Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trưởng thành từ những sân chơi bổ ích

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tiên giáo dục học sinh sống có trách nhiệm phải được thực hiện trong từng tiết dạy gắn liền với các bộ môn, nhất là các bộ môn văn, sử, địa, GDCD. Nhưng như thế vẫn chưa đủ nếu thiếu các hoạt động phong trào mang tính tập thể cao như các hoạt động ngoại khóa; thi Rung chuông vàng, Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia… mô phỏng những game show về trí tuệ. Những hoạt động đó vừa giáo dục đạo đức vừa nâng cao tri thức cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm tới các hoạt động giáo dục truyền thống của dân tộc, giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần lao động và cống hiến, biết ơn và nghĩa vụ đối với đất nước. Đó là những buổi nói chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu tù chính trị, gia đình có truyền thống yêu nước như gia đình luật sư Nguyễn Hữu Thọ – nguyên Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là giây phút các em biết nhìn lại mình, nhìn lại trách nhiệm bản thân sống và học tập làm sao để xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước mà không hổ thẹn.

Nếu học sinh vi phạm nội quy thì phải xử phạt có tình, có lý; đã “la” thì phải “la” cho đúng để các em nể phục. Chúng tôi thường nói vui “phải làm sao không có học sinh cá biệt để hội đồng kỷ luật nhà trường thất nghiệp dài dài”. Nếu học sinh vi phạm nhiều thì có thể là do nhà trường tổ chức giáo dục chưa tốt, chưa tạo được sân chơi bổ ích cho các em. Tóm lại, các em học sinh không chỉ có sống trách nhiệm cho bản thân mà còn có trách nhiệm với gia đình – hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; có trách nhiệm với cộng đồng để xây dựng một lối sống tốt trong xã hội.

Nguyễn Văn Thành
(Hiệu trưởng Trường THPT
Tenlơman, TP.HCM)

Bình luận (0)