Hội nhậpThế giới 24h

Trường PT tham gia thực nghiệm cải cách giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Trường PTCS Didier-Daurat au Bourget (Seine Saint – Denis) của Pháp đã được chọn để thực nghiệm mục tiêu “Giảng dạy tích hợp khoa học và công nghệ (THKHCN) ở bậc PTCS” trong đề án Cải cách giáo dục quốc gia. Chương trình thực nghiệm ở trường này lấy tên là “Bắt tay vào làm bánh” (La main à la pâte – ý nói học đi đôi với hành – TG).
“Các em hãy nhắc lại những giai đoạn của một tiến trình khoa học”. Mới lớp 6 mà các em đã trả lời mạch lạc: quan sát, đặt vấn đề, nêu giả thiết, kiểm tra lại bằng thực nghiệm trước khi đưa ra  kết quả và kết luận… Các em đã quen với ngôn ngữ này khi học môn  khoa học về cuộc sống và trái đất (KHCSTĐ), công nghệ, hay cả vật lý-hóa học, là các môn chỉ học từ lớp 5 (7 VN).
Thầy  Hiệu trưởng nói: Một số thầy dạy lý, công nghệ, và KHCSTĐ, đôi khi cả thầy toán nữa, từ nhiều năm nay cố gắng kết hợp nội dung bài giảng với nhau, và dùng một từ vựng chung để không làm cho học sinh bị mất phương hướng.
Trường này là một “địa chỉ thử nghiệm quốc gia” của Bộ Giáo dục về THKHCN, thể hiện bằng chương trình “Bắt tay làm bánh” ở trường tiểu học.
Được phát động từ năm 2006, chiến dịch bắt đầu từ lớp 6 (6 VN), lên đến  lớp 5, trên quy mô khoảng 30 trường… Người thực hiện chương trình là các giáo viên kết hợp với các Viện sĩ Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Công nghệ. Nhà vật lý thiên văn Pierre Léna cũng tham gia chương trình nhằm “ngay từ lớp 6 nuôi dưỡng tính năng động khoa học mà học sinh cứ mất dần khi càng học lên cao”.
Mục tiêu THKHCN là một phần của công cuộc cải tổ việc dạy khoa học ở lớp 6 và 5, vì có một thực trạng đáng báo động là càng ngày học sinh càng  giảm nhiệt tình thi vào các ngành khoa học ở bậc học cao. Chưa kể theo đánh giá của PISA năm 2006 về khả năng khoa học của học sinh 15 tuổi, thì Pháp được xếp vào hạng từ 16 đến 21, có phần dưới trung bình so với các nước phát triển ở Châu Âu. Cải cách  việc dạy khoa học ở trường phổ thông theo hướng THKHCN nhằm đem lại cho thế hệ mới nhiệt tình đối với khoa học.
Ta hãy quan sát “tại trận” việc học khoa học theo tinh thần mới ở Trường  Bourget: Các em đang cầm những hình cầu bằng polystyren tượng trưng cho những nguyên tử. Mục tiêu là quan sát, bằng thí nghiệm thử xem những hình khác nhau (tam giác, vuông, lục giác…) có cùng diện tích có thể chứa cùng một số hình cầu được không. Thí nghiệm này rõ ràng kết hợp kiến thức toán (biểu diễn trong không gian 3 chiều) và hóa (sự sắp xếp các nguyên tử và vật chất). Để sự tích hợp được hoàn hảo hơn, đôi khi thầy dạy Anh văn cũng làm giàu thêm kho từ vựng của các em bằng những từ tiếng Anh có liên quan đến thí nghiệm đó.
Nhưng sự tích hợp bộ môn được thấy rõ nhất ở vật lý và KHCSTĐ. Giáo viên phải chỉ ra mối liên hệ giữa “khoa học” và “cuộc sống trên trái đất”. Một giờ dạy về “sự thay đổi trạng thái vật chất” ở lớp 6 liên hệ đến kiến thức về “nhiệt độ và sự sắp xếp các nguyên tử”. Giáo cụ trực quan ở đây là quả dưa chuột đông lạnh, là kính hiển vi để quan sát và hiểu được tại sao các tế bào bị phá vỡ khi nhiệt độ xuống quá thấp… Sau khi quan sát hiện tượng sôi của chất lỏng, có thể liên hệ đến sự vận hành của nồi áp suất.
Ở lớp 5, năng lượng mặt trời mở đầu cho bài học về quang hợp, sự hô hấp, sự sinh ra khí các-bo-nic, và cơ chế của tính thoáng khí trong một căn phòng, tất nhiên phải liên hệ với tình trạng ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của khí quyển, tác hại của hiện tượng đó lên khí hậu… Nói tóm lại, phải bằng mọi cách sáng tạo và sinh động chỉ cho học sinh thấy thực tế thiên nhiên và cuộc sống là điểm xuất phát và cũng là điểm đến của khoa học, các hiện tượng trong thiên nhiên đều có mối liên quan hữu cơ với nhau.
Cách dạy tích hợp “Khoa học và cuộc sống trên trái đất” như vậy đem lại một sinh khí mới cho bộ môn, làm các em yêu thích môn khoa học.
Chương trình “Bắt tay vào làm bánh” là một cố gắng thể hiện mục tiêu của cải cách giáo dục theo hướng “tích hợp khoa học và công nghệ” ở trường phổ thông.
Phan thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)