Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trượng phu Ngô Thì Nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Niềm sông núi yên bình của lòng khoan dung mong được gửi gắm vào Thăng Long của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nỗi niềm sông núi tươi tốt như xưa muốn còn thấy ở Thăng Long là nỗi khát vọng của Ngô Thì Nhiệm. Năm 1775 đỗ tiến sĩ thời triều Trịnh, làm quan vua Lê, mắt thấy nạn kiêu binh, hồn gặp rối ren chế độ, nhìn rõ bộ mặt thối nát của triều đình, Ngô Thì Nhiệm bỏ trốn, lánh nạn đợi thời.          

Bài thơ ông viết trong cuộc lánh nạn Nhuệ giang tịch phiếm (Chiều tối chơi thuyền trên sông Nhuệ), tức con sông tỉnh Hà Đông nay thuộc Hà Nội. Ông mượn để nói cái lâu đài Bất dạ đất Đông Lai nước Tề ngày xưa người ta xây để mặt trời mọc ban đêm được vua sáng tôi hiền. Ý ông ngầm ví Thăng Long là thành Bất dạ riêng của ông. Trong lâu đài Bất dạ lạicó một Linh đài tức là Đài thiêng. Đài thiêng ông muốn chỉ là trái tim thiêng cũng chỉ riêng của ông. Ở Thăng Long có một trái tim thiêng, trái tim chân tu, trái tim chính nghĩa.
Ngày Nguyễn Huệ ra Bắc đó là cái ngày Nhiệm được thấy đài Bất dạ và trái tim thiêng Linh Đài ở Thăng Long. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Quang Trung và Ngô Thì Nhiệm, một gặp gỡ kỳ diệu giữa người trí thức lỗi lạc với người anh hùng kiệt xuất. Ngày đó, Nhiệm hiểu sâu sắc vua Quang Trung những ngày ở Thăng Long diệt Trịnh. Người không muốn làm Thăng Long kinh động và đổi thay. Ra triều người làm việc sớm, không cờ quạt, không chiêng trống, không nghi thức, luôn luôn tươi cười và hay châm biếm. Con người giản dị ấy lại là một vị anh hùng vĩ đại.
Ở Thăng Long, hiểu ở người, Nhiêm thay người viết Chiếu cầu hiền, Chiếu lên ngôi vua, Chiếu cầu lời nói thẳng. Ở Thăng Long, bên cạnh người, hiểu ở người, Nhiệm làm thơ gặp người như gặp Ngọn gió lớn ở Thăng Long. Bài thơ Đại phong người viết về Thăng Long có Nguyễn Huệ Quang Trung như có vầng dương tỏa sáng: “Muôn đội rồng bay giáp tận trời/ Oai thần lồng lộng khắp nơi nơi/ Mù tan lại thấy màu thu tỏ/ Nắng hửng y nguyên bóng mặt trời” (Đỗ Ngọc Toại).
Ngô Thì Nhiệm theo vua về Thuận Hóa vừa làm bầy tôi cho vua, vừa làm bạn khách của vua. Người hiểu Quang Trung như hiểu hoa dâm bụt của thành Thăng Long và cũng hiểu mình là hoa dâm bụt của Thăng Long nay bên vua ở Thuận Hóa. Nét đẹp Thuận Hóa cũng bởi nét đẹp hoa dâm bụt của Thăng Long. Bài thơ Cung cận hoa tức là Hoa dâm bụt trong cung vua, ông vừa tả hoa dâm bụt của vua cũng vừa tả hoa dâm bụt của mình: “Bệ rồng hoa chúm chím kia/ Được mang sắc đỏ đứng kề quân vương/ Chẳng ai ghen bởi thua hương/ Má hồng chân chất càng thương mặn nồng” (Hải Như dịch).
Sinh trong một gia đình đại thế tộc, nhiều đời đỗ đại khoa, nhận tước lộc cao nhất của triều đình. Bản thân Ngô Thì Nhiêm tiến rất nhanh trên bậc thang danh vọng. Nhiêm vừa là một thanh niên lỗi lạc, văn võ kiêm toàn lấy hiệu là Hi Doãn nối tiếp truyền thống thế phiệt họ Ngô Thì, một họ Ngô văn phong lừng lẫy tới Trung Hoa, thanh danh vang dội khắp bốn cõi như sách Ký tự mục đình đánh giá.            
Lòng tự tin từ ngày đầu đến với Nguyễn Huệ, Nhiệm vạch nước cờ Tam Điệp chặn thế tiến giặc Thanh, dùng chước động binh đưa nhanh Tây Sơn vào Thăng Long thu phục, trải lòng tin đem về với Nguyễn Huệ nhiều bậc hiền tài. Cho đến ngày ông qua đời sau trận đòn thù tàn nhẫn và bỉ ổi của vua quan nhà Nguyễn tại sân Văn Miếu Thăng Long ở ông vẫn nguyên vẹn một lòng tin, một lòng trung của một niềm ẩn ước với Thăng Long: “Ta hãy yên tĩnh lòng ta, giữ điều ần ước của ta. Khi việc làm của ta thuận với mệnh trời”. Mặc dù ông biết trước sau ông như con thuyền lẻ loi đến với Tây Sơn để đến vùng ánh sáng của sao Đẩu để được gặp nguồn Tiên, biển Phật.
Nhân nghĩa là cái gốc của đời. Gốc của Hi Doãn Ngô Thì Nhiệm gặp cùng chí hướng với cái gốc đời Quang Trung Nguyễn Huệ lấy nước làm gốc của dân cũng như lấy Thăng Long làm gốc của trăm họ như Chiếu lên ngôi vua của Nguyễn Huệ: “Tiến ra Thăng Long, cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa, rồi sau trả nước lại cho họ Lê, trả đất (Thăng Long) về cho thiên hạ”.
Ngày về Thuận Hóa lên ngôi vua, bên cạnh Ngọc Hân người con gái Thăng Long, Nguyễn Huệ luôn nghĩ và giữ thanh tú sông núi Thăng Long – cũng là nghĩ và nhớ về một Thăng Long cao cả núi sông của Ngô Thì Nhiệm. Đó là dịp ông ra cửa biển Tư Dung ở Thuận Hóa, đến hòn đảo Huyền Trân. Hòn đảo mang tên nàng Công chúa Huyền Trân, người con gái của đất Thăng Long thời nhà Trần chịu đi đổi mình lấy hai đất Chiêm Thành đem về cho Thăng Long, cho non nước Đại Việt. Sự đổi mình bằng nước mắt cũng là sự trao mình với một cái giá cao cả, cái giá biết hy sinh vì lợi ích, cái giá của một Thăng Long. Thăng Long biết hy sinh để đem về một cái giá: Con người Thăng Long đẹp đến cao cả. Hi Doãn họ Ngô nhận ra cái giá này ở những giọt nước mắt người con gái đẹp quý phái – (Công chúa Huyền Trân từng rỏ hết giọt lệ u sầu/ Giọt lệ hóa thành những tiếng mưa đêm trên cành mai mùa xuân). “Huyền Trân sái tận u sầu lệ/ Hóa tác xuân mai dạ vũ thanh”.
Bài thơ nói mưa dầm ở đảo Huyền Trân, nói giọt nước mắt Huyền Trân xa nghìn dặm đổi lấy đất cho nghìn sau hưởng làm ta thương mến nghĩ về Thăng Long, cái cao cả Thăng Long trăm năm trước, nghìn năm trước từ trong cái thâm ý cao sâu của thơ Hi Doãn Ngô Thì Nhiệm.
Nhà thơTrúc Chi

Bình luận (0)