Giờ học của học sinh tại một trường quốc tế ở TP.HCM |
Sau gần 10 năm mô hình trường quốc tế ra đời, đến nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 30 trường. Tuy nhiên, không chỉ người dân mà ngay cả Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT vẫn còn lúng túng khi xác định như thế nào là trường quốc tế. Phải chăng trường quốc tế… chỉ quốc tế cái tên.
Trường quốc tế dạy… chương trình Việt Nam
Nhận xét về chương trình giảng dạy của các trường luôn tự xưng là trường quốc tế trên địa bàn TP.HCM, ông Đoàn Văn Điện – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Tư thục Việt Thanh cho rằng: “Trường quốc tế hiện nay muôn hình vạn trạng, trường có yếu tố nước ngoài nhưng dạy theo chương trình trong nước. Trường dạy song ngữ hoặc trường do người Việt đầu tư nhưng dạy theo chương trình nước ngoài. Thậm chí trường 100% vốn nước ngoài nhưng dạy hoàn toàn chương trình của Việt Nam, có trường chỉ là tăng cường tiếng Anh cũng được gọi là trường quốc tế…”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết có không ít trường quốc tế do người nước ngoài đầu tư và trực tiếp quản lý. Song chương trình giảng dạy thì… rất Việt Nam. Buổi sáng học sinh học chương trình của Bộ GD-ĐT, nếu so với các trường phổ thông công lập thì không có gì khác biệt, chỉ khác là… đồng phục học sinh. Còn buổi chiều dạy một số môn khoa học, xã hội của nước ngoài bằng tiếng Anh. Hoặc có trường dạy chương trình Việt Nam bằng tiếng Anh. Thay vì ở trường công lập giáo viên nói: “số 1” thì ở trường quốc tế giáo viên sẽ nói: “one”…
Cũng có một số trường do người Việt Nam bỏ tiền đầu tư, ban giám hiệu nhà trường là người Việt Nam, hầu hết giáo viên cơ hữu đều là người Việt Nam nhưng chỉ cần thêm 2 chữ “quốc tế” vào phía sau chữ “trường” thế là nghiễm nhiên trở thành trường quốc tế. Còn chương trình giảng dạy thì… giống như “một cái nồi lẩu thập cẩm”, Việt Nam một chút, Hoa Kỳ một chút, Singapore một chút, Úc một chút…
“Việc quảng cáo của các trường quốc tế hoàn toàn sai sự thật. Bởi Luật Giáo dục chưa cho phép nhà đầu tư Việt Nam dạy hoàn toàn bằng chương trình của nước ngoài. Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TPHCM cũng chưa từng cấp phép cho những trường như thế. Với giáo dục, quảng cáo quá tay còn độc hơn uống thuốc quá liều. Nếu chất lượng đầu ra không tương xứng như cam kết ban đầu thì học sinh ở vào thế đã rồi, không thể nào quay lại được…”, ông Đỗ Quốc Anh – Giám đốc Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM khẳng định
Cơ sở vật chất: thiếu, giáo viên: yếu
Theo ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thì: “Hệ thống các trường quốc tế thành lập ngày càng nhiều, trong số đó có không ít nhà đầu tư thiếu chuyên môn nên hệ thống các trường quốc tế hiện nay đang bộc lộ rất nhiều vấn đề. Nhiều trường không đầu tư cơ sở vật chất mà phải đi thuê mướn, phòng ốc chật hẹp không đúng với quy chuẩn trường học. Đội ngũ thầy cô giáo chất lượng không đồng đều, nhiều trường vẫn sử dụng phần lớn giáo viên người nước ngoài thỉnh giảng không có chuyên môn sư phạm. Không ít nhà đầu tư thành lập trường hơi sa đà vào vấn đề lợi nhuận mà ít chú trọng đến chuyên môn, trong khi đó đầu tư cho giáo dục phải có thời gian…”.
Về phía đội ngũ giáo viên ở các trường quốc tế, một cán bộ ở Sở GD-ĐT TP.HCM tiết lộ: “Không ít giáo viên Việt Nam bị kỷ luật ở các trường công lập đã “chạy” sang trường quốc tế. Thậm chí ở một số trường quốc tế còn mướn cả “Tây ba lô” về dạy”. Ngọc Thúy – giáo viên dạy văn ở một trường quốc tế 100% vốn trong nước cho biết: “Trước đây tôi học ngữ văn ở Trường ĐH Dân lập Văn Hiến, ra trường xin việc chỗ nào cũng không được vì các nhà tuyển dụng chê cái bằng của trường dân lập. Sau đó, tôi đánh liều nộp hồ sơ vào trường quốc tế này, nào ngờ lại được nhận”…
Chương trình thì Việt không ra Việt, Tây không ra Tây, phòng ốc chật hẹp, giáo viên không có chuyên môn sư phạm nhưng học phí lại cao ngất ngưỡng. Phải chăng vì lợi nhuận mà những ngôi trường “quốc tế” ngày càng nhiều…
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận tâm tư: “Phải nói rằng, hiện nay ngay cả Bộ, Sở GD-ĐT và cả chúng tôi – những người trực tiếp làm giáo dục cũng lúng túng không hiểu như thế nào là trường quốc tế. Còn người dân thì hoàn toàn “mù mịt” về chất lượng ở các trường này. Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được những vấn đề nói trên thì mới nên nhân rộng mô hình trường quốc tế để đảm bảo được chất lượng đúng nghĩa”.
Từ thực tế trên cho thấy đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần xem xét lại việc cấp phép hoạt động cho các trường quốc tế kiểu này. Còn phụ huynh cũng đừng vì quá mê hai chữ “quốc tế” mà bắt con em phải học ở những trường “dở Tây, dở ta”…
Hòa Triều
Bình luận (0)