Phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) được đặt ở tầng trệt. Từ 2 năm nay nơi đây trở thành địa chỉ yêu thích của học sinh. Tư tưởng “có vấn đề mới đến phòng tâm lý” đã không còn tồn tại, thay vào đó học sinh đến với phòng tư vấn tâm lý để trò chuyện, chia sẻ, giãi bày những câu chuyện nhỏ, buồn vui hàng ngày trong học tập… Nhờ vậy mà thầy cô nhà trường đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh để… đến gần hơn với học sinh.
Vấn đề thấu hiểu tâm lý học sinh được Trường THCS Nguyễn Du chú trọng
Thầy ơi, em muốn nói…
Cuối buổi chiều sau khi tan học, M.H (học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du) gõ cửa phòng tư vấn tâm lý để kể về chuyện mình “crush” một bạn cùng lớp nhưng không biết phải làm thế nào. Trong khi đó, Trọng Khang (học sinh lớp 9 của trường) lại tìm đến phòng tư vấn tâm lý để xin lời khuyên về việc lựa chọn nguyện vọng trường THPT sắp tới…
“Em đang băn khoăn giữa Trường THPT Trưng Vương và THPT Bùi Thị Xuân. Bây giờ, em nghĩ sức học của em chưa đủ để vào Bùi Thị Xuân nhưng em vẫn rất muốn đặt Bùi Thị Xuân làm nguyện vọng 1” – Trọng Khang bày tỏ.
M.H thì kể: Các bạn trong lớp biết em thích bạn nam đó nên cứ trêu hoài, thành ra dù em rất muốn nói chuyện với bạn nhưng lại rất ngại. Em không biết phải làm như thế nào.
TS. Giang Thiên Vũ (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM – phụ trách phòng tư vấn tâm lý Trường THCS Nguyễn Du) chăm chú lắng nghe những chia sẻ của học sinh và ghi chép tỉ mỉ. Thỉnh thoảng lại cười, ánh mắt đầy động viên để học sinh chia sẻ hết câu chuyện của mình.
TS. Giang Thiên Vũ phân tích: Với Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT sẽ có nhiều điểm mới. Đó là ngoài môn học bắt buộc thì còn có các môn học lựa chọn. Hiện nay, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT thì mỗi trường THPT tại TP.HCM sẽ có cách thức tổ chức các nhóm môn học lựa chọn khác nhau. Trường THPT Trưng Vương có thể khác với Trường THPT Bùi Thị Xuân. Do vậy, theo thầy khi đăng ký nguyện vọng trường THPT trong kỳ thi tuyển sinh 10, điều quan tâm không chỉ là đăng ký nguyện vọng vào trường nào mà còn cần phải đặc biệt quan tâm là trường đó tổ chức nhóm môn học lựa chọn như thế nào. Và quan trọng hơn cả là chính bản thân em phải xác định được rằng mình có thế mạnh, xu hướng chọn nhóm môn học lựa chọn gắn với nghề nghiệp sau này là gì…
Với phân tích này, Trọng Khang như “vỡ” ra thêm nhiều điều mà trước giờ bạn chưa biết tới, bạn kể: Em từng ghé phòng tư vấn tâm lý nhiều lần, có khi hỏi thầy về cách giải quyết mâu thuẫn với bạn bè trong lớp, có khi nhờ thầy tư vấn về câu chuyện của bản thân với ba mẹ… “Những lời tư vấn của thầy giúp em không chỉ “trưởng thành” hơn mà quan trọng là em cảm thấy có nơi để chia sẻ, việc học cũng trở nên nhẹ nhàng…” – Trọng Khang bày tỏ.
Xây dựng trường học hạnh phúc từ hiểu tâm lý học sinh
Hiện phòng tư vấn tâm lý Trường THCS Nguyễn Du mở cửa mỗi tuần 4 buổi. Mỗi buổi tư vấn đón hàng chục lượt học sinh đến chia sẻ, giãi bày…
Cô Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ, lứa tuổi học sinh THCS hiện nay các em rất nhạy cảm. Đôi khi chỉ cần một mâu thuẫn rất nhỏ với bạn bè, một lời nói “hơi nặng nề” của thầy cô, ba mẹ cũng có thể làm tổn thương các em, thậm chí có thể gây đến những hậu quả. Vì thế, các em cần được có người lắng nghe chia sẻ…
Nhiều hoạt động kết nối để thầy trò thêm “xích” lại gần nhau
Với thầy cô, không phải các em không tin tưởng để chia sẻ nhưng vẫn gặp phải những rào cản nhất định. Phòng tư vấn tâm lý trở thành nơi các em tìm đến để kể lại những câu chuyện của bản thân, với một tâm lý hoàn toàn thoải mái…
“Thời điểm đầu, phòng tư vấn tâm lý cũng chưa thực sự thu hút học sinh đâu vì các em nghĩ rằng chỉ có những bạn gặp vấn đề tâm lý mới phải tìm đến phòng tư vấn tâm lý. Có nhiều em tìm đến phòng tư vấn với tâm lý e dè, hoặc là đến với bạn bè cho vui nhưng chưa nói lên câu chuyện của mình. Thế nhưng bây giờ, khi những câu chuyện các em chia sẻ được bảo mật, được “gỡ rối” đến nơi đến chốn thì tâm lý các em đã có sự tin tưởng hơn. Phòng tư vấn tâm lý hiện nay đã là nơi để các em tìm đến không chỉ là chia sẻ câu chuyện của bản thân gặp phải, mà còn là tư vấn hướng nghiệp, gỡ rối chuyện tình bạn, hỏi về một vấn đề nào đó trong học tập… Bây giờ, vào giờ ra chơi và cuối giờ học là phòng tư vấn “đông khách” nhất” – cô Trang hào hứng.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du đánh giá, khi vấn đề tâm lý học sinh được nhà trường coi trọng, đặt nặng và xây dựng nhiều giải pháp để giúp các em tỏ bày thì cái được trước hết đó là nhà trường, giáo viên đã đến gần hơn với học sinh. Các em thấy trường học không chỉ là nơi để thầy cô giảng dạy kiến thức mà còn là nơi để các em được thoải mái bày tỏ những nỗi niềm của bản thân… Đặc biệt, từ những chia sẻ của học sinh với phòng tư vấn tâm lý giúp nhà trường nắm bắt được nhiều hơn, hiểu được hơn tâm tư, tình cảm của học sinh, những vấn đề mà các em đang gặp phải để có giải pháp tháo gỡ.
“Nếu là chia sẻ về áp lực học tập thì nhà trường sẽ cùng ngồi lại với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để tìm hiểu sâu về nguyên nhân để hỗ trợ các em. Nếu câu chuyện của các em gặp phải đến từ mối quan hệ, tình cảm với bạn bè, thầy cô, gia đình, nhà trường sẽ cùng với chuyên gia tư vấn xây dựng giải pháp để hỗ trợ… Cũng chính từ phòng tư vấn tâm lý, rất nhiều trường hợp học sinh đã được nhà trường can thiệp kịp thời để các em vượt qua áp lực. Đây cũng là cách nhà trường lựa chọn để xây dựng hành trình trường học hạnh phúc” – cô Nguyễn Đoan Trang chia sẻ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)