Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường sư phạm: Đổi mới theo hướng nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ thuyết trình
Sinh viên (SV) sư phạm sẽ phải học 135 tín chỉ hay 150 tín chỉ? Đó là câu hỏi được đặt ra đối với việc đổi mới các trường sư phạm hiện nay.
Không thể cắt khúc
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chương trình đào tạo vẫn mang nặng tính kinh nghiệm; chưa xác định được chương trình cốt lõi để đào tạo giáo viên (GV) dẫn đến sự nặng nề trong kiến thức hàn lâm; chưa có cấu trúc hợp lý giữa chương trình cơ bản và chương trình nghiệp vụ; chương trình nghiệp vụ sư phạm vẫn còn mang tính hàn lâm, giáo điều; chưa đề cập đến năng lực dạy học tích hợp và phân hóa… Hiện nay, quá trình đào tạo GV (về chuyên ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tin học, công nghệ), SV có thể thực tập ở trường THCS nhằm thực hiện việc giáo dục và thực hành giảng dạy tích hợp. Trong giai đoạn này SV cần 90 tín chỉ, có thể được cấp bằng CĐ khi kết thúc phần này. Sau đó, SV sẽ được tiếp tục đào tạo để dạy phân hóa (chuyên ngành và giáo dục) với mục tiêu hướng đến có thể đứng lớp ở bậc THPT. SV sẽ được đào tạo để dạy phân hóa theo chuyên môn của từng môn học ở THPT. Yêu cầu, SV phải đạt được mỗi chuyên ngành mà mình chọn lựa phải phù hợp và được trang bị kiến thức về ngành học, có các năng lực chuyên biệt để vận dụng trong giảng dạy. Để tốt nghiệp, SV dù bằng hình thức thi hay luận văn phải có thi giảng trực tiếp, hoàn thành phần này SV cần 60 tín chỉ. SV đạt chuẩn sẽ được cấp bằng ĐH. Như vậy, tổng số tín chỉ đào tạo GV là 150.
Với các ngành đào tạo chuyên biệt: Sư phạm toán, sư phạm ngữ văn, tâm lý giáo dục, giáo dục quốc phòng – an ninh, sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Pháp, sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục đặc biệt, quản lý giáo dục, sư phạm triết học, giáo dục công dân; chương trình đào tạo này sẽ được sắp xếp lại và theo đó tiến trình cũng thay đổi để đáp ứng chuẩn đầu ra của đối tượng GV là THCS. Tổng số tín chỉ nhóm này được đề xuất tối thiểu là 135 tín chỉ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục không đồng tình với chương trình dạy sư phạm hiện nay. Ông Lê Tự Hải, Trưởng khoa Hóa – ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng đào tạo GV THCS phải có chương trình riêng, đi từ đầu đến cuối. Không thể đang đi một chương trình, đến nửa đường dừng lại. Bên cạnh đó, trao quyền lựa chọn cho người học cũng gây hiệu ứng tâm lý không tốt đối với SV. Nhiều em nghĩ rằng, học không được thì dừng lại, xuống dạy THCS.
PGS.TS Lê Quang Sơn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cũng không đồng ý trên con đường đào tạo GV THPT lại cắt khúc để cho ra GV THCS bởi đây là hai việc khác nhau, không thể chung được. Theo GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc cố gắng giảm nhẹ số tín chỉ đào tạo GV, nhất là với GV giảng dạy các môn tích hợp tới đây là không tưởng. Nói đơn giản, một quyển sách giáo khoa toán quá mỏng là thảm họa, không thể tạo ra môi trường trải nghiệm đủ để kiến tạo kiến thức. Đó chỉ là cách đánh lừa dư luận. GS. Thái ví dụ: Tôi có đứa con học lớp 6, một tiết 45 phút cô giáo phải dạy nào mặt phẳng tọa độ, cách xác định điểm trên mặt phẳng tọa độ, cho một điểm tìm hai tọa độ, cho hai tọa độ tìm ra điểm, rồi đồ thị hàm số… Những khái niệm khó như thế, tôi là giáo sư toán và cũng là một “thợ dạy”, một thầy một trò mà mất cả giờ.
Đổi mới bắt đầu từ giáo dục phổ thông

Giáo sinh của Trường ĐH Sài Gòn hân hoan trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: A.Khôi

Theo PGS.TS Lê Quang Sơn (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), việc đào tạo GV phải là một quá trình liên tục, bao gồm ba chặng cơ bản: Đào tạo trong giảng đường ĐH, những năm đầu “nhập nghề” ở trường phổ thông và bồi dưỡng thường xuyên.  Nhưng hiện nay, việc đào tạo GV mới chỉ chủ yếu tập trung vào chặng đầu tiên và gần như bỏ qua hai chặng còn lại. Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm – ĐH Huế cũng chia sẻ mục đích của các trường ĐH sư phạm là đào tạo GV cho các trường phổ thông, vì vậy khi xây dựng chương trình phải có hình bóng, cấu trúc của chương trình phổ thông. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có chương trình sách giáo khoa, cấu trúc năng lực và chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông thì mới có thể tạo ra một mô hình đào tạo sư phạm. Vấn đề cần đặt ra hiện nay đúng là “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Do vậy, đề án đổi mới đào tạo trong các trường sư phạm cần phải dài hơi hơn, phải có điểm nhìn vượt thời gian, phát hiện được xu hướng phát triển theo hướng phân hóa, tích hợp, đặt người học làm trung tâm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng các trường ĐH sư phạm không nên triển khai mô hình đào tạo theo kiểu: Trên cùng một khung chương trình đào tạo chung, tùy thuộc thời lượng và số lượng môn học, số lượng tín chỉ mà SV tích lũy, đơn vị đào tạo sẽ cấp bằng ĐH (với đủ điều kiện giảng dạy ở bậc THPT) hay bằng CĐ (với các yêu cầu đủ để GV giảng dạy ở bậc THCS). PGS.TS Lê Quang Sơn, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho rằng việc đổi mới mô hình và chương trình đào tạo các trường ĐH sư phạm cần phải đặt vấn đề đào tạo GV THPT (có trình độ ĐH) và đào tạo GV THCS (có trình độ ĐH) một cách độc lập.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, các trường ĐH sư phạm nên xây dựng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm bậc THCS. Các chuyên gia cũng băn khoăn hiện nay, hầu hết các cấp đào tạo như mầm non, tiểu học, THPT đều có khung chương trình đào tạo cử nhân; các trường sư phạm có khoa giáo dục mầm non, sư phạm tiểu học… Vậy tại sao GV cấp THCS lại không có bậc đào tạo ĐH? Lâu nay, chúng ta vẫn quen với việc đưa GV THPT về dạy THCS mà chưa có sự chuyên biệt hóa.
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)