Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Quốc tế Đức tại TP.HCM: Nơi gặp gỡ văn hóa Việt – Đức

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các em HS vui chơi ở sân trường
Trường Quốc tế Đức (IGS) tại TP.HCM được thành lập từ tháng 8-2012, là kết quả của quá trình hợp tác, thúc đẩy cùng phát triển trong lĩnh vực giáo dục giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Việt Nam nên có thể nói đây là mái trường thể hiện rõ nét mối giao thoa văn hóa giữa hai nước Việt – Đức.
Trường không chỉ trang bị các thiết bị hiện đại, giúp học sinh (HS) chủ động, sáng tạo trong học tập mà còn chú trọng giảng dạy cũng như tổ chức các buổi giao lưu, lễ hội để các em vừa tiếp nhận những tinh hoa văn hóa thế giới, vừa ghi nhớ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình trong môi trường hội nhập.
HS chủ động trong môi trường hiện đại
Có thể nói, học ở IGS tại TP.HCM, HS được học tập và khám phá niềm đam mê sáng tạo của mình như ở môi trường học tập tại các trường công lập Cộng hòa Liên bang Đức. Ngôi trường này được sự hỗ trợ của Chính phủ Đức từ chương trình giảng dạy cho đến trang thiết bị giáo dục.
Tọa lạc trên đường Võ Trường Toản, phường An Phú (Q.2), IGS được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại theo chuẩn quốc tế, từ đồ chơi cho trẻ đến máy móc, thiết bị trong phòng thí nghiệm, bàn ghế đều nhập khẩu từ Đức. Ông Peter Schafer, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các trang thiết bị chủ yếu được nhập từ Đức về giúp HS làm quen với những công nghệ mới nhất, từ đó khuyến khích các em khám phá, sáng tạo khoa học. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào sự an toàn và tính giáo dục cao nên tất cả đồ chơi trẻ em đều được gửi từ Đức về để đảm bảo theo chuẩn quốc tế”.

Một lớp học ở Trường Quốc tế Đức tại TP.HCM
Với phương châm “bí mật trong giảng dạy đó là sự tôn trọng HS”, ở tất cả các môn học, IGS đều hướng tới khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng cho HS; HS đóng vai trò là trung tâm của lớp học, giáo viên là người hướng dẫn để các em chủ động tự tìm kiếm tri thức. Qua đó, các em sẽ học được cách cảm nhận và giao tiếp, học cách phân tích và phản ánh, chuyển giao và vận dụng… Mô hình này được áp dụng theo phương pháp giáo dục Montessori – một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ dựa trên nghiên cứu, kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Maria Montessori. Điểm nhấn của phương pháp này là chú ý đến vai trò tự lập trong việc hình thành nhân cách, đến sự phát triển tâm lý tự nhiên cũng như trang bị các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ cho trẻ. Ông Peter Schafer nhận định: “Với 50 HS (mỗi lớp không quá 15 em) thì chúng tôi có điều kiện tối ưu để áp dụng phương pháp này, đặc biệt là dạy học theo hướng cá thể, chú ý đến phát triển của từng em. Trong chương trình, các em được học kiến thức cơ bản, đồng đều và vững về ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, nghệ thuật – âm nhạc, các môn học phổ thông khác…”.
Ngoài việc được học các chương trình tiên tiến từ một quốc gia có nền giáo dục phát triển như nước Đức thì HS của IGS tại TP.HCM còn được hưởng nhiều quyền lợi khác như bằng tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT Cộng hòa Liên bang Đức cấp nên có giá trị quốc tế cao; ngoài ra sau khi tốt nghiệp THPT, nếu không học ĐH trong nước mà sang Đức học tập thì sinh viên sẽ được miễn hoàn toàn học phí như sinh viên ở Đức nên tiết kiệm được chi phí khá lớn.
Giữ gìn văn hóa Việt trong môi trường quốc tế

Sau giờ nghỉ trưa, HS tự vệ sinh cá nhân bên các dụng cụ nhỏ nhắn
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý với Bộ GD-ĐT về việc tiếp nhận HS Việt Nam của IGS tại TP.HCM. Theo đó, tháng 8-2014, trường không chỉ tuyển HS có bố mẹ là người nước ngoài hoặc Việt kiều mà còn tuyển HS mang quốc tịch Việt Nam, trong đó chú trọng tuyển HS vào lớp 4.
Trường tuyển sinh khá rộng nhưng khi nhập học, các em sẽ được đến tham quan trường, được học thử một số môn để từ đó giáo viên theo dõi, quan sát, bố trí lớp học phù hợp.
Với mục đích giao lưu trong nền văn hóa hội nhập, đặc biệt là giữa hai nước Việt – Đức nên chương trình giảng dạy của nhà trường thường nhấn mạnh đến địa lý, lịch sử, văn hóa Việt – Đức… Đặc biệt, để phát huy tích cực lòng tự tôn, tự hào về dân tộc, ngoài những lễ hội có tính quốc tế như lễ hội Halloween, Giáng sinh… thì trường còn tổ chức dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ tri ân thầy cô nhân ngày 20-11… Ngoài ra, văn hóa Việt còn chú ý đến sự nhẹ nhàng, lễ phép nên mỗi buổi học, giáo viên luôn chú ý đến vấn đề này để truyền đạt cho HS.
Rèn kỹ năng tự lập, tự giải quyết vấn đề cho HS, kể cả trẻ lớp mầm, chồi, lá luôn được nhà trường chú trọng. Bởi vậy, không gian học tập hay nhà vệ sinh của trường đều được thiết kế đúng với lứa tuổi của các em. Chẳng hạn, nhà vệ sinh dành cho các bé mẫu giáo thường có các dụng cụ như bồn rửa mặt, ghế ngồi… rất nhỏ để các em có thể tự mình làm các thao tác vệ sinh ngay sau khi ngủ dậy chứ không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Hay trong lúc ăn cơm, tùy theo lứa tuổi, các em có thể tự phục vụ bản thân.
Với tâm huyết luôn đặt chất lượng lên hàng đầu nên Ban giám hiệu trường sẽ cố gắng duy trì và phát huy chương trình, cơ sở vật chất tiên tiến nhất đến với HS. Còn về số lượng HS, từ nay đến năm 2020, trường dự kiến tuyển khoảng 150 HS. Nói về mong muốn của mình, ông Peter Schafer phấn khởi cho hay: “Sau 6 năm tới, trường sẽ có những HS người Đức đầu tiên thi tú tài, 8 năm nữa thì có HS người Việt thi tú tài và chọn nước Đức để du học. Sau 10 năm nữa thì mỗi năm chúng tôi có khoảng 50 HS du học ở nước ngoài và sau 15 năm những HS này sẽ quay trở về Việt Nam để tiếp tục cống hiến cho đất nước”.
Minh Châu
Ngày 24-5 tới, Trường Quốc tế Đức tại TP.HCM sẽ tổ chức ngày hội tuyển sinh để giới thiệu với phụ huynh về nội dung chương trình giáo dục của Cộng hòa Liên bang Đức cũng như những ưu điểm khi HS tiếp cận môi trường giáo dục ở trường. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh muốn tìm hiểu kỹ thêm về trường, từ tháng 6-2014, phụ huynh có thể đưa HS đến tham quan tại trường vào các sáng thứ bảy (2 tuần/lần). Mọi chi tiết liên hệ + 84 (08) 37446344 hoặc info@igs-hcmc.de.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)