Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM): Dành tất cả cho các em

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các em học sinh được học kỹ năng qua đường.

Có lẽ, hiếm có ngôi trường nào trên đất nước hình chữ S này lại đặc biệt như Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Trường được thành lập năm 1926 với tên gọi ban đầu là Trường Mù Sài Gòn. Đến tháng 2-1976, trường được đổi tên thành Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu với chức năng chính là dạy và chăm sóc trẻ có dị tật về mắt. Không chỉ dừng lại ở chức năng đó, bắt đầu từ năm 2010, trường chính thức tiếp nhận trẻ mù đa tật và mù điếc từ mầm non cho đến THPT, can thiệp sớm cho trẻ sơ sinh, giáo dục chuyên biệt, dạy nghề và hỗ trợ cho học sinh hòa nhập với cuộc sống. Tháng 8-2015, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: Thành quả này là công sức và sự nỗ lực của tập thể nhà trường, của cả những người đi trước. Việt Nam có nhiều trường nhận giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật, riêng TP.HCM có 25 trường chuyên biệt nhưng chỉ duy nhất Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu tiếp nhận trẻ khiếm khị đa tật. Có những em được đưa đến đây còn không biết ngồi, không biết đứng, chỉ biết nằm; có em vừa mù, vừa mắc tật vận động; có em 16 tuổi mới được đưa đến trường trong trạng thái bị điếc và thị lực đang mù dần.

“Ban đầu, chúng tôi cũng rất băn khoăn khi tiếp nhận những em này. Nhưng khi đặt mình vào tâm nguyện của những người mẹ, chúng tôi hiểu được cảm giác vô định, vô cùng khi không biết đến bao giờ con mình mới làm được những thao tác vô cùng đơn giản trong việc tự phục vụ bản thân như những đứa trẻ khác”, cô Vân chia sẻ. Vậy là mọi thứ được bắt đầu với vô vàn những khó khăn vì chưa có một trường học hay cơ sở nào tại Việt Nam có những chương trình giáo dục dành cho những đối tượng đặc biệt này. Trường phải mời giáo viên từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Hà Lan sang để hướng dẫn từng chi tiết nhỏ nhất, dịch nhiều loại sách, nghiên cứu những phương pháp dạy mới nhất để hoàn thành mục tiêu giáo dục đề ra. Hiện tại, trường đã có nhiều lớp học với thời khóa biểu linh động để phụ huynh ở các địa phương có thể tham gia trong khoảng thời gian phù hợp, có nhiều chương trình học phù hợp với nhu cầu từng đối tượng và đặc biệt là đã xây dựng được chương trình dành riêng cho trẻ đa tật gắn liền với thực tế và những chức năng cụ thể. “Điều mà chúng tôi tự hào nhất chính là các giáo viên luôn sẵn sàng làm những việc khó, vừa tự học, vừa tự làm nhưng không giáo viên nào bỏ cuộc. Quan điểm của chúng tôi là không có cái không biết, chỉ có cái đã biết và chưa biết, nếu cái chưa biết thì phải tìm tòi, học hỏi. Giáo viên không dạy cái họ có mà dạy cái học sinh cần, dạy theo nhu cầu của trẻ. Chúng tôi tin rằng: Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể giáo dục được và vì thế chưa một đứa trẻ nào được đưa đến trường mà bị từ chối”, cô Vân khẳng định.

Tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, các em được rèn luyện các kỹ năng để hòa nhập với xã hội. Ảnh: David de Witt

Từ năm 2011 đến nay, trường đã dịch và xuất bản rất nhiều sách, tài liệu cung cấp cho phụ huynh HS, tất cả các khoa giáo dục đặc biệt, trường giáo dục trẻ chuyên biệt tại Việt Nam. Hiện tại, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đang chăm sóc và giáo dục gần 300 em, trong đó có 100 em là trẻ mù và mắc nhiều tật khác.

Linh Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)