Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường phổ thông dân tộc bán trú ở Quảng Ngãi: Chưa biết chừng nào có tiền để xây

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu trường lớp nên HS miền núi phải học trong những phòng học tạm thời như thế này. Trong ảnh: Thầy Trịnh Quốc Duy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Liên bên phòng học tạm bằng phên tre đang dần xuống cấp
Xây dựng và chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện miền núi là vấn đề được tỉnh và ngành GD-ĐT Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm. Kế hoạch và thời gian thực hiện đã được tỉnh phê duyệt từ tháng 7-2013. Đến nay đã gần 1 năm trôi qua, vẫn chưa có một trường phổ thông dân tộc bán trú nào được thực hiện ở 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi.
Mượn trường để học
Trường THCS Sơn Liên, huyện vùng cao Sơn Tây được thành lập từ tháng 8-2009 nhưng lại không có nơi để dạy cho các em HS. Gần 4 năm học qua, thầy cô và các em HS đành phải mượn tạm cơ sở của Trường TH Sơn Liên để hoạt động giảng dạy và học tập, vui chơi giải trí… Để có chỗ cho HS THCS học tại Trường TH Sơn Liên, Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây đã đầu tư xây dựng 2 phòng học tạm, vách bằng lồ ô, mái lợp ngói. Phòng học này cũng chỉ che được nắng, còn mưa gió vào mùa đông thì các em HS đành chịu lạnh. Hơn 20 bộ bàn ghế để trong phòng học không được bảo quản tốt, đang dần xuống cấp và hư hỏng. Thầy Trịnh Quốc Duy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Sơn Liên (huyện Sơn Tây) phàn nàn: “Do không có phòng kiên cố, phải để trong các phòng học như thế này nên chất lượng bảo quản bị giảm sút. Nhà trường rất trăn trở vì đây là tài sản của Nhà nước. Do điều kiện khó khăn như thế nên trường chưa bảo quản tốt được”.
Học nhờ, kéo theo nhiều khó khăn khác. Thiếu thốn trang thiết bị đồ dùng dạy học, không đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày. Đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên và HS. Thầy Trịnh Quốc Duy cho biết thêm: “Nhà trường cũng có kế hoạch cho các em học 2 buổi/ngày nhưng chưa có cơ sở vật chất nên không thể thực hiện được. Ở đây nhà các em đều cách trường từ 5km trở lên. Nếu đầy đủ cơ sở vật chất thì việc dạy 2 buổi/ ngày sẽ hiệu quả, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên”.
Đối với huyện miền núi Sơn Tây, nhu cầu xây dựng trường bán trú là rất lớn. Theo kế hoạch được phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ngãi trong quyết định 1038 ngày 31-7-2013, trong năm học 2013-2014, huyện Sơn Tây sẽ thành lập 5 trường phổ thông dân tộc bán trú. Đến năm 2020, sẽ có 18 trường được thành lập. Nhưng năm học 2013-2014 đã qua, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được thực hiện. Đề cập đến sự chậm trễ này, ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây tiếc nuối: “Theo tôi, việc xây dựng và chuyển đổi trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ đảm bảo số lượng và chất lượng cho giáo dục miền núi. Nhưng thực hiện lộ trình theo quyết định 1038 trên địa bàn chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Đây là chính sách hết sức tốt đẹp, cho nên không thể chậm hơn nữa… cần tăng cường tính trách nhiệm và đầu tư đầu mối là UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị. Đừng để chậm lại, nếu chậm thì gây thiệt thòi cho con em đồng bào dân tộc miền núi”.
Học nhờ, học ké, học chung các cấp học với nhau là thực tế phổ biến ở các trường thuộc 6 huyện miền núi Quảng Ngãi. Dạy và học trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục cũng như khó khăn trong việc vận động HS đến trường.
Chưa biết bao giờ thực hiện được
Ông Nguyễn Hữu Liệu, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà: “Theo tôi nghĩ việc chậm triển khai và không đúng lộ trình thì sự hưởng lợi của các em HS chậm lại, đương nhiên việc chậm lại sẽ thiếu tích cực. Cái mà chúng tôi đang cần, đang muốn, đó là cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất như hiện nay thì rõ ràng không thể nào thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với một huyện miền núi như Sơn Hà”.
Theo quyết định 1038, năm học 2013-2014 toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ phải xây dựng và chuyển đổi được 20 trường phổ thông bán trú. Nhưng tất cả đều không thực hiện được. Đề cập đến điều này, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo sở. Vì chưa thực sự chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, chưa thực sự phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của tỉnh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trả lời về kế hoạch thực hiện các trường này trong thời gian tới, ông Đoàn Dụng cho biết: “Kế hoạch thực hiện chương trình này từ năm 2013 đến 2020 với tổng kinh phí là 1.059 tỷ đồng. Trong đó lộ trình của năm 2013-2014  là 87 tỷ và năm 2014-2015 cần khoảng 156 tỷ đồng. Nguồn kinh phí của tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2013 và 2014 đã phân bổ hết rồi. Cho nên đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện được”. 
Kế hoạch và lộ trình đã có, chỉ còn mỗi việc thực hiện. Nhưng Quảng Ngãi đã để trôi qua mất 1 năm. Và kế hoạch thực hiện chương trình này vào năm 2014-2015 vẫn còn mờ mịt. Chậm ngày nào thì các em HS miền núi chịu thiệt thòi ngày đó.
Bài, ảnh: Phước Trung
Thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường TH Sơn Ba (Quảng Ngãi): “Xây dựng và chuyển đổi được trường phổ thông dân tộc bán trú thì các em sẽ an toàn hơn khi đi học vào mùa mưa lũ, các em có nơi ăn chốn ở. Quan trọng là chúng tôi có điều kiện vận động các em ra lớp dễ dàng hơn. Và như vậy, chất lượng giáo dục sẽ được tăng lên”. 
 

Bình luận (0)