|
Tập thể Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm – năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm |
Dù không được tuyên dương trên báo, không nhận được nhiều giấy khen, bằng khen…, nhưng họ luôn tâm niệm phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người” cao quý. Trong môi trường của mình, đồng nghiệp luôn thương mến, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau, đó chính là niềm vui, phần thưởng lớn nhất của người giáo viên.
Cô Lâm Thị Thùy Linh: Luôn hài lòng với nghề
Tròn 35 năm tuổi nghề, biết bao thế hệ học trò đến rồi đi, với cô Lâm Thị Thùy Linh là bấy nhiêu niềm vui với nghề. Cô Linh nhớ lại: Trường đầu tiên tôi dạy là một ngôi trường nhỏ ở Q.4. Lúc bấy giờ, trường chỉ là một ngôi miếu được cải tạo lại làm trường học, buổi họp Hội đồng sư phạm đầu tiên của thầy cô giáo là ngồi quanh gốc đa già. Có những buổi học cô và trò phải “trốn” mưa vì… mái nhà có nhiều sao, còn học trò nhiều em chân đất tới lớp, có em quần áo không đủ mặc, gia đình không có tiền mua sách, tập… Sau đó, tôi được phân công về dạy lớp 1 tại Trường TH Ấp Bắc, Q.1 (sau đổi tên Nguyễn Đình Chiểu). Đến năm 2010, Trường TH Nguyễn Đình Chiểu và Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm được sáp nhập và lấy tên là Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay.
Không lâu nữa là cô Linh sẽ chia tay phấn trắng bảng đen, trong cô tình yêu thương học trò luôn canh cánh. Cô Linh tâm sự: “Chỉ còn một năm nữa, tôi sẽ nghỉ hưu. Tôi hạnh phúc vì thấy các thế hệ học trò của mình luôn chăm ngoan – học giỏi, bản thân được phụ huynh và học sinh kính trọng, đấy chính là phần thưởng lớn nhất”.
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt: Dạy học trò đạo đức làm người
|
Cô Phạm Thị Minh Nguyệt |
Như cô Linh, cô Phạm Thị Minh Nguyệt lại có những kỷ niệm khó quên với nghề. Cô Nguyệt nhớ lại: “Trước khi về công tác tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi giảng dạy tại thành phố “hoa phượng đỏ” (Hải Phòng – PV), lúc này vợ chồng tôi như “Ngưu Lang – Chức Nữ”, vì chồng tôi là bộ đội. Sau nhiều ngày trăn trở, tôi quyết định Nam tiến, công việc vừa ổn định tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ông xã nhận nhiệm vụ về công tác tại TP.Hải Phòng. Có lẽ chỉ có tôi gặp tình huống đặc biệt này”. Rồi thời gian cũng qua nhanh, đến nay thì vợ chồng cô luôn “kề vai sát cánh”, hai con cũng khôn lớn trưởng thành.
Tâm sự về nghề, cô Nguyệt chia sẻ: “Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học trò thì việc dạy đạo đức làm người là “kim chỉ nam” để tôi hướng các em tới! Tôi rất hạnh phúc vì được công tác tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, một ngôi trường có truyền thống dạy tốt – học tốt, đặc biệt mỗi thế hệ quản lý đều để lại một dấu ấn rõ nét. Như năm học 2015-2016, trường có Ban Giám hiệu trẻ về tuổi đời nhưng rất tâm lý, sâu sắc, năng động đã tiếp tục thổi một luồng gió mới vào các hoạt động dạy – học của trường”.
Cô Trần Thị Thu Vân: “Giáo sư biết tuốt”
|
Cô Trần Thị Thu Vân (bên phải) |
Cô Trần Thị Thu Vân chia sẻ, giáo viên là người góp phần quyết định sự thành công hay thất bại trong công tác giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, giáo viên TH đóng vai trò hết sức quan trọng bởi học sinh bậc học này vẫn đang ở lứa tuổi vừa học vừa chơi. Với tâm lý: Luôn coi cô giáo của mình là thần tượng, “giáo sư biết tuốt” của học sinh nên giáo viên phải là bạn của các em, gần gũi với các em để biết các em cần gì, muốn gì?
