“Không nên coi những thứ “nhấp nháy” trong lớp học là đổi mới phương pháp. Đó chỉ là công cụ, chỉ khi được kết hợp với ý đồ sư phạm của người thầy, nó mới trở thành phương pháp”.
Ông Phạm Hồng Quang, Hiệu phó ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên bày tỏ như vậy tại hội thảo đổi mới phương pháp dạy và học (PPDH) tại các trường sư phạm trong xu thế hội nhập” tổ chức tại ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 14/5.
“Ta cứ dùng các máy móc đắt tiền, hiện đại, và gọi như thế là đổi mới. Thực ra, có thể vẫn dùng phấn, dùng bảng mà vẫn đổi mới được”, ông Trần Đức Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục vì sự Phát triển bền vững (ĐH Sư phạm Hà Nội) nói.
Không phải cứ có máy chiếu, có ti vi và thiết bị hiện đại là đổi mới phương pháp Dạy học (Ảnh minh hoạ: wordpress)
|
Theo ông Tuấn, việc đổi mới PPDH phải lấy "lõi" là đổi mới về nguyên tắc giáo dục và nên đa dạng hóa các góc độ tiếp cận vấn đề.
Hiện, đang nói nhiều tới nguyên tắc "lấy người học làm trung tâm". Còn các nguyên tắc như: giáo dục phải mang lại những giải pháp (không chỉ dừng ở mức tiếp nhận, cảnh báo), đảm bảo công bằng cho người học kém và người học giỏi, hướng tới tính bền vững lâu dài… lại chưa được hướng tới. Bởi giáo dục nước ta mới chỉ đang cố gắng giải quyết phần tụt hậu, chưa làm được "phần hội nhập".
Bởi vậy, hầu hết các trường chỉ dừng ở mức “làm mới” công cụ dạy học bằng cách đưa máy chiếu, đưa hình minh hoạ sinh động vào bài giảng.
Từ chỗ chỉ làm ở “phần ngọn” theo cách "thấy ở đâu có gì thì bê về học theo, quá trình đổi mới PPDH của giáo viên còn nhiều bất cập.
Nhiều đại biểu chia sẻ ý kiến: việc sử dụng giáo án điện tử của giảng viên chủ yếu chỉ dừng lại ở mức thay phấn viết bảng.
Việc dạy và học hiện nay không chỉ còn là “tấm bảng và viên phấn” nữa”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại Hội thảo về đối mới phương pháp dạy học do Bộ GD-DT tổ chức ngày 25/12/2008 tổ chức tại TP Vinh (Nghệ An).
|
Việc này vẫn là thuyết trình một chiều, vừa gây lãng phí, ức chế cho sinh viên.
Theo một báo cáo tại hội nghị, ở nhiều trường, con số này lên đến 60-670%.
"Trong các buổi học semina, giảng viên không giao nhiệm vụ cụ thể cho từng SV, chỉ nêu ra vấn đề chung chung, yêu cầu SV tìm tài liệu. Do đó, SV thực hiện nhiệm vụ theo ý thích, kết quả là hiệu quả giờ semina rất thấp, không khí học tập buồn tẻ”, ông Nguyễn Đức Vũ, ĐH Sư phạm – ĐH Huế nói.
Việc kiểm tra trong các học phần có nhiều học trình còn tùy tiện, có học phần có 3 đơn vị học trình lại chỉ có một bài kiểm tra.
Mức độ đánh giá chỉ dừng lại ở “đạt” hoặc “không đạt” để xét điều kiện thi. Đến khi thi, giảng viên chốt lại vấn đề, SV chỉ việc học trong phần được giới hạn và đạt điểm cao dễ dàng nhưng không thực chất.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho rằng, "việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học cho giáo sinh còn chưa đạt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông.. Vì vậy, đội ngũ giáo viên hiện tại đều không đồng đều về chất lượng, chưa đủ tiềm lực đáp ứng yêu cầu khi phải dạy chương trình – sách giáo khoa mới”.
Sinh viên thụ động: Quán tính khó đổi
"Cốt lõi của đổi mới PPDH là người thầy lấy người học làm trung tâm. Theo chiều ngược lại, nếu SV không chủ động hợp tác, việc thay đổi PPDH là vô cùng khó khăn”, ông Ngô Đắc Chứng, Hiệu phó trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế cho biết.
“Nhất là với SV sư phạm, bản thân họ sẽ là người đào tạo các thế hệ sau này. Nếu chậm đổi mới, chính họ sẽ tụt hậu".
Các trao đổi tại hội thảo cho rằng phương pháp học của SV ở các trường (kể cả SV trường Sư phạm) chưa đáp ứng đuợc yêu cầu đổi mới.
Điều phổ biến nhất là tính thụ động vẫn cao do phương pháp học tập cũ đã duy trì trong thời gian dài; động cơ học tập chưa tốt; chưa xác định rõ vai trò chủ thể của mình.
Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Bình luận (0)