Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trưởng thành từ những “sân chơi” học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Bước ra từ hai “sân chơi” học đường Liên hoan Chú ve con do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Công viên Nước Đầm Sen tổ chức và Tìm kiếm gương mặt điển hình của tuổi teen Việt Nam – HotVteen của Báo Giáo Dục TP.HCM chuyên đề cuối tuần VTM, các gương mặt này đã từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực nghệ thuật, được các fan tuổi teen rất yêu mến.
“Chú ve” và bộ sưu tập giải thưởng

Hải Đăng làm khách mới trong Liên hoan Chú ve con 2011

Mới 10 tuổi, cậu bé Hải Đăng đã thi đỗ thủ khoa vào Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nơi được xem là cái nôi nuôi dưỡng âm nhạc. Khi cùng gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống, Đăng tiếp tục việc học văn hóa tại Trường THPT Phan Đăng Lưu. Ở đây, Đăng nổi tiếng không chỉ học giỏi mà còn là “ cây” văn nghệ số một của trường suốt ba năm phổ thông. Ngay từ khi mới bước chân vào lớp 10, Đăng đã gặt hái một thành công lớn cho phong trào văn nghệ của trường: Nhóm Hoa ban đỏ đoạt giải nhất Liên hoan Chú ve con 2004, bản thân Đăng “rinh” giải Giọng ca nam xuất sắc nhất. Năm 2006, Đăng thi đỗ thủ khoa vào Trung cấp Nhạc viện TP.HCM rồi thủ khoa khi tốt nghiệp trường này. Hiện, Hải Đăng tiếp tục học lên hệ ĐH Nhạc viện TP.HCM bởi ước mơ của Đăng không chỉ là một ca sĩ chuyên nghiệp được yêu thích mà còn là một giảng viên thanh nhạc giỏi. Thời gian qua, Đăng đoạt tiếp giải nhất cuộc thi Tiếng hát phát thanh TP.HCM và giải vàng Giọng ca vàng VOH 2011. Gương mặt điển trai, vóc dáng sáng sân khấu, hát hay, có nhiều fan tuổi teen hâm mộ nhưng Đăng lúc nào cũng rất hiền lành, khiêm tốn. Gặp lại Hải Đăng trong Liên hoan Chú ve con 2011 vừa qua với tư cách là một khách mời trở về biểu diễn, GS. nhạc sĩ Thế Bảo rất bất ngờ trước sự trưởng thành của Đăng về phong cách biểu diễn lẫn chất giọng được xử lý một cách rất chuyên nghiệp. Hiện, Đăng cùng một nhóm bạn thành lập một công ty dịch vụ giải trí chuyên tổ chức các chương trình ca nhạc dành cho SV-HS. Đăng cho biết: “Để theo đuổi con đường này, bản thân Đăng đã không ngừng trau dồi khả năng, học hỏi và khám phá. Ai cũng có thể hát hay nhưng hơn nhau ở vốn kiến thức tiếp thu được”.
Khi HotVteen là nhà giáo

Cô giáo trẻ Hương Quỳnh đậm chất miền Tây

Với lợi thế là giọng nói ngọt ngào và gương mặt đúng chuẩn “Người đẹp Tây Đô”, Phạm Thụy Hương Quỳnh, giáo viên Trường THPT Phan Ngọc Hiển, “Đại sứ” HotVteen toàn quốc 2008 cho biết: “Ngay từ thời học cấp 2, Quỳnh đã mơ ước được làm cô giáo. Không ngờ bây giờ ước mơ ấy đã thành hiện thực. Khi đứng lớp lần đầu, Quỳnh cảm thấy hồi hộp nhưng cũng tự hào lắm. Một kỷ niệm mà Quỳnh không thể quên đó là hôm đầu tiên mới đến trường kiến tập trong bộ áo dài rất chững chạc và nghiêm nghị, không ngờ đi ngang qua một lớp, các em HS chạy ra hỏi: “Cô có phải là HotVteen Hương Quỳnh không?”. Quỳnh rất bất ngờ nhưng cũng đầy sung sướng, hãnh diện gật đầu…”. Hương Quỳnh sinh năm 1989, đã tốt nghiệp Khoa Sư phạm Pháp văn Trường ĐH Cần Thơ. Thời phổ thông, ba năm liền Quỳnh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố môn Pháp văn. Trong vòng chung kết HotVteen toàn quốc 2008, Quỳnh gây ấn tượng mạnh với thông điệp về việc Bảo tồn và duy trì hình ảnh chiếc xe lôi – một nét văn hóa giao thông đặc trưng của Cần Thơ. Một điều đặc biệt nữa, Quỳnh là thành viên của nhóm nhảy Jolie và nhóm hát Pha lê, cô giáo trẻ này từng đoạt huy chương bạc trong cuộc thi Tiếng hát Trường ĐH Cần Thơ đồng thời tham gia biểu diễn ở các chương trình văn nghệ của tỉnh nhà. “Quỳnh rất tự hào vì được sinh ra trên vùng đất Tây Đô dù có người cho rằng Quỳnh hơi “quê mùa” và “hai lúa”. Danh hiệu “Đại sứ” HotVteen toàn quốc 2008 mà Quỳnh nhận được không chỉ là niềm vui của bản thân mà còn là niềm vui chung của nhiều bạn gái khu vực đồng bằng sông Cửu Long” – Quỳnh tâm sự như thế!
Bài, ảnh: Song Minh 

 

Bình luận (0)