Được coi là ngọn cờ đầu của ngành giáo dục và đào tạo Q.Bình Thạnh, nhiều năm qua, thầy và trò Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) đã không ngừng nỗ lực trong công tác dạy và học, ngày càng khẳng định vị thế giáo dục trong lòng giáo dục thành phố, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục 4.0 và thời đại toàn cầu hóa. Năm học 2019-2020, trường đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Tiết mục đạt giải nhất cấp thành phố Hội thi Em yêu Tổ quốc Việt Nam của học sinh nhà trường
Song song với giáo dục văn hóa, để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động giáo dục mang tính quốc tế. Trong đó, nổi bật và trở thành “thương hiệu” của trường, được duy trì trong nhiều năm nay là hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục với học sinh và giáo viên đến từ trường học ở nhiều quốc gia như Malaysia, Singapore, Australia… Thông qua hoạt động không chỉ là cơ hội để giáo viên, học sinh nhà trường được tìm hiểu, học hỏi, khám phá những nét độc đáo về văn hóa, giáo dục của các quốc gia khác nhau mà còn là dịp để học sinh trang bị thêm các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tự tin giao tiếp, thuyết trình, thể hiện bản thân… cùng việc rèn luyện khả năng tiếng Anh… để sẵn sàng đương đầu với “thế giới ngoài kia”. Mỗi chuyến giao lưu cũng chính là dịp nhà trường “tận dụng” quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế qua các món ăn, văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian. Đây cũng là cách để nhà trường giáo dục học sinh về văn hóa truyền thống, nhắc nhở học sinh về trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, trở thành những “đại sứ” văn hóa.
Học sinh nhà trường trong tiết mục giải nhất Hội thi Kể chuyện di tích lịch sử Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt
Trong nỗ lực giáo dục học sinh trở thành công dân toàn cầu, tự tin, sáng tạo, biết quan tâm, hoạt động dạy và học tiếng Anh trong trường cũng được chú trọng đẩy mạnh với nhiều đổi mới. Bên cạnh các tiết học sáng tạo, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, Tổ tiếng Anh của trường còn thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa với các chủ đề khác nhau, “mở” ra môi trường để học sinh được học tập, rèn luyện và trau dồi khả năng tiếng Anh. Đặc biệt, năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên nhà trường thành lập CLB Tiếng Anh. CLB là sân chơi học thuật hoàn toàn miễn phí, vừa học vừa chơi cho học sinh toàn trường. Thông qua các chuyên đề, chủ đề, trang mạng xã hội của CLB, học sinh được thường xuyên giao tiếp với nhau, giao tiếp với thầy cô dạy tiếng Anh và giáo viên bản ngữ… qua đó tăng cường vốn từ vựng, khả năng tiếng Anh và hoàn thiện các kỹ năng sống.
Học sinh nhà trường tham gia trong hoạt động ngoại khóa tiếng Anh
Hướng tới giáo dục toàn diện học sinh, cạnh tiếng Anh và kỹ năng của công dân toàn cầu, giáo dục truyền thống cũng là khía cạnh được nhà trường quan tâm, tích cực đẩy mạnh. Hoạt động giáo dục này không chỉ được lồng ghép tích hợp trong các bộ môn như ngữ văn, sử, địa, giáo dục công dân qua các tiết học, chuyên đề đổi mới mà còn được gắn trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, các dịp lễ, ngày kỷ niệm… qua đó hướng học sinh tới lối sống đẹp, có trách nhiệm, biết yêu thương và thấu hiểu truyền thống. Phải kể đến chuyên đề “Giáo dục tình yêu thương và lối sống có trách nhiệm cho học sinh” qua tác phẩm “Cô bé bán diêm” trong bộ môn Ngữ văn 8; chuyên đề tích hợp liên môn giữa ngữ văn và lịch sử trong bộ môn Ngữ văn 9, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh qua văn bản “Hoàng Lê nhất thống chí” (Hồi thứ 14). Đó còn là những đổi mới trong bộ môn lịch sử theo từng khối lớp, đưa môn học đến gần với học sinh, tạo niềm yêu thích cho học sinh thông qua các tiết học trải nghiệm thực tế tại địa chỉ đỏ như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…; gắn với lịch sử địa phương như Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt… Từ những “hành trình” đó, học sinh trong trường đã trưởng thành hơn, mạnh dạn tham gia vào các hội thi lịch sử đạt nhiều giải cao: Giải nhất Hội thi Kể chuyện di tích lịch sử Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt; Giải nhất Hội thi Em yêu Tổ quốc Việt Nam cấp thành năm học 2019-2020.
Học sinh nhà trường trong hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục với học sinh quốc tế
Một phần không thể thiếu trong giáo dục học sinh trở thành những công dân toàn cầu của nhà trường đó là các hoạt động thiện nguyện. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia vào các chương trình đậm đà tính nhân văn, giáo dục học sinh hướng đến lẽ sống đẹp, sống có lòng nhân ái, yêu thương và chia sẻ. Có thể kể đến các hoạt động như giao lưu với các đơn vị như đoàn văn nghệ Trung tâm Dạy nghề nhân đạo; Thăm và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường THCS Phước Minh (Tây Ninh)…
Trong hành trình giáo dục học sinh trở thành những công dân toàn cầu thời hội nhập, vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa hiểu biết văn hóa quốc tế nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đang ngày càng cố gắng. Đội ngũ giáo viên luôn tiên phong đổi mới, học hỏi, mạnh dạn đưa các phương pháp dạy học tích cực vào trong môn học, mang lại sự hứng thú cho học sinh, nâng cao kết quả học tập và rèn luyện.
P.V
Bình luận (0)