Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường THCS An Phú: “Trái ngọt” của ngành giáo dục Q.2

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trường THCS An Phú (Q.2) thành lập từ năm 1972, trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, từ một ngôi trường ban đầu được xây dựng để phục vụ cho việc dạy học sinh tiểu học và con em địa phương. Trong quá trình giảng dạy, trường đã nhiều lần đổi tên theo chức năng giảng dạy. Ngày nay, Trường THCS An Phú đã trở thành ngọn cờ đầu của ngành giáo dục Q.2.

Trường nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục

Với phương châm giáo dục toàn diện, bên cạnh việc chú trọng đào tạo về kiến thức, nhiều năm qua, trường luôn đề cao việc trang bị những kỹ năng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức cho học sinh. Phong trào đọc sách tại thư viện được nhà trường phát triển mạnh. Bên cạnh thư viện truyền thống, trường còn có thư viện thân thiện với hàng ngàn đầu sách phong phú, tạo sự thân thiện, thú vị thu hút đông đảo học sinh đến đọc sách. Tạo ra thói quen văn minh, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo luôn được nhà trường chú trọng xây dựng, bồi dưỡng cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo. Các thầy cô giáo luôn mạnh dạn đi đầu trong việc áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực vào trong giờ học, lấy học sinh làm trung tâm, đề cao sự sáng tạo, tích cực của học sinh, thay đổi phương pháp đánh giá học sinh.

Tặng thưởng cho học sinh giỏi của trường

BGH nhà trường luôn chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường và cấp quận; Đẩy mạnh hoạt động tổ nhóm chuyên môn, phát huy vai trò của tổ trưởng. Đưa nội dung họp tổ/nhóm đi sâu vào công tác chuyên môn. Từ đây giúp nhà trường tổ chức được nhiều tiết học ngoài nhà trường, tiết học trên thư viện và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài giờ học, tăng thêm những trải nghiệm cho học sinh.

BGH cũng phát động GV trong việc làm thêm đồ dùng dạy học. GV tích cực đầu tư trong việc giảng dạy và làm đồ dùng dạy học phục vụ tiết dạy. Động viên GV áp dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy (thiết kế bài dạy trên máy tính qua tổ chức hội thi, tiết thao giảng cấp trường, quận, tiết TTSP).

Việc tổ chức dạy học môn năng khiếu, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tiết học ngoài nhà trường và các chuyên đề giáo dục… cũng luôn được nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục. Các câu lạc bộ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể thao, Văn hay chữ tốt, Khéo tay kỹ thuật, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa đặc biệt là ở lớp 9 đã phát huy năng khiếu của học sinh nhằm tạo nguồn lực tham gia các hội thi, cuộc thi do các cấp tổ chức đồng thời có định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tiết học ngoài nhà trường như cho học sinh khối 6, 7 tham quan tại Thảo Cầm Viên và siêu thị AEON MALL Bình Dương; học sinh khối 8, 9 tham quan học tập tại Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng tranh 3D; học sinh các khối thi thuyết minh về cách làm lồng đèn, cách chưng mâm cỗ Trung thu và ý nghĩa ngày Tết Trung thu trong “Đêm hội trăng rằm”; Tổ chức các tiết học tại thư viện; Tổ chức giao lưu chuyên đề “Phòng tránh bạo lực học đường”; Tổ chức cho 732 học sinh tham quan học tập trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi, Công viên nước RIO Long An. Học sinh được trải nghiệm trong khuôn viên rộng hơn 88,17ha với đa dạng các loại cây nông nghiệp được trồng và quy hoạch theo công nghệ hiện đại và đặt biệt là sản phẩm sạch; – Tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Thị Nghè, GV và học sinh quyên góp 20 triệu đồng và nhiều phần quà để giúp đỡ trung tâm… Những hoạt động không chỉ trang bị kỹ năng sống cho học sinh mà trên hết, còn giáo dục được các em lòng yêu thương, biết sẻ chia, hình thành nhân cách..

Trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo

Công tác xã hội hóa giáo dục cũng là một điểm nhấn của trường. Không chỉ vận động sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh, nhà trường còn vận động được nhiều tài trợ từ các trung tâm, các công ty… với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài các suất học bổng cả năm học cho học sinh khó khăn trong trường, các tài trợ còn là những cơ sở vật chất… hỗ trợ hoạt động dạy và học của nhà trường ngày một nâng cao. Năm học 2017-2018, trường đã phát động chương trình nuôi heo đất trong toàn thể cán bộ, GV, nhân viên và học sinh. Tổ chức khui heo đất nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26-3-2018 được tổng cộng 11.654.000 đồng.

Từ những nỗ lực cố gắng không ngừng của thầy và trò nhà trường, trong năm học 2017-2018 vừa qua, thành quả giáo dục nhà trường đã gặt được nhiều “trái ngọt”. Kết quả giáo dục cao hơn so với năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn 3,25% (năm 2016-2017: 77,38%, năm 2017-2018: 80,36%,); tỷ lệ học sinh yếu kém giảm so với cùng kỳ năm 2016-2017: 0,29% (2016-2017: 1,65%, năm 2017-2018: 1,36%). Thi tuyển sinh lớp 10, có kết quả trúng tuyển lớp 10 công lập và học sinh đậu vào các trường Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Gia Định, Trưng Vương cao nhất quận. Thi đua cuối năm, trường đạt 10 chiến sĩ thi đua cơ sở, được Hội đồng Thi đua quận đề nghị 1 chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Tập thể Lao động xuất sắc cấp thành phố, nhận Cờ thi đua cấp thành phố, Huân chương Lao động hạng nhì. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2021.

Theo cô Mai Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường – sự nghiệp trồng người phía trước có thể còn lắm khó khăn nhưng trong năm học mới 2018-2019, thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục cố gắng, phát huy hơn nữa những thế mạnh đã đạt được trong năm học vừa qua để trái ngọt sẽ thêm vun đầy, sum suê.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)