà trường sẽ “đặt nặng” những vấn đề hỗ trợ khác nhau như nghiên cứu khoa học, trải nghiệm hướng nghiệp. Chủ yếu là làm sao tạo ra được môi trường nghiên cứu thực chất, đúng nghĩa cho học sinh – bao hàm cả về kiến thức chuyên môn cũng như trang thiết bị nghiên cứu để thực hiện các thí nghiệm, xét nghiệm, dụng cụ – những thứ mà môi trường phổ thông chưa thể hoàn thiện được”, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho hay. Đưa ra một ví dụ, lãnh đạo nhà trường kể, mới đây nhất khi học sinh của trường thực hiện một đề tài nghiên cứu về khoa học vật liệu, để làm được những thí nghiệm, xét nghiệm bài bản cũng như định hướng, phân tích chuyên môn thì phải cần đến sự hỗ trợ của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. “Khi nghiên cứu khoa học có những kiến thức vượt ra ngoài môi trường phổ thông, không thể mãi định tính được. Thậm chí, có những mảng kiến thức giáo viên phổ thông nắm cũng không chắc hoặc không nắm. Để hoàn thành các đề tài nghiên cứu, không cách nào khác học sinh cần phải được sự hỗ trợ từ giảng viên các trường ĐH về học thuật lẫn thực hành thí nghiệm”, thầy Khương khẳng định.
Từ khi xây dựng sợi dây liên kết với các trường ĐH, thầy Khương đánh giá, phong trào nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp tại trường đã thực sự đi vào thực chất, mang lại hiệu quả và chuyển biến rõ rệt. Quá trình giáo dục học sinh không còn là nói suông, một chiều. “Cái được không chỉ thuộc về học sinh mà còn là giáo viên. Khi va chạm với giảng viên ĐH, buộc thầy cô phải chuyển động dù muốn dù không, từng bước nâng cao chuyên môn, góc nhìn…”, thầy Khương nói.
Hoạch định được chiến lược, mục tiêu hợp tác cụ thể
Các Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) là những đơn vị xây dựng được chiến lược hợp tác với các trường ĐH một cách sâu rộng, có hiệu quả nhiều năm nay trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, định hướng ngành nghề cho học sinh. “Nhìn thẳng vào năng lực của học sinh mới thấy được các em còn yếu, còn thiếu, còn cần điều gì để hỗ trợ. Muốn hợp tác hiệu quả với các trường ĐH, nhà trường phải hoạch định được kế hoạch, chiến lược cụ thể, trong đó phải định hướng được mục tiêu cuối cùng mà học sinh của trường cần đạt được trong chiến lược này là gì để xây dựng các giai đoạn phù hợp, thích ứng. Với mục tiêu du học thì phải lựa chọn được các trường ĐH phù hợp với mục tiêu này, với mục tiêu nghiên cứu khoa học thì phải chọn được trường ĐH có thế mạnh về lĩnh vực này…”, đại diện Trường THPT Gia Định chia sẻ.
Từ kinh nghiệm hợp tác trong nhiều năm nay của trường, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) nhìn nhận, các trường phổ thông phải xây dựng được tiêu chí phù hợp với mong muốn của học sinh để lựa chọn trường ĐH phù hợp. Đó có thể là về đề tài nghiên cứu, về trải nghiệm hướng nghiệp ngành nghề… gắn với chính quyền lợi của học sinh. “Với từng đề tài nghiên cứu khoa học khác nhau, học sinh có thể cần đến sự hỗ trợ của các trường ĐH khác nhau. Thậm chí ngay trong một đề tài lại cần đến sự góp sức từ phía nhiều trường ĐH. Như vậy, ngay trong câu chuyện cải thiện hoạt động nghiên cứu khoa học thì nhà trường cần phải có sự hợp tác với nhiều trường ĐH, đòi hỏi trường phổ thông phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ”, thầy Khương cho biết.
Liên kết, hợp tác với trường ĐH đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong kế hoạch giáo dục của nhiều trường THPT, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mang tính mở, cần sự đổi mới, mạnh dạn. Việc hợp tác, liên kết đã tạo ra một hệ sinh thái mang tính kế thừa, hỗ trợ qua lại giữa trường ĐH và trường phổ thông. Tuy nhiên, để quá trình hỗ trợ này mang đúng nghĩa là hợp tác, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, lãnh đạo các trường THPT cần nhìn sâu, nhìn rộng, nhìn đúng bản chất để tránh những thiên hướng hợp tác “không mang đúng mục tiêu giáo dục”. “Rất nhiều trường ĐH bao gồm tư thục, quốc tế thậm chí là công lập, mục đích chính khi hợp tác với trường phổ thông là để quảng bá, tuyển sinh. Với những chính sách dành cho trường phổ thông khi hợp tác như ưu tiên trong tuyển sinh vào trường ĐH, ưu tiên xét tuyển thẳng, dành các suất học bổng đối tác cho học sinh của trường…, tréo ngoe hơn là còn có cả tình trạng trường ĐH “lại quả” cho lãnh đạo trường THPT khi có nhiều học sinh nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường. Do vậy, nếu trường phổ thông không có sự tỉnh táo, lãnh đạo không có “tầm” trong việc hợp tác thì chính học sinh của mình sẽ bị làm phiền”, đại diện một trường ĐH thẳng thắn nói.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận, việc liên kết, hợp tác giữa trường ĐH và trường THPT không phải là quá mới nhưng trở nên sôi động hơn trong vài năm gần đây khi các trường ĐH có sự đa dạng về phương thức tuyển sinh cũng như nỗ lực của các trường THPT trong việc xây dựng chương trình đào tạo mang tính thực tế. “Mô hình liên kết, hợp tác giữa trường ĐH và trường THPT tại Việt Nam được xây dựng từ mô hình của các trường ĐH ở Mỹ. Tức là, một số trường ĐH ở Mỹ sẽ cho phép học sinh THPT được học một số môn ở trường ĐH, để các em có sự làm quen khi chuyển từ bậc THPT, nhìn ra sự phù hợp với môi trường ĐH, khi lên ĐH học sinh cũng không phải học lại những môn đó”, TS. Nghĩa cho biết.
Khi mang về Việt Nam, TS. Nghĩa cho hay mô hình được cải biến để phù hợp với tiến trình giáo dục, mang tính hướng nghiệp, hiện nay được đẩy mạnh thêm hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM. “Nhiều trường ĐH khi đưa mô hình vào trường THPT có những chính sách ưu tiên dành riêng cho trường như xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, dành học bổng cho học sinh trường THPT liên kết. Nghe qua rất hợp tình hợp lý, nhưng nhìn nhận lại thì không phải là mục tiêu đúng đắn trong việc hợp tác, liên kết giữa trường ĐH và trường THPT. Nếu chỉ đơn thuần là tuyển sinh mà không phải là để tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên hay xây dựng mô hình giáo dục STEM cho trường phổ thông thì mục tiêu hợp tác bị bóp méo, lệch hướng, chỉ là cái lợi trước mắt”, TS. Nghĩa phân tích.
Vì vậy, TS. Nghĩa cho rằng trong quá trình hợp tác, các trường THPT cần xác định được mục tiêu, mục đích rõ ràng khi liên kết với trường ĐH. “Phải đặt câu hỏi rằng, thực sự trường ĐH đó có nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên không, có giúp trường áp dụng được các mô hình đào tạo tiên tiến không, đặc biệt là đáp ứng được gì cho quá trình tiệm cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không…”, TS. Nghĩa chỉ ra.
Bài, ảnh: Hải Yến
Bình luận (0)