Chỉ trong vòng 5 năm, từ 127 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã phát triển thành 979 trường. Mặc dù phát triển nhanh chóng về số lượng nhưng chất lượng thì thật sự là có vấn đề. Một số trường rơi vào tình cảnh thiếu thốn CSVC, nguồn lực đội ngũ phục vụ bán trú (BT), chăm sóc cho HS, thiếu kinh phí hoạt động. Bởi vậy, có trường buộc phải trích từ số tiền chế độ của HS để trả lương cho nhân viên cấp dưỡng…
Bà Mai Thị Thịnh – Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc tỉnh Hà Giang – cho biết, nhà lưu trú cho HS tại tỉnh này chỉ có khoảng hơn 10 trường/138 trường PTDTBT |
Nhanh nhưng chưa bền vững
Tại “Hội thảo về phát triển hệ thống các trường PTDTBT và trường phổ thông có HS BT vùng dân tộc thiểu số, miền núi” diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, ông Trần Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc – cho biết: Sau 5 năm triển khai kiện toàn và phát triển mạng lưới, hệ thống trường PTDTBT tăng mạnh. Năm học 2010-2011, toàn quốc có 127 trường PTDTBT với 13.200 HS BT thuộc 2 địa phương thì đến năm học 2015-2016 tăng lên 979 trường với 146.000 HS BT tại 28 tỉnh, thành. Đối với các trường phổ thông có HS BT chỉ được quan tâm phát triển sau khi đề án hình thành. Theo đó, từ năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016 đã có 119.000 HS BT tại 1.982 trường của 30 tỉnh, thành.
Có lẽ chính sự phát triển nhanh và mạnh về hệ thống trường PTDTBT mà CSVC phục vụ việc dạy và học của các trường này gặp không ít khó khăn. Đa phần các trường PTDTBT chuyển đổi từ trường tiểu học, THCS, PTCS công lập nên các CSVC thiết yếu liên quan như: nhà nội trú cho HS, giáo viên, bếp ăn một chiều, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sinh hoạt, nhà đa năng… còn thiếu thốn. Một số địa phương phải huy động từ nguồn lực xã hội hóa để bổ sung những cái thiếu này. Tuy nhiên con số đó không nhiều. Tính đến tháng 5-2016, tình trạng cơ sở hạ tầng tại các trường tuy được cải thiện nhưng vẫn còn quá nhiều thiếu thốn.
Theo ông Trần Xuân Thủy, tỷ lệ CSVC kiên cố chỉ chiếm từ 30-50%, còn lại là các công trình bán kiên cố, công trình tạm hoặc thuê, mượn. Có khoảng 98.400 HS (chiếm 67%) ở nội trú tại trường, 60% HS được ăn tập trung tại nhà ăn. Tại một số trường, giáo viên phải thuê phòng trọ để nhường chỗ ở nội trú cho HS hoặc HS tự làm lán, trại xung quanh trường để ở (chiếm 1,8%).
Thiếu tiền trả lương cho nhân viên
Ông Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Giáo dục huyện K’bang (Gia Lai) – tâm tư: Với mức chi phí 460.000 đồng/tháng đối với HS BT vẫn còn quá thấp. Trong khi đó, các trường phải tự điều tiết chi tiêu nhiều khoản sinh hoạt như tiền giấy vệ sinh, tiền thuê nhân viên cấp dưỡng… nên bình quân định mức bữa ăn của HS bị cắt bớt lại, khó đảm bảo đầy đủ chất lượng bữa ăn cho các em. Mặc dù biết việc trích chi phí hỗ trợ suất của HS để bù các khoản phục vụ như trên là không đúng mục đích nhưng các trường nội trú ở huyện này cũng không còn cách nào khác.
Bà Trần Thúy Vân – Trưởng phòng Giáo dục huyện Bác Ái (Ninh Thuận) – cho biết: “Cái khó nhất trong thực hiện mô hình trường PTDTBT là không có nhà đa năng và phòng bộ môn. Việc quản lý HS BT theo khung vị trí việc làm còn gặp khó khăn vì người ít, HS đông”.
Ông Bùi Hữu Thành Cát – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk – nêu ý kiến: Cần xây dựng thêm các phòng học bộ môn, nhà đa năng để tạo sự hứng thú, thu hút HS đến trường. Đồng thời, đó cũng là điều kiện để các trường PTDTBT tiệm cận với các trường phổ thông cùng cấp tại vùng, hướng đến xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.
Bà Mai Thị Thịnh – Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang – chia sẻ: Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước phát triển loại hình trường BT sớm nhất. Tuy nhiên, hệ thống trường lớp được chuyển đổi đã xuống cấp, nhà lưu trú HS thiếu nghiêm trọng. Trong số 138 trường thì mới có hơn chục trường có nhà lưu trú cho HS, còn lại rất tạm bợ…
Đa số đại biểu đều cho rằng, cần có thông tư quy định thống nhất loại hình BT trong cả nước, tránh tình trạng mỗi tỉnh, thậm chí mỗi huyện thực hiện theo một kiểu. Đồng thời, cụ thể hóa các nguồn chi phí chi trả cho các khoản từ sinh hoạt cũng như chi phí lương cụ thể cho nhân viên cấp dưỡng, định biên nhân viên y tế… để đảm bảo chăm sóc HS trong quá trình tổ chức BT được tốt hơn.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Sau 5 năm triển khai, hệ thống trường PTDTBT đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ HS bỏ học. Thứ trưởng cũng lưu ý, quá trình phát triển hệ thống các trường PTDTBT cần tránh manh mún, số lượng HS quá ít dẫn đến lãng phí. Sở GD-ĐT các tỉnh cần có sự quy hoạch phát triển phù hợp. Đồng thời, độ tuổi HS BT cần phải có kỹ năng tự phục vụ được. Điều cần thiết nhất là trường đó phải đảm bảo được giáo dục kỹ năng sống cho HS.
“Các trường là cơ sở để địa phương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cần thêm nhiều sự quan tâm của các cấp ngành để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống của HS và giáo viên các trường PTDTBT, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đào tạo cán bộ cho các vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)