Cô Vân nhớ lại: “28 năm dạy học, tôi có biết bao kỷ niệm khó quên với nghề nhưng có lẽ một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là năm 2010. Năm đó, tôi được phân công dạy lớp 1/1, trong lớp có học trò K.D. bị tăng động, không bao giờ chịu ngồi yên hay tập trung nghe cô giảng bài, trong khi đó, thời gian ổn định để tập trung giảng bài của lớp 1 chỉ diễn ra trong vòng 1 đến 2 phút. Vì vậy, khi giảng bài tôi cho em ngồi bên cạnh mình. Chính nhờ phương pháp này, em K.D. đã ngày một tiến bộ, biết lắng nghe và tập trung khi cô giảng bài. Cuối năm học đó em đã hoàn thành những kỹ năng cần thiết của học sinh lớp 1, biết đọc thông, viết thạo. Vừa rồi, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, K.D. ngày đó giờ đã là học sinh lớp 6 đã quay về trường thăm tôi. Nhìn thấy tôi, em mừng lắm, ôm chầm lấy tôi và nói: “Con cám ơn cô nhiều lắm. Cô là người mẹ thứ hai của con. Cô đã dìu dắt và dạy dỗ con nên người”.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hương (Tổ trưởng khối 4): Quá khứ cho ta nghị lực sống
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Mỹ Hương nói: 23 năm tuổi nghề, khoảng thời gian đủ cho tôi tự hào và hài lòng về nghề nghiệp của mình. Bao lớp học trò được dìu dắt, dạy dỗ nay đã trưởng thành và thành công trong công việc, trong cuộc sống. Suốt khoảng thời gian đó, bên cạnh những thuận lợi, tôi cũng có không ít khó khăn với nghề. Tuy nhiên, bằng tấm lòng của người mẹ, bằng kinh nghiệm tích lũy được qua từng năm học, mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn.
Cô Hương nhớ lại: “Tôi ra trường năm 1992, nhóm giáo viên trẻ chúng tôi được phân công về giảng dạy tại Trường TH Tân Lập 1 thuộc Nông trường Tân Lập, huyện Tân Phước, Tiền Giang. Hằng ngày, đúng 6 giờ sáng là chúng tôi tập kết tại cửa ngõ vào nông trường rồi bắt đầu cuộc hành trình trên “con ngựa sắt” của mình. Hai bên đường là những hàng bạch đàn chạy dài, không một quán nước, không một ngôi nhà dân. Học sinh của trường đa số là con em công nhân nông trường, cuộc sống của họ rất khó khăn. Từ điểm chính, chúng tôi gửi xe rồi băng qua những cây cầu khỉ, men theo bờ đê để đến lớp học, chuyện “lọt cầu khỉ”, “chụp ếch” hoặc say nắng trên đường về là chuyện thường ngày. Đến năm 1994, tôi về công tác tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hơn 20 năm trôi qua, nông trường đã có nhiều thay đổi! Mỗi lần về quê, đi ngang cửa ngõ nông trường, tôi lại ngoái nhìn như tìm về kỷ niệm đẹp ngày xưa”.
Cô Đặng Ngọc Hân: “Tôi thật may mắn…”
|
Tập thể giáo viên khối 4. Cô Nguyễn Thị Mỹ Hương (bên trái), cô Đặng Ngọc Hân (thứ hai bên phải sang) |
Như bao giáo viên trẻ mới ra trường, tôi rất bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy của mình. Khó khăn lớn nhất đối với tôi, có lẽ là công tác chủ nhiệm: Quản lý lớp sao cho hiệu quả, phát triển đạo đức và nhân cách cho học sinh sao cho phù hợp… Có những lúc khó khăn dồn dập, tôi cũng đã từng hoài nghi về năng lực của bản thân mình.
Và tôi thật may mắn khi có những người đồng nghiệp đi trước đã động viên và tận tình chỉ bảo. Nghe theo lời khuyên của các thầy cô, tôi học tính kiên nhẫn: Kiên nhẫn học hỏi kinh nghiệm từng chút một như chú ong đi tìm mật vậy; kiên nhẫn thực hiện từng biện pháp một để điều chỉnh dần dần, mạnh dạn rèn luyện những kỹ năng còn yếu. Tôi cố gắng học hỏi từng ngày, học từ sách báo, học từ đồng nghiệp, bạn bè… Dần dần, tôi đã trở nên tự tin hơn trong công tác giảng dạy so với những ngày đầu đứng lớp.
Được lãnh đạo nhà trường tin tưởng, năm qua tôi được phân công đảm nhận vị trí Bí thư Chi đoàn trường. Với vai trò mới, dù đôi lúc bỡ ngỡ nhưng tôi nhanh chóng vượt qua, vì Chi đoàn chúng tôi là một tập thể đoàn kết, tập hợp nhiều bạn trẻ năng động, đầy nhiệt huyết cống hiến ý tưởng, công sức cho những hoạt động chung.
Q.Huy (ghi)
Tin liên quan
Trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và luyện thi IELTS tại Việt Nam, việc xây dựng và duy trì mối quan...
Năm 2024 tiếp tục ghi dấu bước phát triển mạnh mẽ của IELTS Mentor khi trung tâm không chỉ mở rộng hệ...
Ra đời vào năm 2021, IELTS Mentor đã nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị đào tạo tiếng Anh uy...
Vừa qua, các sinh viên Trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn đã chính thức bước vào ngày thi đầu tiên của...
Bình luận (0)