Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Trường TC không dành riêng cho học sinh yếu, kém

Tạp Chí Giáo Dục

Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, trường TC đào tạo rất ít ngành nghề hoặc môi trường học tập chỉ phù hợp với học sinh nam, nhất là những em có học lực yếu, kém. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường TC trên địa bàn TP.HCM không chỉ đào tạo đa ngành mà còn có thêm nhiều ngành học mới phù hợp cho cả nam và nữ, cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường chiếm tỉ lệ cao.

Học sinh và phụ huynh tham dự chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” tại Trường THCS Rạng Đông

Đó là nhận định của các chuyên gia tư vấn trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 diễn ra tại Trường THCS Rạng Đông (Q.Bình Thạnh) mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM và nhiều đơn vị tổ chức với sự tham dự của hàng trăm phụ huynh và học sinh 4 trường THCS trên địa bàn (Rạng Đông, Nguyễn Văn Bé, Bình Lợi Trung và Lê Văn Tám).

Trường TC có hạn chế về ngành nghề?

Nếu như trước đây, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh chỉ có 2 con đường là học tiếp ở trường THPT công lập và nghỉ hẳn, thì hiện nay với sự phát triển của xã hội nhất là ở lĩnh vực giáo dục, các em có nhiều con đường để đi sau khi tốt nghiệp THCS. Trong đó, học nghề tại các trường TC được nhiều em lựa chọn, kể cả những em có học lực khá, giỏi vì không chỉ được rút ngắn thời gian, nhận được hai văn bằng sau khi ra trường mà còn được miễn giảm học phí.

Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại cho rằng trường TC đào tạo rất ít ngành nghề, môi trường học tập chỉ phù hợp với học sinh nam nhất là những em có học lực yếu, kém. Trao đổi về ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Vũ (đại diện Trường TC Công nghệ Bách Khoa) khẳng định: Hiện Trường TC Công nghệ Bách Khoa đào tạo tới 24 ngành nghề thuộc 4 khối: kinh tế – du lịch; kỹ thuật – công nghệ; sức khỏe và sư phạm – xã hội với thời gian học 3 năm. Trong quá trình học, học sinh chỉ học 30% lý thuyết, 70% dành thực hành tại các doanh nghiệp. Với số lượng kiến thức này, các em sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, rèn luyện được tay nghề, sau khi ra trường, cơ hội việc làm không kém sinh viên tốt nghiệp ĐH. “Nếu học sinh nào có nhu cầu học cao hơn có thể chuyển tiếp lên ĐH tại trường trong vòng 2,5 năm, lịch học chỉ rơi vào ngày thứ bảy và chủ nhật, thời gian còn lại các em có thể đi làm thêm”, ông Vũ cho biết.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Chương (Trưởng  ban Tư vấn hướng nghiệp, Trường TC Việt Giao) thông tin một số ngành nghề phù hợp cho cả nam và nữ như: thiết kế đồ họa đa phương tiện; công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông; công nghệ kỹ thuật phần cứng máy tính; quản lý doanh nghiệp; tiếng Anh. Theo đó, học sinh được học song song các môn văn hóa và học nghề, học phí 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, học sinh còn được rèn luyện về kỹ năng mềm, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, kỹ năng giao tiếp…

Một phụ huynh học sinh Trường THCS Bình Lợi Trung chia sẻ lo lắng với ban tư vấn

Không chỉ có trường TC dân lập mới đào tạo đa ngành, tại các trường TC công lập cũng cam kết làm hài lòng phụ huynh và học sinh. Bà Trần Thị Phúc (đại diện Trường TC nghề Bình Thạnh) thông tin: “Trường chúng tôi đào tạo các ngành nghề công nghệ ô tô; nghiệp vụ nhà hàng; cắt gọt kim loại; kỹ thuật máy lạnh & điều hòa không khí; kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính; quản trị mạng máy tính; may thời trang; điện lạnh… Đối với ngành nghề thuộc nhóm kỹ thuật, học sinh sẽ học toán, lý, hóa, văn hoặc thêm sử, địa đối với nhóm dịch vụ. Việc học này giúp học sinh nâng cao trình độ văn hóa, đồng thời là điều kiện để các em có nhu cầu học lên CĐ-ĐH. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển học sinh sau THCS từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm”.

Cần loại bỏ ý nghĩ “ăn gì bổ nấy”

Bên cạnh thông tin về ngành nghề, phụ huynh và học sinh còn được tư vấn về tâm lý, sức khỏe. Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn, trong mùa thi do phải “căng não” ôn tập nên phụ huynh thường mua những thức ăn có công dụng bổ não cho con ăn, trong đó có món óc heo vì nghĩ “ăn óc bổ óc”, thậm chí có gia đình còn ép con ăn 1 tuần 7 bữa. Tuy nhiên, đây là việc làm hết sức sai lầm vì trong cơ thể con người thiếu chất thì không ổn, thừa chất cũng không xong. Do đó, để có được một sức khỏe tốt, phụ huynh nên cho con ăn uống hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm và phải đảm bảo đủ buổi: sáng, trưa, chiều. Ngoài ra, học sinh có thể trang bị cho mình 2 hộp sữa để dùng vào 9 giờ sáng và 3 giờ chiều để đảm bảo năng lượng, học tập, thi cử hiệu quả. Bên cạnh đó cần chú ý đến thời tiết: không nên tắm khi cơ thể vừa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì lúc này nhiệt độ cơ thể chưa ổn định nên dễ mắc bệnh. 

Một lưu ý khác được ông Toàn gửi đến học sinh đó là nên ngủ đúng giờ, tốt nhất là từ 0 giờ cho đến 5 giờ sáng, hạn chế sử dụng điện thoại và máy tính sau 9 giờ tối. Vì ánh sáng từ màn hình sẽ đánh lừa thị giác, khiến các em không ngủ được hoặc không có giấc ngủ sâu, như vậy sau khi thức dậy cơ thể sẽ rất mệt mỏi. “Vào lúc này, cha mẹ không nên bắt con phải thi đậu trường này, trường kia mà hãy đồng hành cùng con trong việc chọn trường, chọn nghề. Bên cạnh đó luôn chia sẻ, tâm sự để xem năng lực con mình thế nào, học được ở đâu. Bởi vì con đường nào cũng đi đến thành công cho dù đó là đường vòng hay đường tắt”, ông Toàn nhắn nhủ.

Kiều Khánh

 

Bình luận (0)