Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường THCS công lập trình độ, chất lượng cao: Mô hình nên nhân rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Quan điểm đúng đắn "Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển" đã và đang trở thành hiện thực trong đời sống xã hội. Nhiều gia đình, dòng họ thực sự coi đầu tư cho con cháu là đầu tư cho sự phát triển bền vững của gia đình, dòng họ". Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới quản lý, xây dựng những mô hình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người dân đối với ngành GD-ĐT ngày càng cao. Trường công lập trình độ,  chất lượng cao phải chăng là một mô hình phù hợp?
"Cung", "cầu" đều sẵn   
Trước năm 1997, ở Hà Nội đã có hệ thống các trường THCS chuyên hoặc có lớp chuyên, nhưng trước những biểu hiện lệch lạc của nó nên từ năm học 1996 – 1997 Bộ GD-ĐT chỉ đạo bỏ trường chuyên, lớp chuyên ở cấp THCS.
Một giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Amsterdam. Ảnh: Phương Thanh
Với uy tín sẵn có, với đội ngũ giáo viên dạy chuyên và điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư, những đơn vị này được cha mẹ học sinh (CMHS) mặc nhiên thừa nhận, suy tôn là trường chất lượng cao. Nhờ kết quả dạy và học, tỷ lệ đỗ vào các trường chuyên, lớp chọn và các trường THPT công lập hằng năm cao hơn các trường THCS khác nên các trường chất lượng cao cũng là các trường điểm và luôn là điểm nóng về tuyển sinh. Nhiều năm nay, Sở GD-ĐT chỉ đạo phải thực hiện "3 tăng, 3 giảm" trong tuyển sinh lớp đầu cấp, tuy nhiên kết quả không được là bao, tình trạng mất cân đối luôn xảy ra. Những trường điểm có quy mô trường lớp quá lớn, sĩ số HS vượt hơn quy chuẩn của Bộ GD-ĐT không hiếm (có trường có tới 70 lớp, sĩ số học sinh có lớp tới 58 học sinh/lớp), số HS trái tuyến chiếm tỷ lệ tới hơn 50%. Để giữ quy mô trường lớp, nhiều trường phải đặt ra những tiêu chí để tuyển sinh trái tuyến và sau khi HS được tuyển vào trường còn tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng các môn học như toán, văn, Anh văn để xếp lớp. Vì vậy, áp lực học thêm ngay từ những năm lớp 4, lớp 5 để chuẩn bị cho mục đích được vào học tại các trường, lớp chất lượng cao không hề nhỏ, diễn ra công khai và không thể kiểm soát được.
Từ năm học 1993-1994, hệ THCS cũng được thí điểm trong Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam với mục đích tạo nguồn HS chuyên. Từ năm học 1993-1994 đến năm học 1996-1997, hệ THCS của Trường THPT Hà Nội – Amsterdam cùng với các trường chuyên THCS, trường THCS có lớp chuyên của các quận, huyện cùng làm nhiệm vụ tạo nguồn HS giỏi cho cấp THPT. Thời gian này, số HS đăng ký thi vào hệ THCS Trường Hà Nội – Amsterdam tương đương với số HS xin thi vào các trường chuyên, trường có lớp chuyên THCS của các quận, huyện (khoảng 500 HS). Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ, các trường THCS của các quận, huyện không tổ chức lớp chuyên và không thi tuyển nên nguyện vọng và kỳ vọng của CMHS Hà Nội mong muốn cho con được học chương trình cao tập trung vào hệ THCS của Trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Số HS đăng ký thi tuyển vào đây không ngừng tăng lên, những năm học gần đây lên tới 2.000 em, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là 200. Áp lực thi tuyển vào lớp 6 Trường Hà Nội – Amsterdam không khác gì kỳ thi tuyển vào đại học. Hiện tượng này phản ánh nguyện vọng của CMHS và HS mong muốn được học chương trình giáo dục trình độ, chất lượng cao là rất lớn.
Cần phá thế "độc canh" 
Năm học 2009-2010, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam thí điểm thực hiện chương trình giáo dục trình độ, chất lượng cao. Nhưng cũng giống như những năm vừa qua (chỉ riêng Trường Hà Nội – Amsterdam được tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6, dẫu được mang danh là Sở tổ chức một kỳ kiểm tra) thì việc chỉ cho trường này thực hiện chương trình giáo dục trình độ, chất lượng cao sẽ tạo nên thế "độc canh" không có lợi cho cả hệ thống giáo dục lẫn người học.
Để tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho HS giỏi tiểu học của các quận, huyện được học chương trình giáo dục trình độ, chất lượng cao cấp THCS, Sở GD-ĐT Hà Nội nên có định hướng chỉ đạo, hướng dẫn cho phép các quận, huyện xây dựng các trường THCS công lập thực hiện chương trình giáo dục trình độ, chất lượng cao. Nếu được như vậy, Hà Nội sẽ hình thành một hệ thống các trường THCS công lập trình độ, chất lượng cao cùng có nhiệm vụ tạo nguồn HS giỏi cho các trường THPT, đáp ứng nhu cầu của CMHS. Hệ thống trường này cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bồi dưỡng HS giỏi, giảm áp lực thi vào lớp 6 Trường Hà Nội – Amsterdam, đồng thời giải quyết hiện tượng HS ở quá xa trường, cha mẹ phải đưa con đi học gây khó khăn cho hệ thống giao thông đang quá tải hiện nay. Mặt khác, các trường THCS công lập trình độ, chất lượng cao còn tạo cơ hội để giáo viên giỏi dạy cấp THCS của các quận, huyện thể hiện và cống hiến tài năng.
Trường THCS thực hiện chương trình giáo dục trình độ, chất lượng cao hoàn toàn khác chương trình giáo dục của các trường chuyên, lớp chuyên THCS trước đây. Việc xây dựng hệ thống trường THCS theo mô hình này không phải là khôi phục lại hệ thống trường chuyên, trường có lớp chuyên cấp THCS, bởi trường THCS trình độ, chất lượng cao phải bảo đảm chất lượng chăm sóc và giáo dục toàn diện ở mức cao, trong đó có đáp ứng yêu cầu phát triển năng khiếu của từng HS.
Nguyễn Thế Đại/HNM

Bình luận (0)