Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường sư phạm chỉnh sửa chương trình đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Bám sát mục tiêu đào tạo nghề, kết nối với các trường phổ thông là những mục tiêu mà các trường ĐH sư phạm đặt ra khi chuẩn bị đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tập huấn giáo viên trường THPT môn khoa học tự nhiên /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tập huấn giáo viên trường THPT môn khoa học tự nhiên. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tăng nội dung ứng dụng
GS Đỗ Đức Thái, Chủ nhiệm Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội, cho biết để chuẩn bị cho việc đào tạo giáo viên (GV) đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, hiện khoa toán đang cùng cả trường xem xét lại mô hình đào tạo GV. Tuy nhiên, trước mắt trường chỉnh sửa chương trình đào tạo cho sát với chương trình môn toán mới.
GS Thái giải thích: “Khác với phổ thông là cần một chương trình có tính ổn định, trường ĐH thì chương trình đổi mới liên tục. Thậm chí cùng một chủ đề, bài giảng năm nay phải khác với bài giảng năm trước. Vì thế, lần đổi mới chương trình gần đây nhất của Khoa Toán Trường ĐHSP Hà Nội là năm 2014 còn lần đổi mới này dự kiến sẽ bắt đầu từ lứa sinh viên (SV) nhập học sau kỳ tuyển sinh mùa hè tới”.
Theo GS Thái, khó khăn hiện nay là Bộ GD-ĐT chỉ đạo 7 trường ĐHSP trọng điểm ngồi với nhau, thống nhất chương trình đào tạo ĐH (theo từng ngành) dùng chung cho tất cả các trường SP trong cả nước.
GS Thái cho biết chương trình mới sẽ bám sát mục tiêu đào tạo GV dạy toán ở cấp THPT, tăng phần ứng dụng.
Kết nối với 300 trường phổ thông
7 trường ĐH SP trọng điểm xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới gồm: SP Hà Nội, SP Thái Nguyên, SP Huế, SP TP.HCM, SP Hà Nội 2, SP Vinh và SP Đà Nẵng.

PGS Phùng Gia Thế, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHSP Hà Nội 2, cho biết để đáp ứng yêu cầu đào tạo GV THPT phục vụ chương trình phổ thông mới, nhà trường đã có kế hoạch kết nối với 300 trường phổ thông của 7 tỉnh phía bắc, gồm: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang.

“Chúng tôi muốn xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội 2 là một trong những điển hình quốc gia về mô hình kết nối trường SP với trường phổ thông. Trường sẽ xây dựng mạng lưới trường phổ thông có các dự án hợp tác. Như thế, trường phổ thông sẽ không chỉ là nơi mình gửi SV đến thực tập nữa mà sẽ trở thành một bộ phận cấu thành của mình. Nếu không gắn với giáo dục phổ thông thì trường SP khó mà đồng hành, chưa nói đến định hướng cho họ được”, PGS Thế cho biết.
Cũng theo PGS Thế, kết nối trường SP với các trường phổ thông là một nhiệm vụ Bộ GD-ĐT đặt ra với các trường SP trong bối cảnh hiện nay. Biểu hiện của việc kết nối sẽ bắt đầu bằng các dự án hợp tác giữa trường với từng trường phổ thông.
PGS Thế nói: “Chẳng hạn như trường SP sẽ đưa giảng viên xuống sinh hoạt chuyên môn thường xuyên ở trường phổ thông. Hoặc mời GV giỏi của các trường phổ thông tới trao đổi chuyên môn với các trường SP. Rồi cùng nhau xây dựng một mạng lưới, một hệ thống học tập thông qua các video. Phía trường SP phải xây dựng những đề án nghiên cứu có thể ứng dụng được trong đổi mới giáo dục phổ thông. Còn trường phổ thông cũng sẽ đặt hàng trường SP giải quyết các vấn đề họ đang vướng”.
Đào tạo người thầy theo hướng tiếp cận kỹ năng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHSP TP.HCM, cho biết trường đã hoàn thành công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên. Với SV đang đào tạo, chương trình học được tăng cường các nội dung mới để khi tốt nghiệp có thể hòa nhập luôn với chương trình mới.
Cụ thể, trường bổ sung những môn học mới như dạy tích hợp liên môn, bồi dưỡng kỹ năng phương pháp trải nghiệm, giáo dục kỹ năng mềm và có học phần giảng dạy môn khoa học bằng tiếng Anh cho khoa giáo dục tiểu học…
Tiến sĩ Hồng nói: “Trường đặt nặng vai trò của công nghệ thông tin và tâm lý học trong quá trình đổi mới này, đặc biệt đẩy mạnh giáo dục tâm lý học đường. Bởi không chỉ truyền đạt kiến thức đơn thuần, SV SP còn phải biến kiến thức thành kỹ năng và năng lực của người học”.
Cụ thể hơn, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, thông tin: “Các khoa chuyên môn của trường đều có những điều chỉnh “ruột” trong học phần phương pháp giảng dạy. Biện pháp sát sườn nhất là tổ chức dạy cho SV toàn trường chuyên đề hoạt động trải nghiệm – một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Ông Sơn cũng cho biết trường thực hiện đổi mới chương trình đào tạo từ năm 2015. Ở thời điểm đó, trường đã xây dựng chương trình dựa trên những ý tưởng đón đầu về dự thảo chương trình phổ thông mới chưa công bố. Điều này có nghĩa chương trình đã có cập nhật nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng nên cần tiếp tục bổ sung một số chuyên đề.
Chuẩn bị cho việc dạy học tích hợp, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn cho biết Trường ĐHSP TP.HCM đang nghiên cứu đào tạo văn bằng 2, ngành đôi để SV có 2 bằng sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, SV có 2 bằng sư phạm về sử và địa, ra trường có thể dạy một trong 2 môn bậc THPT nhưng cũng có thể dạy tốt môn khoa học xã hội ở bậc THCS.
Tiến sĩ Lê Chi Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết trường đã thay đổi chương trình theo hướng đào tạo người thầy cách tiếp cận kỹ năng thay vì truyền đạt kiến thức. Đặc biệt có nội dung mới về dạy học tích hợp, đào tạo theo năng lực và tiếp cận thực tiễn nhiều hơn.
Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)